Một ngày cuối tháng sáu, 15 gia đình gồm 27 người lớn và trẻ nhỏ đến từ thủ đô Hà Nội đã vượt gần 400km về dự lễ cắt băng khánh thành, bàn giao dãy phòng học và phòng giáo vụ lắp ghép cho cô trò điểm trường mầm non Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An).
Nậm Tột là điểm trường xa nhất của huyện Quế Phong, nơi có 100 % đồng bào H' Mông sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên trước đây cô trò Nậm Tột phải học tập, sinh hoạt trong những dãy nhà tranh tre khá tạm bợ, dột nát do người dân địa phương dựng lên.
Thông qua sự giới thiệu, kết nối của một số lãnh đạo địa phương, tháng 5/2019, một số gia đình tại thủ đô Hà Nội đã về Nậm Tột khảo sát và quyết định trao tặng cô trò nơi đây một dãy trường học lắp ghép sẵn, với kinh phí khoảng 400 triệu đồng.
Do nằm ở vùng biên viễn của miền tây xứ Nghệ, cách trung tâm xã Tri Lễ hơn 30km, chưa có đường ô tô đi vào nên việc vận chuyển nguyên vật liệu vào Nậm Tột để làm trường gặp rất nhiều khó khăn.
Các nhà hảo tâm phấn khởi chụp ảnh kỷ niệm tại điểm trường mầm non Nâm Tột ngày cắt băng khánh thành (Ảnh: Thò Bá Cường).
Vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, giao thông đi lại khó khăn, sau hơn 1 năm xây dựng, cuối tháng 6/2020, trước sự chứng kiến của chính quyền và người dân địa phương, điểm trường Nậm Tột đã được cắt băng khánh thành và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.
Anh Nguyễn Hùng Cường (nhóm trường nhóm thiện nguyện Người Quế Phong) – người đã đồng hành cùng với những gia đình từ Hà Nội vào trao tặng điểm trường cho biết, chuyển đi này ngoài người lớn thì một số gia đình đã đưa con cái đi cùng.
Đây là dịp để con cái của họ nhìn thấy được cuộc sống khó khăn, vất vả của các bạn cùng trang lứa để khi về chúng học được cách đồng cảm và sẻ chia với những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Đoàn siêu xe phải vượt qua rất nhiều cung đường đất hiểm trở, đèo dốc mới đến được Nậm Tột (Ảnh: Thò Bá Cường).
Theo anh Cường, đây là lần đầu tiên có xe ô tô vào tận bản đồng bào H' Mông Nậm Tột. Đến Nậm Tột không chỉ là những chiếc xe ô tô thông thường mà người dân miền biên viễn được đã chiêm ngưỡng những chiếc siêu xe tiền tỷ, thuộc các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Mercedes, Range Rover, Lexus, Ford …
“Những không chì giàu vật chất mà còn giàu lòng nhân ái đến từ Hà Nội, họ giàu nhưng họ biết yêu thương, sẻ chia với những trẻ em nghèo, các cô giáo mầm non ở những nơi khó khăn, xa xôi nơi biên viễn. Không nghĩ là các anh chị ấy dám đem dàn xe sang để vào những cung đường như thế này, nhìn mà xót lắm.
Lần đầu tiên kể từ khi tôi sinh ra mới có một dàn xe hoành tráng thế này vào cung đường Mường Lống - Nậm Tột của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Những tấm ảnh này ghi dấu ấn cho việc mở ra một " kỉ nguyên" mới ở vùng biên viễn này” – anh Cường chia sẻ.
Chỉ tay lái nhiều kinh nghiệm mới có thể chinh phục được những khúc cua uổn lượn như thế này (Ảnh: Thò Bá Cường).
Bà Lê Thị Thanh Minh – Hiệu trưởng trường Mầm non Tri Lễ cho biết, nhà trường vừa được các anh chị hảo tâm từ Hà Nội trao tặng một dãy nhà lắp ghép (1 phòng học, 1 nhà vệ sinh khép kín và 1 nhà công vụ) tại điểm trường Nậm Tột.
Trường mầm non Tri Lễ có 1 điểm chính và 10 điểm lẻ, trong đó Nậm Tột là điểm trường xa nhất và khó khăn nhất của huyện Quế Phong. Năm 2015, ngoài điểm chính và 4 điểm lẻ là được nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố, 6 điểm còn lại đều là nhà tạm bằng tranh, tre, nứa, lá.
Nhờ sự kêu gọi, kết nối của lãnh đạo tỉnh, huyện, địa phương, ban giám hiệu nhà trường và tấm lòng của các nhà hảo tâm đến hiện tại thì xã Tri Lễ đã cơ bản đã xóa được các điểm trường tạm bợ bằng tranh, tre, nứa, lá.
Toàn cảnh khu nhà lắp ghép sẵn (gồm 3 phòng) do các nhà hảo tâm đến từ Hà Nội mới trao tặng cho cô trò điểm trường mầm non Nậm Tột (Ảnh: Thò Bá Cường).
Các cháu mần non ở điểm trường Nậm Tột lần đầu tiên được ngồi trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp do các nhà hảo tâm trao tặng (Ảnh: Thò Bá Cường).
“Với cương vị là hiệu trưởng nhiều năm đồng hành với nhà trường tôi không biết dùng từ gì để cảm ơn các nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện đã về với Tri Lễ. Mỗi đoàn từ thiện đến với Tri Lễ đều có cách làm khác nhau, nhưng tất cả các đoàn đến với chúng tôi đều rất thành tâm và trách nhiệm.
Năm 2015, khi mới về làm hiệu trưởng, cá nhân tôi cũng thấy rất buồn. Là hiệu trưởng, nhưng thấy học sinh khổ, giáo viên mình khổ, cô trò phải học tập và sinh hoạt trong những điểm trường tạm bợ khiến tôi rất trăn trở.
Từ đó, cá nhân tôi và tập thể ban giám hiệu nhà trường đã đồng lòng, tìm cách liên hệ với các nhà hảo tâm xin giúp đỡ để có được cơ sở vật chất của các điểm trường như ngày hôm nay” – bà Minh chia sẻ.
Ngoài lớp học, nhà công vụ, các nhà hảo tâm đến từ thủ đô còn trao tặng cầu trượt cho điểm trường Nậm Tột (Ảnh: Thò Bá Cường).
Nhiều gia đình còn đưa con đi cùng tới Nậm Tột để chúng thấy được sự khó khăn, thiếu thốn của các em nhỏ nơi đây. Khi trở về họ hi vọng chúng biết cảm thông và sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình (Ảnh: Thò Bá Cường).
Theo bà Minh, trong chuyển thiện nguyện về với Nậm Tột để cắt băng khánh thành, trao tặng điểm trường, một số nhà hảo tâm phần mang theo con cái. Các bậc cha mẹ thì góp tiền làm trường, còn con cái thì quyên góp tiền để mua đồ dùng trao tặng các em, các bạn ở Nậm Tột.
Mục đích là muốn con em họ cảm nhận được cuộc sống vất vả, khó khăn của người khác để học cách cảm thông, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
X.C - T.B.C.