Muốn xem phim phải mua vé, muốn vào safari ngắm thú phải bỏ tiền, ấy vậy mà không ít người đầu cơ đất, từ kẻ non tay đến người dày dạn kinh nghiệm vẫn đưa chân vào “tour du lịch không đồng” mang tên địa ốc Alibaba.
Các cụ xưa đã có câu, không ai ăn không được của ai cái gì. Nó càng đúng trong xã hội nhiều bất cập như ngày nay.
Đầu cơ đất nền đã nổi lên từ nhiều năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là tư duy “tệ hại”, gây ra những cơn sốt giá đất ảo chênh lệch quá lớn so với giá trị thực, để lại không ít hậu quả cho thị trường bất động sản. Thậm chí, nó không mang lại giá trị gì cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng có lẽ, hàng vạn lời khuyên hay sự cảnh báo cũng khó ngăn nổi lòng tham vô đáy vốn dĩ tồn tại sâu thẳm trong tiềm thức của con người. Và chính vì “lòng tham” ấy, địa ốc Alibaba đã dễ dàng hoạt động đa cấp bất động sản, cho vào tròng nhiều con mồi.
Trái đắng những tour du lịch không đồng nhằm “tri ân khách hàng” với việc thăm quan bảo tàng đóng cửa, du lịch sinh thái hụt… dường như là bài học nhãn tiền ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng chịu… học. Và đó cũng là kẽ hở để nhân viên địa ốc Alibaba tiếp tục “diễn lại” trò lừa đảo theo kiểu “bình mới rượu cũ” mà vẫn thành công rực rỡ, nhân rộng quy mô bị hại ra nhiều tỉnh thành như: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...
Khách hàng đã vào tròng thế nào?
Khách hàng của địa ốc Alibaba vốn không phải là những người già đi tour du lịch không đồng, mua dăm ba cái nồi cơm bếp điện giá vài triệu đồng. Họ, là những người có tiền, có tri thức, nhưng vẫn lao vào “ôm” đất nền của Alibaba.
Trên con xe 4 bánh, nhân viên Alibaba dễ dàng “lùa” khách hàng đi thăm thú những dự án bằng những lời mật ngọt. Họ vẽ triển vọng của các dự án trong tương lai đầy tươi đẹp.
Đáng nể phục nhất, nhân viên Alibaba đã điểm trúng “tử huyệt” của hàng ngàn khách hàng khi phát tán những con số nghe là “mê” và hứa hẹn sẽ tìm người mua lại khu đất chỉ trong vài tuần, giá hời hơn rất nhiều. Và chính những thứ mê hoặc đó đã vô tình làm mờ đi thái độ lảng tránh của nhân viên Alibaba khi được hỏi về tính pháp lý của các dự án này.
Theo những dữ liệu mới nhất liên quan đến vụ việc này, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh - người đứng lên hô hào nhân viên địa ốc Alibaba quyết tâm chống đối đoàn cưỡng chế tại xã Tóc Tiên khi làm việc với cơ quan chức năng - cho biết, Alibaba có "hợp tác" với năm doanh nghiệp để "phân phối", "chuyển quyền sử dụng đất" tại 7 "dự án". Qua đó, Alibaba đã nhận "góp vốn đầu tư" của hàng ngàn khách hàng với 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 771 tỉ đồng.
Trước sức nóng của Alibaba, phía cơ quan chức năng đang tìm cách rà soát, mời những nạn nhân dính bẫy dự án “ma” lên hợp tác, làm rõ vụ việc.
Rơi vào tình cảnh “cá cắn câu biết đâu mà gỡ”, vài ngày nay, khách hàng “đổ bộ” đến trụ sở của địa ốc Alibaba đòi tiền đầy khổ sở. Thậm chí vì “mất của xót con”, ẩu đã đã diễn ra, và khách hàng lại vào viện băng bó…
Thực tế, họ thừa hiểu, đổ tiền vào mua đất nền, đầu tư theo kiểu lướt sóng để kiếm lời khác gì cầm cục than hồng chuyền tay nhau, ai chậm bị bỏng là điều tất yếu.
Nhà chức trách không nằm ngoài cuộc, nhưng trước khi trách người, trách pháp luật, thì phải trách chính bản thân mình. Bởi là nhà đầu tư thông thái không dễ. Nhất là khi lòng tham còn đó và độ cảnh giác thì hớ hênh đến khó tả.
Chuyện nhiều người trong phút chốc bỗng trở thành đại gia nhờ bất động sản như một bản nhạc du dương đưa bước nhiều người ham giàu sổi. Khách hàng của Alibaba cũng nghe bản nhạc đó, cứ nghĩ bước chân lên thiên đàng, ai ngờ đường đến thiên đàng lại không có điểm cuối.
Vẫn là lời chia buồn với họ, thế nhưng, sống trên đời, làm bất cứ công việc gì, hãy luôn nhớ chân lý “tham thì thâm”.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.