Dành cả cuộc đời cho nhau, cuộc hôn nhân đẹp như trong chuyện cổ tích của cặp đôi xứ Mường khiến nhiều người không khỏi khâm phục, ngưỡng mộ. Anh Đinh Công Vịnh (SN 1990, tại xã Bao La, Mai Châu, Hòa Bình) nói rằng, giờ nghĩ lại anh thấy bản thân mình ích kỷ vì đã không dám tin vào một tình cảm sắt son, chung thủy với vợ anh là chị Bùi Thị Hoa (SN 1992). Đã không ít lần anh khuyên chị Hoa hãy đi lấy chồng, đừng bận tâm đến anh, bởi đôi chân bại liệt, anh bất lực trước cuộc sống, anh không muốn làm “cây tầm gửi” bên cạnh vợ.
Anh Vịnh kể lại rằng, anh chị lấy nhau đã được gần chục năm, cuộc sống cứ thế trôi qua trong êm đềm, vợ chồng anh tần tảo làm lụng để mong có cuộc sống khá hơn. Cho đến một ngày, khi anh đi làm phụ hồ tại Hà Nội nhưng được một thời gian anh nhận thấy sức khỏe của mình yếu dần, lưng đau không thể làm được những công việc nặng nhọc. Anh vội vàng đi tiêm thuốc giảm đau vào lưng, không ngờ một năm vết tiêm nổi cục áp xe, để lâu nhiễm trùng vào tủy. Sau cuộc phẫu thuật, anh Vịnh liên tục trải qua các ca mổ và từ xương cụt trở xuống đã không còn cảm giác. Anh khóc ngay trên giường bệnh, khóc trước mặt vợ mình vì đến việc mặc quần áo cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của vợ.
“Thể xác đau vì phẫu thuật cũng không thể bằng nỗi đau trong lòng tôi lúc bấy giờ. Sau khi ra viện, mọi sinh hoạt cá nhân tôi đều phải dựa vào vợ hết. Vợ tôi phải cõng, bế tôi trên tay như một đứa trẻ. Tôi bất lực, túng quẫn, nhiều lúc muốn chết để kết thúc những ngày tháng đau khổ. Có lần, tôi nhìn lọ thuốc trừ sâu, lần mò lại để lấy uống nhưng cô con gái 4 tuổi bất chợt gọi bố, tôi giật mình đánh rơi lọ thuốc và biết mình không thể tàn nhẫn với vợ con thêm nữa”, anh Vịnh chia sẻ.
Cuộc sống càng rơi vào bế tắc hơn khi anh Vịnh thấy vợ vừa chạy ngược chạy xuôi lo gánh nặng cơm, áo, gạo tiền vừa phải chăm con, chăm chồng. Thương vợ, thương con nhiều lần anh đã tâm sự với chị “Hay chúng mình dừng lại đi. Thế này mãi tội em lắm. Em đi lấy người khác sẽ có cuộc sống tốt đẹp, hơn nữa em còn rất trẻ”. Nghe anh Vịnh nói vậy chị Hoa một mực lắc đầu, bởi chị biết, anh vì thương, vì yêu chị nên mới nói ra những lời như vậy.
“Chẳng ai muốn từ bỏ đi người mà mình yêu thương, phá vỡ tổ ấm của chính mình. Nhưng, đôi tay cô ấy đã chai sần, gương mặt già hơn rất nhiều chỉ vì lo cho tôi.
Khi không thể khuyên bảo được vợ, tôi đã cố tình tỏ thái độ ra bên ngoài và nói những lời khiến cô ấy tổn thương và “chán chồng”. Tôi hay kiếm cớ gây sự với cô ấy, lúc chê cô ấy nấu ăn dở, lúc nói cô ấy không biết kiếm tiền... Nhưng, Hoa vẫn một lòng một dạ sắt son. Cô ấy cứ đợi cho đến khi tôi bình tâm trở lại và nói nhỏ nhẹ “cả đời này em cũng không bỏ anh đâu”. Nói xong cô ấy khóc, nhưng vội vàng lau những giọt nước mắt không để tôi biết”, đôi mắt anh Vịnh đỏ hoe.
Gần chục năm chung sống, có lẽ chị Hoa đã hiểu hết tâm tình cũng như suy nghĩ của anh Vịnh. Nên, với chị những khó khăn phía trước chị không nề hà, chỉ cần anh không nói với chị “dừng lại đi em” thì chị sẽ bước tiếp và vững vàng trên mảnh đất Bao La này.
Nghe những lời bộc bạch chân thành từ chồng, chị Hoa một mực nói: “Chúng mình đến với nhau là duyên số, dù cả đời này em phải bế, cõng anh em cũng cam lòng. Anh hãy lấy lại lòng tin như những ngày chúng ta mới ở bên nhau. Tôi biết tính anh Vịnh, anh ấy chỉ cố ý làm như vậy để tôi xiêu lòng chứ thực chất bụng dạ anh rất tốt. Tôi không bỏ cuộc và không buông tay đâu”.
Dần dần, sự yêu thương, tình cảm chân thành của chị Hoa cũng sưởi ấm trở lại trái tim anh Vịnh. Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đối với chị Hoa không còn nữa, vì anh biết, dù có dùng cách gì cũng không thể lay chuyển được tâm trí chị. Sự kiên định của chị Hoa đã tiếp cho anh Vịnh thêm sức mạnh để tiếp tục sống cùng vợ con, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn.
“Tôi đã khiến vợ mình chịu bao đau khổ, nên, giờ tôi chỉ biết nói lời cảm ơn, cảm ơn vì vợ đã không bỏ rơi tôi. Cảm ơn vì vợ và con gái đã cùng tôi trải qua giây phút sinh tử của cuộc đời. Nhìn vợ tất bật mọi việc khiến tôi không thể ngồi yên, tôi bắt đầu học di chuyển trên xe lăn, tự vịn vào tường ngồi dậy, học cách tự tắm rửa, nấu ăn giúp vợ. Tôi lên mạng mày mò những món ăn mà vợ thích để “tặng” vợ sau một ngày làm việc mệt mỏi, để vợ còn có sức “bế chồng”. Cuộc sống của gia đình tôi lại tràn đầy tiếng cười”, anh Vịnh chia sẻ.
Biết chồng đang “nịnh” vợ, chị Hoa chỉ cười, với chị, những khó khăn từng trải không là gì cả, chị chỉ cần thấy chồng, con gái khỏe mạnh, tinh thần ổn định và quan trọng là tình yêu thương của cả hai dành cho nhau luôn bền vững mạnh mẽ thì mọi con đường phía trước chị đều có thể bước tiếp.
Còn anh Vịnh, anh lấy cây sáo – một người bạn lúc vui buồn du dương một bài tình ca giữa đất trời Bao La. Anh nói rằng những âm thanh trong trẻo này sẽ làm dịu bớt nỗi đau mà vợ chồng anh đã từng trải qua. Anh sẽ cố gắng thật nhiều để một ngày nào đó anh có thể đưa vợ và con đi ngắm những cảnh sắc tuyệt vời tại Mai Châu – lời hứa mà gần 10 năm nay anh chưa thực hiện được với vợ. Anh tin, cơ hội vẫn còn đối với vợ chồng anh.
Chia sẻ với PV, ông Đinh Công Thiềng (Trưởng xóm Pạnh, xã Bao La, Mai Châu, Hòa Bình) cho biết: “Câu chuyện của gia đình anh Vịnh xóm làng chúng tôi đều biết, họ rất yêu thương nhau. Sau nhiều năm vất vả vì bệnh tật, giờ đây họ cũng bán thêm hàng nông sản, chăn nuôi gà để kiếm thêm thu nhập. Chị Hoa là người vợ tần tảo, không ngại mưa nắng để làm kinh tế lo cho gia đình”.
M.T