Đáng tiếc là cuốn sách để các trường trên cả nước lựa chọn dạy cho học sinh lần đầu bước vào bậc tiểu học đã biến những bài học giáo dục thành bài học… phản giáo dục.
Đáng tiếc cho những tâm hồn trong trẻo bị vấy bẩn khi phải học hai bài Tập đọc mà thông tin là nêu ra là những mưu hèn, kế bẩn để biện minh cho sự lười biếng, trốn tránh công việc (Hai con ngựa); hay để sát hại lẫn nhau (Cua, cò và đàn cá). Than ôi, tính trung thực, lòng nhân ái đang ở đâu?
Sự phản giáo dục còn ở ngay trong cách dùng từ. Trong câu chuyện Cua, cò và đàn cá, người kể lại câu chuyện đã dùng từ CHÉN - một từ thông tục chỉ về việc ăn chưa nên cho trẻ em lớp 1 tiếp cận mà trong ngữ cảnh này càng thể hiện sâu sắc hơn cái ác - kết quả của một mưu kế đê hèn. Đớn đau thay đàn cá bị con cò thâm độc lừa dối đến mức thân vong mạng mất. Đớn đau hơn cho con trẻ khi phải học những bài học đầu đời như thế!
Những người làm sách có thể biện minh đây mới là phần đầu của câu chuyện, ý nghĩa giáo dục nằm ở bài sau, nhưng chắc họ thừa hiểu mỗi bài học có giá trị riêng của nó. Những thông điệp phản cảm đã đưa trong bài trước đã được trẻ em tiếp thu thì sẽ không dễ gì gột rửa trong bài học sau. Cái bánh có thể cắt đôi để ăn còn câu chuyện hoàn chỉnh, có ý nghĩa sâu xa mà chặt khúc để giảng dạy với phần đầu chứa đựng những chi tiết xấu ác thì không thể chấp nhận.
Đáng tiếc cho cuốn sách giáo khoa với những lỗi không còn ở mức hạt sạn mà phải coi là hòn sỏi, cục gạch, thậm chí là tảng đá to như “hai con ngựa” trong câu chuyện mà chui lọt được… “lỗ kim” Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Đáng tiếc những cái lỗi lớn như thế không chỉ ở hai bài Tập đọc tôi lấy làm ví dụ. Các bậc cha mẹ học sinh, những người quan tâm đến giáo dục còn tìm ra thêm, đang nhức nhối và bày tỏ ý kiến của bức xúc của mình trước một tư duy làm sách phản khoa học, phản giáo dục.
Đáng tiếc cho một trong những cuốn sách giáo khoa được coi là tiên phong cho công cuộc cải cách giáo dục được Đảng, được dân kỳ vọng vừa ra đời đã gặp những phản ứng của xã hội.
Nhưng đáng tiếc nhất là những người chịu trách nhiệm chính của lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu của đất nước đã không có giải pháp căn cơ để ngăn chặn được những điều đáng tiếc mà đáng tiếc thay vẫn đang xảy ra.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.G.G