Chào đạo diễn Hoàng Nhật Nam! Anh có thường xuyên theo dõi các chương trình, gameshow hẹn hò đã và đang phát sóng trên truyền hình?
Những chương trình dạng này không phải là gu của tôi. Nhưng, là dân trong nghề, tôi cũng nắm được thời gian qua có rất nhiều show hẹn hò, mai mối được phát sóng.
Thực tế, một số show hẹn hò đã mai mối thành công cho các cặp đôi. Tuy nhiên, số cặp đôi nên duyên khá ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên, điều tốt đẹp ấy rất cần được lan tỏa.
Bên cạnh sự tích cực, cũng không hiếm những chương trình mang tính dàn dựng, người chơi lo “làm màu”, mưu cầu sự nổi tiếng. Vô tình điều tiêu cực này đã khiến cho dụng ý nghệ thuật của chương trình sụp đổ hoàn toàn. Họ đã lấy đi cơ hội của những người thực sự muốn kiếm tìm hạnh phúc và phá vỡ lòng tin của công chúng.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam "cầm trịch" nhiều chương trình truyền hình "ăn khách".
Thực tế, các show hẹn hò ngày càng bị “mất điểm” vì đi vào lối mòn thiếu chân thực với đủ “chiêu trò” lố lăng, phản cảm. Nhìn trực diện vào vấn đề này, quan điểm của anh thế nào??
Về bản chất, thông điệp mà các show hẹn hò muốn truyền tải không hề xấu. Nó vừa mang tính giải trí, nhưng vẫn chứa đựng tính nhân văn khi trở thành “ông tơ-bà nguyệt” mai mối và se duyên hạnh phúc đến cho những người thật sự muốn tìm kiếm tình yêu.
Song, có thể vì nhiều yếu tố mà các show hẹn hò, mai mối sau này không được lòng khán giả. Điều đó có thể đến từ chính người chơi. Rất khó để kiểm soát họ đến chương trình với dụng ý gì: mong muốn tìm được ý trung nhân hay chỉ lên sóng để gây chú ý, đánh bóng tên tuổi? Khi người chơi cố tình gạt bỏ sự vô tư, chân thành, họ sẽ tìm cách nói dối. Nhưng, đến lúc bị “bóc phốt”, thì rất đáng xấu hổ. Việc người chơi có dụng ý tiêu cực, vô tình khiến chương trình mất đi tính thực tế, thay vào đó là sự dàn dựng.
Còn phía các nhà sản xuất hiện nay, họ luôn muốn chương trình lên quá đà dễ biến thành phản cảm.
Dường như các đơn vị sản xuất show hẹn hò, mai mối hiện này đang quá coi trọng yếu tố lợi nhuận, rating, mà cố tình “câu view”, “câu khán giả” bằng mọi chiêu trò?
Thực ra, việc các đơn vị sản xuất gameshow giải trí mong muốn chương trình của mình thu hút lượng khán giả lớn, kéo theo nguồn tài trợ và quảng cáo là điều hết sức chính đáng..
Tôi cho rằng, với dạng chương trình này, bao giờ cũng chú trọng khai thác yếu tố dàn dựng, kịch bản, nhân vật, làm sao để gay cấn và thu hút khán giả nhất có thể. Dĩ nhiên, khán giả cũng không muốn xem một chương trình nhàn nhạt, thiếu yếu tố kịch tính. Có cung thì có cầu, đây là “luật chơi” thông thường trong việc sản xuất các chương trình giải trí hiện nay. Tuy nhiên, mức độ khai thác nhiều hay ít, chạm đến một ranh giới nào, đó là lựa chọn riêng của mỗi đơn vị sản xuất.
Bản thân đã “bỏ túi” kha khá các chương trình truyền hình, tôi thấy các gameshow “câu khán giả” bằng scandal hay để thí sinh nói dối là rất phản cảm. Riêng cá nhân tôi sẽ không bao giờ chọn hướng đi đó.
Chương trình thiện nguyện ủng hộ Đà Nẵng - Quảng Nam của đạo diễn Hoàng Nhật Nam được nhiều khán giả ủng hộ.
Trong khi các gameshow nhảm nhí, vô bổ “lên ngôi”, thì các chương trình nhân văn, tử tế dần rơi vào hoài niệm... vì thiếu kinh phí. Anh nói gì về nghịch lý đáng buồn này?
Đôi khi, chúng ta không thể chối bỏ được quy luật khá cay đắng và điều đó đang diễn ra với chính nền giải trí. Số đông khán giả hiện nay không đi vào chiều sâu, mà đang chạy theo thị hiếu “tò mò – giật gân– hào nhoáng”.
Thực tế, có rất nhiều chương trình, gameshow “mua vui chóng vánh”, nhưng chẳng đọng lại gì. Nhưng, không hiếm chương trình chứa đựng yếu tố nhân văn, khiến người xem phải trăn trở, day dứt về những thân phận, cuộc sống xung quanh. Đó là những cảm xúc mà bất cứ ai cũng cần phải có, nhất là với khán giả trẻ.
Tôi cảm thấy buồn và chạnh lòng, khi những chương trình nhân văn, tử tế, giúp thay đổi một số phận con người, mang đến hạnh phúc cho bao người bằng sự chân thành nhất phải dừng lại vì... không có kinh phí, tài trợ. Rất mong sau một thời gian “lửa thử vàng”, sẽ có nhiều tín hiệu tốt đẹp để những chương trình nhân văn sống mãi trong lòng công chúng.
H.L