Chào anh, cảm giác của anh như thế nào khi bộ phim điện ảnh đầu tay của mình sắp được công chiếu tại Việt Nam sau hành trình chinh phục quốc tế?
Nói thiệt nha, không có cảm giác gì cả, tôi không biết nên vui hay nên buồn. Khi được giám đốc sản xuất thông báo, sớm hơn mọi người, lúc đó tôi có một chút rơm rớm nước mắt. Sau bao nhiêu thăng trầm, một là quá đau không còn đau nữa, hai là quá vui không còn vui nữa. Tôi thấy bản thân ở giữa hai thái cực đó.
Vượt qua khoảng thời gian nặng nề đó, anh có giữ được điều mình mong muốn gửi đến khán giả qua bộ phim hay không?
Là người đứng ra kêu gọi từ trước, tôi nhận ra bản thân phải có trách nhiệm tìm đường đi tiếp. Vì để hoàn thành tác phẩm, ekip đã đánh đổi bằng biết bao công sức, có người đã cống hiến cả tuổi trẻ cho dự án. Chúng tôi không thể để bộ phim đi vào quên lãng.
Khi phim bị phạt, suốt nhiều tháng, tôi phải nghiên cứu để chỉnh sửa, nói chuyện thuyết phục để giữ lại những điều mà bản thân cho là cần thiết. Bản phim sắp ra rạp so với bản ban đầu có thời lượng giống nhau. Đường dây cốt truyện đều được giữ lại, chỉ khác một vài chi tiết.
Bộ phim Ròm lấy bối cảnh khu lao động nghèo tại TP.HCM.
Nhìn lại giải thưởng quốc tế của phim Ròm, anh thấy bản thân đã mạnh mẽ như thế nào?
Ngày trước, tôi muốn làm bộ phim Ròm để ghi lại tuổi trẻ của chính mình. Ekip chúng tôi cũng có tinh thần như thế. Không bao giờ nghĩ đến viễn cảnh được nhận giải thưởng ở liên hoan phim lớn nhất châu Á, được các nhà sản xuất bỏ tiền để phát hành phim.
Một vài nhà làm phim trẻ nói với tôi rằng việc đi ra thế giới quá khó. Nhưng các bạn đã thật sự đi chưa, đã đưa ra hết sự sáng tạo của mình cho người ta thấy hay chưa?
Năm 2015, dự án Ròm phải đấu với hàng trăm dự án khác để được chọn vào top 15 vào Liên hoan phim quốc tế Busan. Từ vòng chung kết đó, ban tổ chức sẽ chọn ra dự án xuất sắc nhất để trao giải và cho tiền thực hiện tác phẩm. Thế nhưng, chúng tôi vụt mất cơ hội nên các nhà sản xuất, quỹ đầu tư đều quay lưng từ chối. Nếu không có niềm tin của bản thân và ekip, làm sao tôi làm tiếp được.
Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy được vinh danh tại Liên hoan phim quốc tế Busan.
Đến ngày bộ phim hoàn thành, Liên hoan phim quốc tế Busan trao cho chúng tôi giải Nhất. Thế nên, nếu chúng tôi bỏ cuộc từ thất bại đầu tiên, ngày hôm nay đã không thể có được. Làm phim không chỉ cần sáng tạo, còn phải kiên trì.
Đối với anh, thành công ngày hôm nay chắc hẳn có nhiều dấu ấn từ gia đình, phải không?
Tôi bắt đầu làm phim từ hồi 15 tuổi. Ngày đó, bà nói tôi chỉ được học quản trị kinh doanh hay công nghệ thông tin. Gia đình rất nghèo, có khi nghĩ về tương lai, tôi cũng từng nghĩ sẽ nghe lời bà nội, đi học kinh doanh.
Một hôm, tôi vào lớp đạo diễn nhí, học về quay phim. Tự dưng tôi nhận ra đam mê của bản dù chỉ mới đi quay 1 phim. Từ đó, bên cạnh đi học ở trường, cứ có thời gian lại đi làm phim nên bị bà nội la rầy, thậm chí đánh đòn rất nhiều. Lúc đó, tôi không hề đắn đo chọn lựa, chỉ đi theo hướng mình thích.
Diễn viên chính (Trần Anh Khoa) của bộ phim Ròm là em trai đạo diễn.
Nam chính (diễn viên Trần Anh Khoa) trong phim Ròm là em trai của anh. Hỏi thật nhé, cậu ấy được nhận cát-xê bao nhiêu?
(cười) Nói về Khoa là rất nhiều kỷ niệm. Khi làm phim ngắn tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh, diễn viên chính của tôi không đến quay vì bận. Thấy em trai đang nghỉ hè, tôi bảo Khoa đóng thế.
Sau lần đó, diễn viên cứ tiếp tục báo bận, cứ thế Khoa quay tiếp. Thời hạn nộp bài đến gần, tôi băn khoăn có nên để Khoa nhận vai không. Chỉ chờ 1 người bạn trong ekip lên tiếng, vậy là tôi chọn Khoa vào vai chính.
Đến lúc làm phim điện ảnh, biết tôi tiếp tục chọn Khoa cho vai chính, các nhà sản xuất đều tin tưởng. Thời điểm đó, Khoa học lớp 11, sau giờ học lại đến phim trường. Bên cạnh diễn xuất, Khoa còn được học hỏi từ ekip với nhiều máy móc thiết bị chuyên nghiệp hơn.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, với kinh nghiệm dày dặn về điện ảnh, hồ sơ của Khoa tạo được ấn tượng tốt nên cứ thế lên đường du học về quay phim – nghề Khoa yêu thích tại Canada.
Sau ồn ào, anh có còn muốn dấn thân vào những đề tài gai góc như với Ròm nữa không?
Với tôi, điện ảnh là nền công nghiệp. Nó phải đáp ứng 2 tiêu chí là phục vụ cho cá nhân (người đạo diễn) và cộng đồng, khán giả số đông. Có “nhát tay” hay không khi làm dự án tiếp theo, tôi chưa bao giờ nghĩ về phía trước của mình là gì.
Tôi chỉ tin rằng, hôm nay tôi có một câu chuyện tốt, có một cảnh quay hay, tôi muốn truyền đạt những điều mình mong muốn. Ngày mai tôi sẽ dựng những cảnh quay đó cho thật tốt, rồi có khi ngày mốt lại không hài lòng và phải sửa lại.
Trên con đường sáng tạo, tôi không nghĩ trước hay đặt mục tiêu hôm nay mình phải đạt được điều này hay ngày mai phải chạm đến điều kia. Người nghệ sĩ nên thả cho sự sáng tạo đi tự nhiên, không bị ràng buộc mới tốt.
Nhưng nền công nghiệp điện ảnh phải có luật lệ, phải theo kế hoạch từ nhà sản xuất, phải theo tiêu chí thẩm mỹ của cấp kiểm duyệt. Có chăng các nhà làm phim trẻ sẽ “bầm dập” để nhận ra?
Thông thường, các đạo diễn trẻ sẽ nhìn vào tiêu chí để làm phim. Nhưng tôi tự hỏi, với yêu cầu của quy định đặt ra như hiện nay thì tiêu chí nào là đúng? Chúng ta không thể biết hội đồng duyệt phim sẽ cảm nhận như thế nào khi họ chưa thấy được thứ mà mình đã làm.
Tôi nghĩ mình nên đưa sản phẩm đã làm ra để họ đánh giá, có đồng quan điểm hay không rồi tính tiếp. Cứ phải làm cho mình đồng quan điểm với chính mình trước khi thuyết phục người khác. Chúng ta không thể biết trước ngày mai sự sáng tạo sẽ đi về đâu.
Nếu bây giờ có nhà làm phim trẻ đến hỏi về “bài học xương máu”, anh sẽ đưa ra lời khuyên gì?
Trước hết, tôi cần nói rất rõ ràng với các bạn rằng, khi chọn lựa trở thành đạo diễn phim điện ảnh, bạn phải đi đúng con đường mình đã chọn, không để chệch hướng. Muốn như thế, chúng ta phải chấp nhận vượt qua tất cả khó khăn, đừng làm cho mình bị “ô nhiễm”.
Đạo diễn Trần Anh Hùng đã nói trong một lớp học, một người đạo diễn thuần khiết là đừng bao giờ để mình bị “ô nhiễm” bởi những xung đột, lời nói hay những thứ kích thích khiến mình rẽ sang hướng khác.
Tôi hiểu ra 2 ý qua lời nói đó, bên ngoài về vật chất và bên trong là sự sáng tạo, phải đi đến cùng con đường mình cho là đúng. Cũng như thỏa hiệp với nhà sản xuất để chấp nhận những diễn viên không phù hợp với vai diễn.
Trân trọng cảm ơn anh!
Phải chỉnh sửa vì nội dung chưa phù hợp
Ròm là bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy, do HKFilm sản xuất. Tháng 10/2019, bộ phim đã giành được giải New Currents, tương đương giải Phim hay nhất và là giải quan trọng nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.
Nhưng với hành vi đưa phim ra nước ngoài khi chưa được cục Điện ảnh kiểm duyệt, nhà sản xuất phim Ròm bị Thanh tra bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính 40 triệu đồng.
Sau khi chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu, tác phẩm được cấp giấy phép phát hành (cuối tháng 3/2020) và dự kiến công chiếu vào ngày 31/7/2020.
Theo hội đồng duyệt phim, tại thời điểm đó, bộ phim Ròm mang góc nhìn đen tối, phản ánh nhiều tệ nạn xã hội. Nhân vật chính là một thiếu niên trải qua những cuộc đấu tranh trên đường phố, khu lao động nghèo ở TP.HCM.
H.N