Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo tôi, không nhất thiết phải chuyển lĩnh vực trên về bộ Công an mà nên để 1 ngành tổ chức thực thi, 1 ngành giám sát. Nếu chuyển sát hạch GTVT về bộ Công an như trước đây (vừa cấp bằng lái, vừa quản lý, giám sát lại thêm xử phạt-PV), dư luận dấy lên lo ngại có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu khách quan.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam
Ngành giao thông vận tải quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái; bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế; bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Ba Bộ đã được phân định rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm, như vậy sẽ không có sự chồng chéo, mọi khâu sẽ minh bạch hơn.
PV: Nhưng thưa ông, bộ Công an cho rằng, giao sát hạch lái xe về Bộ này nhằm phân định rõ công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện, còn ngành giao thông tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng?Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc quy định theo hướng chuyển trách nhiệm này cho bộ Công an sẽ dẫn tới những thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước… Bộ Công an có dẫn kinh nghiệm của một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có luật riêng về an toàn giao thông. Còn nội dung về xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải có đạo luật riêng. Tuy nhiên, Trung Quốc, Thái Lan, lực lượng CSGT lại do bộ GTVT quản lý. Mỗi nước có hệ thống luật pháp riêng, chúng ta phải căn cứ vào quy định luật pháp Việt Nam, quy định chức năng nhiệm vụ của từng bộ theo các luật có liên quan và luật Tổ chức Chính phủ đã quy định.
Thực tế, trong hệ thống tổ chức quản lý nhà nước vẫn được thiết kế theo hướng cơ quan tổ chức thực hiện là bên hành pháp, còn bên tư pháp giám sát, kiểm tra, xử lý độc lập. Nếu giao công tác sát hạch, đăng kiểm phương tiện... thực hiện như đề xuất của bộ Công an thì vai trò kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của bộ Công an sẽ bị yếu đi, khi đó sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Quyền: Đúng là việc đào tạo, sát hạch lái xe hiện còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng bằng việc công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thay vì tranh luận bộ, ngành nào sẽ quản lý.
Ảnh minh họa
Thực tế xã hội có tồn tại tình trạng sử dụng GPLX giả và có những phát sinh ngoài mong muốn. Tuy vậy, khi quản lý một lĩnh vực mang tính xã hội hóa rất cao, đối tượng quản lý hàng chục triệu người cũng khó tránh những trường hợp cố tình vi phạm. Chính vì việc quản lý lĩnh vực mang tính xã hội hóa, ngành giao thông cần nâng cao vai trò lực lượng giám sát, xử lý, ai sai, vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
PV: Thực tế, không ít lái xe sử dụng chất ma túy, có trường hợp mắc bệnh tâm thần…vẫn được đổi GPLX. Nên chăng, việc chuyển cho bộ Công an sát hạch sẽ có kinh nghiệm hơn, thưa ông?Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc một số lái xe đã được sát hạch và có GPLX mà nghiện ma túy, mắc bệnh tâm thần… thì không thể “đổ lỗi” cho ngành giao thông không có kinh nghiệm được. Một người đã được cấp GPLX, quá trình hành nghề có thể mới phát sinh tiêu cực. Trong khi đó, đến thời hạn đổi GPLX (giấp phép có thời hạn thường 3-5 năm; giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm-PV) thì người đó mới phải kiểm tra lại sức khỏe. Trong qua trình đó, diễn biến của mỗi con người, chúng ta cũng không thể lường hết được.
Ngành giao thông cũng đã nhiều lần kiến nghị bộ Y tế khi phân công cơ sở khám, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe phải xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế để cơ quan tiếp nhận cấp, đổi GPLX sẽ vào cơ sở dữ liệu của bộ Y tế để xác thực giấy chứng nhận sức khỏe đó có đúng không? Thế nhưng, bộ Y tế vẫn chưa làm được việc đó và dẫn đến lỗ hổng giấy chứng nhận sức khỏe có thể mua bán trôi nổi trên thị trường. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
PV: Trước đây công tác đào tạo, sát hạch, lấy GPLX và đăng kiểm phương tiện do bộ Công an đảm nhiệm và có những lo ngại “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu các lĩnh vực này lại chuyển về cho bộ Công an liệu đi ngược với xu thế, thưa ông?Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước đây, bộ Công an đã quản lý những lĩnh vực đó. Năm 1995, khi xem xét chuyển công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm từ bộ Công an sang bộ GTVT, Quốc hội, Chính phủ khi đó đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định. Từ thời điểm nhận bàn giao đến nay, bộ GTVT đã đổi mới mạnh mẽ theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, hoàn thiện chương trình đào tạo, hội nhập quốc tế về sát hạch GPLX, tạo thuận lợi trong cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 về cấp đổi giấy phép lái xe…
Bộ GTVT quản lý việc sát hạch GPLX là hợp xu hướng của thế giới là dân sự hóa các hoạt động quản lý nhà nước và chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang. Nếu lực lượng vũ trang quản lý công việc của dân sự sẽ không tạo cơ chế công khai, minh bạch…
PV: Xin cảm ơn ông!“Chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành đã có sự phân công rõ ràng. Định hướng chung cũng sẽ tách chức năng hành pháp với tư pháp (tổ chức thực hiện và giám sát-PV). Theo tôi đánh giá, công an chỉ chuyên tâm tuần tra xử lý vi phạm, bảo vệ pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia", ông Nguyễn Văn Quyền nói.
H.L