Người đề xuất đào tạo hệ tín chỉ ở phổ thông - ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ, thành viên hội đồng quốc gia Giáo dục & Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 - cho rằng trong 5 năm tới có thể áp dụng hệ đào tạo này để bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và “tái lập” kỳ thi xét tuyển đại học.
PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về nguyên nhân khiến ông đề xuất ý tưởng cho học sinh phổ thông học theo hệ tín chỉ?
Ông Trần Đức Cảnh: Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế, Việt Nam cần đào tạo một thế hệ những người trẻ tự tin, có khả năng cạnh tranh ngang bằng với thế giới trong nhiều thập niên tới. Chính vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ đến hướng giáo dục lâu dài: Từ cách học, cách thi, đánh giá, kiểm tra năng lực học của học sinh hiệu quả, tạo động lực cho học sinh học tập và phát huy. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở nước ngoài nhiều năm qua, tôi nhìn nhận, riêng việc áp dụng học theo hệ tín chỉ cho học sinh phổ thông hiện nay là hoàn toàn hợp lý.
Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy học sinh, sinh viên ở Mỹ, Canada và các nước phát triển chương trình học rất đều, thi và kiểm tra thường xuyên trong kỳ học, chính vì học và thi liên tục, học sinh, sinh viên không bị “áp lực dồn” nên thường tiếp thu tốt hơn, thích thú việc học hơn, không phải đối phó áp lực mỗi kỳ thi lớn như THPT như ở ta, thi xong là quên gần hết.
PV: Vậy theo ông, thời điểm nào áp dụng là thích hợp?
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi đồng tình với kế hoạch của bộ GD&ĐT là ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 3 - 5 năm tới, tránh thay đổi liên tục gây xáo trộn như những năm qua.
Tuy nhiên, theo tôi, trong thời gian này, chúng ta nên chuẩn bị kế hoạch lâu dài cho chương trình giáo dục, có thể áp dụng trong năm 2025 hay sớm hơn, một trong những thay đổi lớn nên là chương trình học theo hệ tín chỉ ở bậc phổ thông. Khi triển khai được, chúng ta sẽ không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm như hiện nay, vừa tốn kém, ảnh hưởng đến toàn xã hội mà hiệu quả “sàng lọc” thí sinh không cao.
Tôi cho rằng việc đào tạo theo hệ tín chỉ là sự phát triển tự nhiên trong giáo dục, chúng ta cần chủ động thay đổi, chủ động chính là một lợi thế.
PV: Xin ông giải thích rõ hơn về kế hoạch triển khai đào tạo tín chỉ đối với học sinh phổ thông.
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi đồng tình với lập luận “học là phải thi, phải kiểm tra”, nhưng không có nghĩa là không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh không học. Theo hệ tín chỉ, học sinh học môn nào thi xong môn đó, đủ tín chỉ, môn yêu cầu và điểm trung bình thì trường xét tốt nghiệp. Chương trình THPT có thể cấu trúc khoảng 2/3 môn học bắt buộc và 1/3 tự chọn để học sinh có thể học sâu hơn các môn theo năng khiếu, sở thích và ngành học tương lai, thay vì tiếp tục chia theo khối A, B, C, D.
Theo hệ tín chỉ, môn học được cấu trúc tùy theo chương trình dạy và học của thầy/cô giáo. Học sinh thi nhiều lần trong học kỳ, ít nhất cũng phải có thi giữa kỳ và cuối kỳ. Các bài thi, kiểm tra được trải đều trong toàn bộ học kỳ nên học sinh học tập đều đặn, liên tục và ít áp lực hơn.
Đối với đào tạo theo hệ tín chỉ, học sinh học chưa tốt ở môn nào, quy chế trường cho phép học sinh đăng ký học lại môn đó để cải thiện. Điều này đơn giản hơn rất nhiều so với việc phải cho học sinh đó học lại cả một năm chỉ vì một vài môn chưa đạt. Đào tạo theo tín chỉ mang đến sự uyển chuyển trong giáo dục, liên kết, liên thông được với chương trình đào tạo với nhiều nước.
Song, với việc đào tạo theo hệ tín chỉ, chúng ta cần tổ chức kỳ thi cấp quốc gia, không phải để xét tốt nghiệp THPT mà để xét tuyển đại học. Kỳ thi tổ chức theo lối SAT hay ACT của Mỹ và một số nước, thời gian thi trong khoảng 4 giờ, tập trung vào 2 phần chính: Toán và Ngữ văn. Tổ chức thi trên máy tính tại các trung tâm thi và thời gian đăng ký thi linh động. Mục đích của kỳ thi này là để các trường kiểm tra chéo điểm trong học bạ THPT, so sánh được sự khác biệt của mỗi trường, vùng miền và điều kiện học và dạy cho việc đánh giá xét tuyển đại học.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, các trường sẽ có cơ hội đẩy mạnh quyền tự chủ. Các trường đại học có thể tổ chức những kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào, theo yêu cầu và chuẩn của mỗi trường.
Hiện nay, các trường đại học tập trung xét nhận theo điểm số là chính, hơn là “xét tuyển” đúng nghĩa, Theo tôi, điểm số tuy quan trọng, nhưng cũng chỉ nói lên một phần của câu chuyện thành công. Các trường nên chú ý nhiều hơn về đánh giá năng lực, động cơ, năng khiếu và tiềm năng phát triển ngành nghề của mỗi học sinh, đánh giá ứng viên trên tổng thể, như vậy mới khai thác được nguồn lực lâu dài.
PV: Thưa ông, hiện nay nhiều chuyên gia vẫn còn lo ngại về lộ trình thực hiện. Liệu rằng, trong 3 - 5 năm tới, Việt Nam đã có thể triển khai được hay chưa?
Ông Trần Đức Cảnh: Nhiều nhà giáo dục cũng chia sẻ với tôi, để triển khai được hình thức đào tạo theo tín chỉ ở bậc phổ thông, sẽ “vấp” phải những trở ngại về điều kiện, trình độ và nguồn lực của Việt Nam. Tuy nhiên, khi trăn trở về đề xuất này, tôi cũng đã nghĩ nhiều đến cách thức triển khai ra sao. Với những bài học kinh nghiệm thực tiễn từ mô hình các nước, suy ra thì chuyện không quá khó khăn như nhiều người quan ngại.
Trước hết, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị xây dựng lại chương trình học, nội dung học; đội ngũ giáo viên cũng cần được đào tạo lại cho phù hợp với hệ tín chỉ. Đồng thời, quá trình thực hiện phải được bộ GD&ĐT chấp nhận, xây dựng mô hình; có thể tiến hành thí điểm tại một số trường trước, sau đó mở rộng cho toàn hệ thống trường. Đó là những bước đi cẩn thận, chậm nhưng chắc.
Theo tôi, kế hoạch thực hiện không quá khó khăn, cũng không mất quá nhiều thời gian, có chăng, sẽ chỉ mất thời gian ở khâu phê duyệt, còn tiến trình đi vào chương trình cụ thể thì không. Vì vậy, tôi tin tưởng, xây dựng kế hoạch thời gian 5 năm là thực tế.
Xin cảm ơn ông!
C.M