img

Đắp thuốc nam trị gãy xương, người bệnh nhận trái đắng

Thanh Lam - Nguyễn Thảo

Không may bị tai nạn gãy tay, thay vì thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, chị L.A. (Hà Nội) lại được giới thiệu đến một thầy lang “có tiếng” ở Hà Nội để bó lá thuốc Nam. Nhưng, xương liền đâu không thấy chỉ thấy tay ngày càng yếu đi.

Tai nạn bất ngờ

Những ngày giữa tháng Tám, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật nhận được phản ánh từ một nạn nhân về việc tin lời thầy lang bó lá thuốc Nam để trị gãy xương tay. Nhưng, giờ đây nạn nhân ân hận muộn màng vì đặt niềm tin sai chỗ.

Theo lời kể của nạn nhân L.A., khi đi bộ qua đường, chị không may bị một thanh nên đi xe máy đâm vào người. Đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị gãy đầu dưới xương quay và được đề nghị nhập viện để đóng đinh cố định phần xương tay đã gãy. “Nghĩ đến cảnh phải mổ, có vết sẹo dài ở tay, rồi một năm sau mổ tháo đinh ra… tôi sợ nên đã tìm cách khác để mong rút ngắn thời gian chữa trị gãy tay”, chị L.A. chia sẻ.

img

Tự ý bó lá thuốc nam khi gãy tay, người bệnh nhận trái đắng (Ảnh minh hoạ).

Và rồi chị L.A được bạn bè mách có thầy lang “nổi tiếng” ở Hà Nội chuyên bó lá thuốc Nam nên đã tìm hiểu và quyết định đến gặp bà lang trên con phố Văn Cao (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) để xin tư vấn và điều trị. “Ở Hà Nội cũng có rất nhiều người bó lá, nhưng tôi được giới thiệu đến với thầy lang tên Phương - có bài thuốc bó lá của dân tộc Dao đỏ. Thầy lang này đã chữa cho rất nhiều người và khỏi”, chị L.A. kể lại, chị rất vui mừng khi vừa không phải mổ lại có thể rút ngắn thời gian điều trị.

Ngay lập tức, chị L.A. liên hệ với vị thầy lang được giới thiệu nêu trên, kể về tình hình tay của mình. Sau đó, người này yêu cầu kết bạn Zalo để gửi hình ảnh gãy xương, phim chụp xương tay và chị L.A. nhận được lời khẳng định chắc nịch “chữa là khỏi, 9 ngày là xương có thể liền”.

Với mong muốn chữa bệnh nhanh để còn tiếp tục đi làm, chị L.A. đã đến gặp thầy lang để bó thuốc lá. Nhưng, khi đến đây, chị L.A. cho biết thầy lang còn chẳng buồn nhìn lại phim chụp và cho chị bó lá. Không thăm khám, không kiểm tra nhưng thầy lang lại khẳng định bó lá như vậy chắc chắn khỏi. Để chị L.A. yên tâm, thầy lang bắt đầu câu chuyện bằng việc kể về những người còn nặng hơn chị, rời hẳn xương ra, nhưng sau 9 ngày xương vẫn liền lại như thường. “Đấy, chị mà đến sớm hơn tí nữa thì đã gặp được thằng bé gãy nát tay, vừa được tôi bó cho xong 5 ngày là khỏi và tay có thể vẫy được”, chị L.A. thuật lại lời của thầy lang nói với mình.

Dù còn nhiều băn khoăn, lo lắng, nhưng chị L.A. vẫn quyết định bó lá, với hy vọng liền xương mà không cần phải can thiệp phẫu thuật. Vì bó lá thuốc Nam chỉ có tác dụng trong 24 giờ, nên ngày nào chị L.A. cũng phải đến thay thuốc, cứ đều đặn như thế. Sau 9 ngày chị L.A. được thầy lang này khẳng định tay đã khỏi, không cần đến thăm khám thêm. Thấy tay cũng không còn đau như hôm đầu mới gãy, chị L.A. chắc mẩm tay mình đã khỏi và vui mừng về nhà.

Trái đắng

Sau 9 ngày bó thuốc, chị L.A. thấy tay mình có dấu hiệu cong bất thường, lực ở tay gần như không có, cầm tờ giấy hay chùm chìa khóa cũng cảm thấy khó khăn. Theo dõi 1, 2 ngày, tình trạng vẫn diễn ra như vậy, chị quyết định đến bệnh viện Xanh Pôn khám lại. Kết quả khiến chị bàng hoàng, tay chị vẫn bị gãy nguyên, chưa hề có dấu hiệu lành lại, thậm chí còn nặng hơn, phần xương bị gãy bắt đầu nhô ra. Cuối cùng, chị L.A. vào bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được bác sĩ thăm khám, mổ cố định bằng đinh sau 9 ngày bó lá vô ích. Hiện tại, tay của chị đã ổn định.

Về phía thầy lang, chị L.A. có phản hồi lại về tình trạng của mình với mong muốn nghe một lời giải thích. Nhưng, đáp lại những những tin nhắn, cuộc gọi từ chị, đầu dây bên kia vẫn bặt vô âm tín. Chồng chị L.A. bức xúc cũng gọi điện để yêu cầu một lời giải thích thì vị thầy lang kia lờ đi, chỉ hẹn chị đến để bó lại. Nhưng, chị L.A. chỉ rùng mình với lời hẹn “bó lại”…

img

Bác sĩ Giỏi cùng ê-kíp thực hiện phẫu thuật gãy xương cho bệnh nhân. (Ảnh: BSCC).

“Khi chia sẻ câu chuyện của mình, tôi không mong muốn thầy lang kia phải bồi thường vì chi phí để bó lá thuốc nam không quá lớn. Tuy nhiên, nếu ai gãy xương đến cũng chỉ được bó lá thuốc như tôi thì e rằng không chỉ có tôi, mà nhiều người khác cũng rơi vào trường hợp tương tự không khỏi, thậm chí còn làm giảm mất cơ hội điều trị”, chị L.A. cho biết thêm.

Biến chứng nguy hiểm

Trao đổi thêm với PV, Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Năng Giỏi - Phó Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hỉnh, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp (bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - cho biết: “Trong quá trình công tác tại Khoa, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân sau khi bị gãy xương mà tự ý bó thuốc Nam. Thậm chí, kể cả những bệnh nhân có hiểu biết, nhà ở Hà Nội cũng tin lời thầy lang. Sau khi bó xong, vài tuần hoặc 1 - 2 tháng sau thấy tay, chân không vận động được mới tìm đến bệnh viện khám lại. Khi đến khám lại, chúng tôi kiểm tra thì liền xương di lệch hết. Nguyên nhân của liền xương di lệch là bởi khi gãy xương bệnh nhân phải được chụp X-quang, kiểm tra xem xương đúng ổ gãy chưa, thẳng trục… thì mới bó được. Còn những thầy thuốc Nam không biết được xương gãy lệch ra sao mà cứ thế bó gây ra liền xương di lệch. Như vậy, dẫn đến mất chức năng xương không thẳng trục, không xốc duỗi được cẳng tay…

Gãy xương mà không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn như di chứng hạn chế xấp ngửa cẳng tay, chức năng vận động bị hạn chế. Như vậy, thiệt thòi cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân tìm đến với bệnh viện thường là những ca chữa trị muộn, nên chúng tôi xử trí rất vất vả. Tôi khuyến cáo bệnh nhân sau khi bị gãy xương hay chấn thương không nên bó thuốc nam mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”.

T.L - N.T

img