img

Đau lòng nghe người ta nói “nghèo sướng muốn chết”

Việt Tâm

Không muốn là gánh nặng cho Nhà nước, nên dù cuộc sống chưa thực sự no đủ, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí, sự quyết tâm, lòng tự trọng, gia đình bà Nguyễn Thị Chi (62 tuổi, ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã làm đơn xin thoát nghèo. Câu chuyện vượt khó, vươn lên trong cuộc sống của gia đình bà Chi khiến nhiều người nể phục.

Làm được 1 phần thì trị bệnh 10 phần

Theo chân Trưởng ấp Công Bình (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) - ông Nguyễn Tấn Công, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật tìm về gia đình bà Chi tìm hiểu về tấm gương tự nguyện tiên phong viết đơn xin thoát nghèo của bà. Lá đơn chỉ vài câu ngắn gọn, chữ rõ chữ mờ với nội dung: “Được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở…”, nhưng đằng sau đó là cả câu chuyện cảm động về phận người nghèo khó, về tình người, về sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo.

Để vào được nhà bà Chi, chúng tôi phải đi qua một đoạn đường đất sình lầy dài gần 1km. Trong căn nhà nhỏ vài chục mét vuông trống huơ, trống hoắc, chúng tôi không thấy vật dụng gì đáng giá ngoài duy nhất bộ bếp ga dùng để nấu ăn và cây quạt gió dùng phục vụ mùa hè nóng nực. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 vẫn còn mới, nền lát gạch bông, người phụ nữ nhỏ nhắn với gương mặt đen sạm cho biết, gia đình mới xây dựng căn nhà này được hơn 1 năm nay và chỉ có 2 vợ chồng sinh sống tại đây.

img

Căn nhà mới của gia đình bà Chi ao ước bao năm qua đã thành hiện thực.

Bà Chi chia sẻ: “Trước đó gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, dù tôi cùng chồng làm đầu tắt mặt tối, không quản việc nặng nhọc nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. Cách đây khoảng 9 năm, chồng tôi lại mắc bệnh khô phổi, hở van tim, khiến sức khỏe suy giảm. Căn bệnh nặng của chồng làm cho kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Vài công đất nuôi tôm ít ỏi của gia đình cũng ra đi vì bệnh tật”.

Suốt khoảng thời gian chồng nằm viện, bà Chi tranh thủ thời gian lao động kiếm thêm ít tiền điều trị bệnh cho chồng. Bà làm việc quần quật không kể việc nặng hay nhẹ, ai thuê gì làm đó. Tất cả gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai người phụ nữ nhỏ nhắn này. Số tiền bà làm ra được 1 phần thì chi phí trị bệnh tốn đến 10 phần. Khó khăn là vậy, nhưng bà Chi cũng chưa bao giờ buông xuôi cho số phận hay dựa dẫm vào ai. Việc gì làm được thì tự làm, nghề nào làm ra tiền chân chính cũng không ngại cực nhọc. Cuộc sống tuy có thiếu trước hụt sau nhưng cũng đắp đổi qua ngày.

Khoảng 3 năm trở lại đây, bệnh tình của chồng đã ổn định nên ít tốn chi phí cho việc thăm khám bệnh. Kể từ đây, bà Chi tận dụng 3 công đất lá dừa xung quanh nhà để chằm (kết – PV) lá bán kiếm thêm thu nhập. Những ngày không có người đặt hàng, bà Chi đi đặt vài cái lú dưới sông, đặt rập ba khía. Nhà nào có đám tiệc mướn rửa chén bà cũng nhận. Cũng có những ngày, bà giăng lưới cá rô phi của ao nhà chở qua vùng lân cận bán dạo. Từ đó, gia đình tích góp thêm được khoản tiền dành dụm.

Để Nhà nước chăm lo hoài cũng ngại

Gần đây, gia đình bà Chi được nhà nước hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015-QĐ/TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cộng với số tiền dành dụm, vợ chồng bà xây dựng được căn nhà đàng hoàng. Ước mơ có được ngôi nhà “che nắng, che mưa” bao nhiêu năm qua của bà Chi bây giờ đã trở thành hiện thực.

img

Ba công đất lá dừa mang lại một phần thu nhập cho gia đình.

Giờ đây, khi cuộc sống đã đỡ phần cực khổ, vợ chồng bà Chi thống nhất xin thoát nghèo sau hơn 11 năm thuộc diện hộ nghèo. Bà nói: “Mình nghèo lâu quá rồi mà để Nhà nước quan tâm, chăm lo hoài cũng ngại. Nhiều khi đi ra đường, nhiều người nói nghe cũng buồn. Họ nói rằng: “hộ nghèo sướng muốn chết, đi lãnh đồ người ta cho hoài” mình thấy đau lòng. Trong khi đó, kinh tế tương đối ổn hơn, nên vợ chồng tôi muốn nhường chế độ, chính sách cho người khó khăn hơn”.

Theo bà Chi, việc ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo, chi phí bảo hiểm y tế cũng không còn được miễn giảm. Nhưng đó lại chính là động lực để cả gia đình quyết tâm xóa cảnh đói nghèo đã đeo bám gia đình nhiều năm qua.

Nói về chiếc xe đạp nghĩa tình mà bà Chi vô cùng trân quý, bà bộc bạch: “Chiếc xe đạp này do ông Trưởng ấp tặng 8 năm trước. Từ hồi có nó tới giờ, tôi có thêm phương tiện để đi tới đi lui, buôn bán cá lặt vặt, kiếm đồng ra đồng vô. Nếu ngày nào có cá, tôi cân chừng 10 kg qua bên sông đạp xe bán dạo, mỗi ký cá lời cũng được vài ngàn đồng. Khi nào rảnh một chút tôi lại đi chặt lá về chằm bán cho người ta cũng được 10.000 đồng/miếng”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Công, Trưởng ấp Công Bình cho biết, toàn ấp có hơn 100 hộ, đa phần kinh tế của người dân phụ thuộc vào việc nuôi trồng thủy sản. Gần đây, cuộc sống người dân trong ấp có nhiều khởi sắc, hiện thu nhập bình quân khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Đến nay ấp không còn hộ nghèo và cận nghèo. “Về trường hợp gia đình bà Chi tự nguyện xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, ở góc độ địa phương thì ấp rất hoan nghênh. Đây là việc làm thể hiện tinh thần phấn đấu trong lao động và vươn lên trong cuộc sống của gia đình”, ông Công cho biết.

Việt Tâm

img