Đấu thầu vàng: Lo ngại động cơ làm giá của doanh nghiệp

Đấu thầu vàng: Lo ngại động cơ làm giá của doanh nghiệp

Thứ 7, 20/04/2013 17:37

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành cho đấu thầu vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới có nhiều biến động, lao dốc xuống mức thấp nhất trong suốt 33 năm qua và nhích lên chút ít trong khoảng thời gian sau đó.

Dân lại chịu trăm phần thua thiệt

Trước đây, khi đưa ra quyết định đấu thầu vàng miếng, NHNN hướng tới hai mục tiêu là bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng nguồn cung và kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Đơn vị này khẳng định, có đủ lực và công cụ can thiệp thị trường.

Thế nhưng, kể từ phiên giao dịch vàng đầu tiên diễn ra vào ngày 28/3, những gì mà người dân kỳ vọng về khoảng cách giá vàng vẫn còn là điều gì đó rất xa vời. Hiện chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ở mức cao chưa từng có trong lịch sử thị trường vàng, luôn ở mức trên dưới 6 triệu đồng một lượng (tăng cao hơn 4 triệu đồng so với phiên đấu giá đầu tiên). Theo nhịp thế giới, giá vàng trong nước cũng có độ tăng giảm, song dường như tăng thì nhanh nhưng giảm thì rất dè dặt. Ngoài ra, do cú lao dốc không phanh của giá vàng thế giới, nhiều đơn vị trúng thầu chỉ sau một đêm đã bị lỗ tới 10 tỷ đồng. Tình trạng này khiến nhiều người nghi ngại, giá vàng trong nước sẽ khó giảm sâu để bù lỗ cho doanh nghiệp.

Bất động sản - Đấu thầu vàng: Lo ngại động cơ làm giá của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia lo ngại, người dân sẽ phải chịu thiệt vì mua vàng giá cao, gánh lỗ cho doanh nghiệp.

Đã có thời điểm, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng tuyên bố: Chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ ở mức 400.000 đồng/lượng. Theo đó, nếu chêch lệch này hơn 400.000 đồng tức là vàng đã bị làm giá. Diễn biến trong thời gian qua khiến không ít chuyên gia lo ngại, vàng có nguy cơ bị làm giá nhiều lần: Làm giá tại phiên đấu giá và làm giá khi các doanh nghiệp tung vàng ra thị trường.

Trao đổi với PV, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Có hai nguyên nhân khiến giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng cách xa, phá vỡ cả mức kỷ lục 4,9 triệu đồng/lượng (tháng 12/ 2012). Thứ nhất là do giá vàng thế giới giảm quá nhanh trong một thời gian ngắn. Thị trường vàng thế giới thay đổi về cung - cầu khi lượng vàng bán ra cao hơn lượng vàng mua vào đẩy giá vàng thế giới giảm nhanh trong khi giá vàng trong nước không giảm kịp.

Nhìn nhận thực tế đó, vị chuyên gia này lo ngại, người gánh chịu hệ quả của các phiên đấu giá trên không ai khác chính là người dân. Ông Kiêm khẳng định: Tôi được biết, các ngân hàng, doanh nghiệp đấu thầu trong phiên thứ 6 và thứ 7 mua cao quá nên nếu bán ngay theo giá ở thời điểm này thì họ nắm chắc phần lỗ. Chính vì thế, sẽ có khả năng họ liên kết với nhau để tìm cách gìm giá thị trường, tránh phần thiệt thòi. Nếu quả thực tình trạng này mà có thật thì phần thiệt thòi lại đổ vào đầu người dân.

Nguồn cung cầu thị trường chủ yếu nằm trong tay các đơn vị tham gia đấu thầu nên họ có quyền quyết định thời điểm tung vàng ra khi có lợi cho họ nhất. Đáng lẽ người dân được mua với giá thấp thì lại bị phụ thuộc vào họ và mua với mức giá không được như kỳ vọng. Với giải pháp đấu thầu, NHNN mong thông qua các đơn vị tham gia để đảm bảo nhu cầu thị trường nhưng những đơn vị này lại thống nhất với nhau giữ số lượng vàng lớn, không bán ra, không giảm giá thì người dân cũng buộc phải chịu mức giá cao, cách biệt hàng triệu đồng với giá vàng thế giới.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) phân tích: Mục tiêu bình ổn giá vàng của NHNN cần đảm bảo sao cho giá vàng lên xuống theo đúng nhịp của thế giới và đảm bảo nguồn cung không bị thiếu. Tình trạng chênh lệch giá vàng ngày càng xa là do NHNN vẫn đặt giá sàn cao mà chưa đặt mục tiêu hạ xuống. Giá vàng thế giới sụt quá nhanh nhưng giá vàng trong nước lại giảm nhỏ giọt khiến khoảng cách này càng tăng.

Lo ngại với động cơ làm giá để bù lỗ của các doanh nghiệp trúng thầu, ông Phong cũng cho rằng, rất có thể, để bù lại khoản lỗ hàng chục tỷ đồng, các doanh nghiệp sẽ liên kết hoặc tìm cách kìm giá vàng trong nước. Trong trường hợp này, tốt nhất người dân nên bình tĩnh bởi theo ông Phong, đây không phải là thời điểm tốt để người dân mua vàng dự trữ.

Bất động sản - Đấu thầu vàng: Lo ngại động cơ làm giá của doanh nghiệp (Hình 2).

Ông Lê Đăng Doanh.

Nên xem xét lại giải pháp đấu thầu?

Sau các phiên đấu giá, NHNN đã nắm phần thắng lớn, với hàng trăm tỷ đồng lãi thu về chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Nhiều doanh nghiệp, và cả một số chuyên gia cũng thể hiện sự lo lắng trước phản ứng của thị trường vàng trước giải pháp đấu giá.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, NHNN đã quyết tâm bình ổn thị trường vàng khi tung ra 6 tấn vàng trong đợt này. Tuy nhiên, thị trường vàng có những biến động khó lường khi giá vàng thế giới lao dốc, doanh nghiệp đấu thầu thua lỗ, nhiều đơn vị tìm cách "hút" vàng để phục vụ cho công tác tất toán. Chính vì thế, những đơn vị có liên quan cần có những xử trí kịp thời trước phản ứng của thị trường sau các phiên đấu giá để bảo vệ người dân.

Nhìn nhận dưới một góc độ khác, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc dùng công cụ đấu thầu sẽ không có khả năng để có thể phản ứng một cách kịp thời trước những biến động bất thường của thị trường vàng thế giới. Công cụ đấu thầu vàng tỏ ra rất kém hiệu lực vì nó diễn ra mang tính chất rất hành chính, không có sự thông thương với thị trường vàng thế giới. Chính vì thế, sau lần này, tôi nghĩ Quốc hội nên xem xét lại một cách nghiêm túc việc xử lý thị trường vàng của NHNN. Cần phải thừa nhận rằng những biện pháp triển khai vừa qua chưa thực sự hiệu quả.

Đấu thầu vàng, ai là người được lợi?

Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, đã từ lâu, nhiều chuyên gia cũng có đề nghị việc thiết lập sàn vàng và áp dụng các cơ chế thị trường. Các tín hiệu mà NHNN đưa ra rất mâu thuẫn. Đơn vị này khẳng định sẽ ổn định thị trường, nhưng dường như càng đấu thầu thì giá vàng trong nước càng gia tăng cách biệt với giá vàng thế giới. Ở thế độc quyền nhập khẩu, sản xuất, định giá, NHNN đã hưởng lợi lớn từ việc đấu thầu và càng bộc lộ họ là người kinh doanh vàng chứ không phải là người bình ổn giá. Chúng ta nên đặt câu hỏi là ai có lợi trong vấn đề này? Rút cuộc, người dân được lợi gì hay chỉ là hứng chịu thay phần lỗ cho các doanh nghiệp?

Phạm Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.