img

Đấy là một cuộc thảm sát!

Nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều

Hàng loạt cây phượng trong trường học gục xuống. Màu hoa đỏ tung tóe trên mặt đất.

Cư dân mạng đã kêu lên, đã nổi giận và có cả tuyệt vọng về một điều gì đó đang diễn ra trong trường học. Mới đây, xã hội chứng kiến một số kẻ nâng điểm thi vào đại học nhảy lên reo mừng vì “thoát án” thì thêm một lần nữa trường học đã sụp đổ. Lẽ ra, tội đó phải dằn vặt lương tâm họ suốt đời.

Tôi không nói cây phượng mang ý nghĩa tinh thần như thế nào với trường học, với học sinh mà chỉ nói đến thiên nhiên và những hành vi liên quan đến việc hành xử với thiên nhiên. Hồi tôi còn học phổ thông, hàng năm chúng tôi nô nức đi trồng cây trong dịp Tết trồng cây và suốt những năm tháng học ở trường chúng tôi chăm sóc những cây đó như chăm sóc một người bạn. Thế mà chỉ mấy chục năm sau thôi, cuộc thảm sát cây đã xảy ra trong chính trường học. Một sự xuống dốc kinh hãi của bản chất và sứ mệnh giáo dục.

Tôi đã xem những bức ảnh chụp cảnh những cây phượng bị đốn gục. Cảnh đó thực sự giống một cuộc thảm sát. Một cuộc thảm sát thiên nhiên. Nhưng tồi tệ hơn đó là một cuộc thảm sát văn hóa. Chúng ta phải nói như thế nào về quyết định của những ông/bà hiệu trưởng và những thầy cô liên can (gián tiếp hay trực tiếp) vào vụ thảm sát này. Và cả những thầy/cô im lặng trước hành vi đó. Im lặng ở đây cũng là đồng phạm.

Lý do gì dẫn đến cuộc thảm sát văn hóa này? Đó là thói vô trách nhiệm, đó là sự ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình và đó là sự bạc nhược… Sự thật đã có một cái cây đổ vô tình đã gây ra hậu quả đau buồn. Thay vì người ta tìm cách tìm ra nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau buồn ấy và ngăn chặn trường hợp tương tự có thể xảy ra thì người ta tiến hành một cuộc thảm sát những cái cây để tránh hậu họa.

img

Nhiều cây phượng bị đốn hạ, cắt thành từng khúc (ảnh: Dân Trí).

Nhưng hậu họa mà các ông bà giáo viên này nghĩ tới chỉ là hậu họa liên quan đến cá nhân họ, đến quyền lợi và vị trí của họ. Đấy thực sự là một hành động phi giáo dục, phi nhân văn. Vậy có ai chắc chắn là không có những cây cầu không bất chợt gục đổ? Không có những tòa nhà bất chợt sụp đổ? Không có những phương tiện giao thông bất ngờ mất lái hay vỡ lốp? Một người bạn tôi nói rằng: Nếu như thế thì việc tiêm chủng cho trẻ em phải dừng lại toàn bộ vì đã có những đứa trẻ bị chết vì tiêm chủng do phản ứng thuốc hay những nguyên nhân mà các bác sĩ không thể lường trước được và cũng khó tránh được.

Tôi chưa thấy một chỉ thị nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vụ thảm sát các cây phượng ở một số nhà trường. Nếu ai đó trong ngành giáo dục nghĩ rằng chỉ là chặt mấy cái cây thì đó là những người không bao giờ hiểu giáo dục là gì và xã hội phải xem lại “bệnh án tâm hồn” của họ.

Lấp một con sông, lấp một hồ nước với bất kỳ mục đích gì cũng là một sai lầm trầm trọng hay nói cách khác đó là tội phạm. Phá rừng nguyên sinh để làm bất cứ công trình gì cũng là sự dốt nát. Những kẻ phá rừng, lấp sông hồ…không thể dùng bất cứ lý do gì để biện minh cho những hành động tồi tệ ấy.

Giết chết một con chim trước mặt trẻ em, tàn phá những cái cây trước mặt trẻ em, trừng phạt và nhục mạ một đứa trẻ trước những đứa trẻ khác, nâng điểm cho những học sinh kém, lạm dụng tình dục trẻ em…là những con đường đưa những công dân tương lai đến một thế giới của ích kỷ, của tham lam, của vô cảm, của bạo lực, của tăm tối trong một tương lai rất gần. Tất cả những hành vi ấy là những cuộc THẢM SÁT VĂN HÓA và hậu quả của những cuộc thảm sát ấy sẽ như thế nào thì tất cả những người có lương tâm đều quá thấu hiểu.

N.Q.T

img