Dạy trẻ tự kỷ: Tâm Việt cần tâm Việt

Tưởng chừng thắp lên hy vọng cho những gia đình có trẻ tự kỷ, nhưng những gì diễn ra phía sau trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt một lần nữa sát thêm muối vào vết thương lòng của những gia đình không may “gửi trứng cho ác”.

img

Nếu gia đình nào từng có con em bị tự kỷ, sẽ mang trong mình một thứ cảm xúc thật hỗn độn, bao trùm bởi sự bất lực xen lẫn tuyệt vọng. Với mỗi phụ huynh, chấp nhận một chồi non mọc ra nhưng không thể phát triển bình thường và đơm hoa, kết trái, thật không dễ dàng gì…

Trung tâm dạy trẻ tự kỉ Tâm Việt xuất hiện, “vụt” lên như một ngôi sao sáng gieo hy vọng cho những đứa trẻ đặc biệt.

Với học phí thu được từ 10-20 triệu /tháng - cao gấp nhiều lần mức học phí thông thường, họ tự xưng có khả năng đào tạo một đứa trẻ có nhận thức không bình thường làm được xiếc, họ có thể biến một đứa trẻ không tự chủ được bản thân trở thành siêu việt, họ tìm thấy mỗi thiên tài trong những đứa trẻ tự kỷ.

Tâm Việt đã có thể trở thành một căn nhà gieo hy vọng, nhưng khi những góc khuất được phơi bày, hoá ra nó là địa ngục thứ hai của những đứa trẻ bất hạnh.

"Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì” với những chuyên gia hàng đầu, tại sao lại tuyển một người "không cần nhiều kinh nghiệm", “chỉ cần tâm huyết” làm giáo viên?

Chất lượng của giáo viên ở đâu khi được hỏi về tác dụng của các bài tập thì như “gà mắc tóc”, nói chỉ có CEO Tâm Việt mới nắm được?

Và tại sao, những đứa trẻ được đào tạo trở thành “kỷ lục gia” phải ăn - ở - đi vệ sinh trong cùng 1 căn phòng nhơ nhớp; chịu cảnh đoạ đày, thân tàn ma dại sau một tháng chỉ vì ôm trong mình ước vọng thành thiên tài?

Có thể, những "thiên tài" ấy không bao giờ được học về những bài học giới tính. Bởi nếu có, chắc chắn những cậu trai đang tuổi dậy thì đã không vô tư nghịch vùng nhạy cảm bên cạnh những bé gái mới chỉ 6-7 tuổi.

Trở thành thiên tài thế nào nếu cả ngày chúng phải khóc ré lên khi giáo viên trần trùng trục, quát tháo; thậm chí đánh hoặc tát nếu không chịu tập luyện hay không nghe lời?

Tinh thần của đứa trẻ tự kỷ vốn đã chịu tổn thương lại thêm hoảng loạn vì giáo viên chỉ mặt, xưng bố và dọa trong túi xách lúc nào cũng có dao.

Hãy nhìn xem! Qua “lò” đào tạo của Tâm Việt, những kỷ lục gia chưa chói sáng. Thứ chúng ta nhìn thấy là những đứa trẻ vốn khiếm khuyết phức tạp về các khả năng phát triển của não bộ tiếp tục được dạy dỗ bằng những phương pháp phản giáo dục.

Thay vì được tạo ra một môi trường an toàn, chúng bị đe dọa bởi đòn roi, nắm đấm và sự thách thức.

Không phải ai, gia đình nào cũng có kỹ năng dạy trẻ tự kỷ. Họ gửi những đứa trẻ cho trung tâm Tâm Việt như một sự nương náu cuối cùng với bao hy vọng. Nhưng cuối cùng, những đứa trẻ phải tháo chạy khỏi nơi “ươm mầm” đó.

"Có vào đây mới hiểu, trước hành động của học sinh không bình thường thì nhiều lúc giáo viên cũng không kiềm chế được. Vậy nên, có lỗi thì sửa, lãnh đạo đưa ra mức kỷ luật nhẹ để răn đe giáo viên" - phát ngôn của ông Phan Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Tâm Việt sau khi sự thật của trung tâm bị phơi bày càng khiến cho dư luận và đặc biệt là các bậc phụ huynh phẫn nộ.

“Tự điều chỉnh chính mình trước khi điều chỉnh người khác” là câu nói trong băng rôn treo trước trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt. Tôi không hiểu ý nghĩa của chúng mà chỉ thắc mắc một điều, họ đã điều chỉnh gì ở bản thân, trước khi dạy cho những đứa trẻ ở nơi đây?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img