img

Đề án tuyển sinh các trường đại học thay đổi vì Covid-19

Cẩm Mịch

Hàng loạt trường đại học đã phải thay đổi đề án tuyển sinh năm 2020 như thế nào do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Bổ sung phương thức tuyển sinh riêng

img

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ai có thể khẳng định thời điểm công bố hết dịch dịch. Chính vì vậy, nhiều mối băn khoăn về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 cũng được đặt ra, liệu có hay không, việc dừng tổ chức kỳ thi năm nay; cũng như vấn đề chất lượng kỳ thi sẽ giảm do quá trình học bị gián đoạn trong thời gian dài...

Trước tình hình này, các trường đại học chủ động điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp và đảm bảo cân đối giữa số lượng và chất lượng.

Mới đây, trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thông báo, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả THPT Quốc gia và xét tuyển thẳng, năm nay trường còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Kỳ thi tuyển sinh này được thực hiện song song, độc lập với các phương thức còn lại.

Cụ thể, thí sinh là học sinh THPT trên toàn quốc dự vòng sơ tuyển theo kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó, làm bài thi được thiết kế phù hợp trình độ THPT, có tính phân loại. Mục tiêu bài thi nhằm kiểm tra kiến thức, năng lực của học sinh. Thời điểm tổ chức, dự kiến từ ngày 20-26/7. Thời lượng bài thi, dự kiến 180 phút. Thí sinh được ưu tiên cộng điểm nếu có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế.

Trao đổi về phương thức tuyển sinh mới này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội khẳng dịnh: “Qua kỳ thi sát hạch riêng, nhà trường sẽ mở ra cơ hội cho các thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp với môi trường đào tạo tại trường đại học Bách khoa Hà Nội. Từ đó, chất lượng đầu vào cũng như công tác giảng dạy tại nhà trường sẽ được nâng lên.

Việc xây dựng một kỳ thi xét tuyển vào đại học riêng chính là thể hiện tính chủ động trong công tác đào tạo và giảm tính phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi THPT Quốc gia. Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn từ tình hình dịch bệnh: liên tiếp phải nghỉ học để phòng, chống dịch, rồi thay đổi mô hình dạy, học từ truyền thống sang trực tuyến, trên truyền hình trong thời gian ngắn.

Với sự thay đổi này, chúng tôi biết, sẽ có nhiều tâm tư, nguyện vọng, trong đó sẽ có nhiều em băn khoăn không biết sẽ thi THPT Quốc gia như thế nào, các trường đại học sẽ xét tuyển ra sao. Và để giúp các học sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn lớp và tập trung ôn tập, chúng tôi xây dựng kỳ thi riêng và thông báo sớm, rộng rãi”.

img

Theo đó, vị Hiệu trưởng nhấn mạnh, đây cũng chính là một “bước đệm” cho sang năm hoặc năm sau nữa, khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020, sẽ cho phép các trường đại học tự chủ tuyển sinh, trường đại học Bách khoa Hà Nội đã làm quen với công tác này sớm một bước.

Tương tự, thông tin từ đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đã lên phương án chuẩn bị mọi kịch bản ứng phó và có thể áp dụng ngay trong năm 2020 nếu cần. Trong đó, nếu kỳ thi THPT Quốc gia không diễn ra, nhà trường với kinh nghiệm đã tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính các năm trước đây hoàn toàn có thể chủ động triển khai kỳ thi tuyển sinh trực tuyến.

Theo đó, có thể triển khai tại một số địa điểm theo nhiều đợt thông qua hình thức phân tán số lượng thí sinh để hạn chế tập trung đông người; có sự giám sát y tế. Bài thi đánh giá năng lực trên máy tính trước đây gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc và 1 phần thi tự chọn có 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian đếm ngược được tính riêng với mỗi phần thi. Tổng thời gian làm bài là 195 phút.

img

Chủ động xét tuyển trước, bổ sung tốt nghiệp sau

Trước diễn biến của dịch Covid-19, trường đại học FPT cũng có những động thái linh hoạt trong đề án tuyển sinh năm 2020.

Trong đó, phương thức tuyển sinh áp dụng với các thí sinh tốt nghiệp THPT trước năm 2020 và các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2020 nộp hồ sơ xét tuyển trước ngày 1/4/2020 gồm có: thuộc diện được tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ đại học chính quy của bộ GD&ĐT; điểm các môn thi trong kỳ thi THPT 2020 thuộc top50 THPT toàn quốc và điểm theo khối xét tuyển đạt từ trung bình trở lên (15/30 điểm); điểm học bạ thuộc top50 THPT toàn quốc; đã tốt nghiệp đại học.

Bên cạnh đó là các tiêu chí riêng đối với các ngành Ngôn ngữ quốc tế hoặc các chuyên ngành khác.

img

Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT cho biết: “Trong tình huống xấu nhất, không tổ chức thi THPT Quốc gia thống nhất trên cả nước, bộ GD&ĐT có thể giao cho từng địa phương tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp”.

Theo ông, điểm khó duy nhất đối với các trường đại học là điều kiện để tuyển sinh tối thiểu, thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Vì vậy, trách nhiệm đảm bảo hoàn thành bậc phổ thông thuộc về bộ GD&ĐT; còn phương thức tuyển sinh ra sao, là trách nhiệm của các trường đại học.

“Đối với các trường đại học, có thể tổ chức kỳ thi riêng hoặc xét tuyển theo học bạ... điều đó thể hiện tính tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học. Các trường đại học sẽ phải cân nhắc, tính toán phương án để đảm bảo cân đối giữa số lượng và chất lượng sinh viên đầu vào.

Riêng như đại học FPT vừa thông báo, có thể xét tuyển dựa vào thứ hạng học sinh theo kết quả học THPT trên cả nước. Đặc biệt, trường chấp nhận xét tuyển và đón học sinh vào học dưới dạng sinh viên dự bị trước, sau đó có thể bổ sung kết quả tốt nghiệp THPT sau rồi chuyển thành sinh viên chính thức cũng được”, TS. Lê Trường Tùng chia sẻ.

Dời lịch thi đánh giá năng lực

Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 31/5 (đợt 1) và ngày 9/8 (đợt 2). Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục nghỉ học nên đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ lại điều chỉnh ngày tổ chức kỳ thi.

img

Đại diện trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, chắc chắn phải tiếp tục điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chưa thể chốt ngày thi cụ thể do học sinh chưa trở lại trường.

Năm 2020, ngoài phương thức xét tuyển vào đại học hệ chính quy bằng kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển theo kết quả học bạ, xét tuyển thẳng, đại học Đà Nẵng sẽ dành một số chỉ tiêu để xét tuyển vào một số trường thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc bằng kết quả thi đánh giá năng lực do đại học Đà Nẵng phối hợp với đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức.

Đây là kỳ thi nhằm tạo điều kiện cho thí sinh khu vực miền Trung có thêm phương án lựa chọn trong việc đăng ký xét tuyển vào đại học. Theo kế hoạch ban đầu, đợt thi đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 29/3/2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên kỳ thi đã bị lùi lại.

Theo đó, thời gian kết thúc đăng ký dự thi đợt 1 là ngày 24/4/2020 (so với ban đầu là ngày 28/2). Kỳ thi đợt 1 sẽ được tổ chức vào ngày 31/5/2020 (Chủ nhật), địa điểm thi không thay đổi. Thời gian đăng ký dự thi đợt 2: Từ ngày 1/6/2020-10/7/2020. Kỳ thi đợt 2 sẽ tổ chức vào ngày 9/8/2020 (Chủ nhật), địa điểm thi không thay đổi.

img

Sự điều chỉnh này là cần thiết do tránh ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đồng thời giúp các thí sinh có thêm thời gian ôn tập tốt hơn và chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất để tham dự kỳ thi. Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức thu hút hơn 50 trường đại học, cao đẳng phía Nam.

Nhiều trường đại học phía Nam cũng lựa chọn kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức làm phương thức tuyển sinh. Năm 2020, trường đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển độc lập: xét tuyển học bạ; xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia 2020; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2020 của đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; kỳ thi đánh giá năng lực do trường đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh tổ chức.

img

Điều chỉnh lịch trình tuyển sinh

Bên cạnh những thay đổi về phương thức tuyển sinh, không ít trường đại học đã phải thay đổi lịch trình tuyển sinh để phù hợp với lịch thi THPT Quốc gia đang được dự kiến từ ngày 8-11/8.

Ngay sau khi bộ GD&ĐT dời lịch thi THPT Quốc gia lần thứ hai, đại diện trường đại học Ngoại thương cho biết, nhà trường đã lên các “kịch bản” để khi dịch Covid-19 kéo dài vẫn sẽ chủ động được. Trong đó, việc tư vấn tuyển sinh trường đã chuyển sang làm online. Khi kỳ được lùi sang tháng 8, các kế hoạch tháng 3 và 4 của trường sẽ được chuyển sang tháng 5 và 6. Ngoài ra, Bộ điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sang 15/7 nên trường cũng điều chỉnh phương thức tuyển sinh dành cho trường chuyên sang tháng 7. Trong khi đó, phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia sẽ lùi tịnh tiến so với thời gian thi vào tháng 8 của bộ GD&ĐT.

Đối với tuyển sinh vào trường quân đội, lần thứ hai, lịch sơ tuyển vào trường quân đội phải điều chỉnh kéo dài đến ngày 20/6. Ban Tuyển sinh quân sự, bộ Quốc phòng thông báo, trong tháng 5 và 6, ban Tuyển sinh quân sự các đơn vị, địa phương tổ chức thành nhiều đợt khám sức khỏe cho thí sinh. Thời gian cụ thể sẽ do từng ban Tuyển sinh bố trí phù hợp nhưng phải khám cho tất cả thí sinh đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định là trước ngày 20/6.

img

Đại học Huế cũng vừa cập nhật đề án tuyển sinh, theo đó, năm nay, đại học Huế có 3 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT.

Đáng nói, do dịch Covid-19, thời gian nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT đã lùi đến ngày 4/5-31/7; thời gian thông báo kết quả xét tuyển lùi đến ngày 2/8 (trong khi, các năm trước, thời gian nhận hồ sơ từ ngày 4/3-6/5 và thời gian thông báo kết quả từ ngày 10/5).

C.M

img