Mấy tháng qua, trên các trang báo, bên cạnh những tin tức ai cũng quan tâm về dịch bệnh Covid còn là những lùm xùm các vụ sao kê từ thiện. Nhiều ngôi sao nổi tiếng trong showbiz Việt bị gọi tên.
Giữa tâm bão ồn ào ấy, sự ra đi của giọng ca Bông điên điển làm làn sóng thị phi tạm lắng xuống nhường chỗ cho những tiếc thương với cố nghệ sĩ tài năng nhưng lại làm dấy lên một làn sóng khác quanh chuyện tiền thưởng, tiền cát-xê của Hồ Văn Cường – quán quân Vietnam Idol Kids 2016 với mẹ nuôi Phi Nhung.
Sự việc đến nay cũng đã được giải quyết và như chia sẻ của Hồ Văn Cường trên trang cá nhân trước khi trả lại toàn bộ facebook, fanpage và kênh YouTube cho công ty của mẹ nuôi. Cậu muốn mọi lùm xùm sẽ chấm dứt và mong mọi người thôi nhắc về vấn đề này để những chuyện buồn sẽ qua đi và để mẹ Phi Nhung được yên nghỉ.
Điều tôi muốn nói ở đây không phải là những lùm xùm đó mà là cách mọi người đối xử với Hồ Văn Cường, dù đặt em ở cương vị của một thần tượng âm nhạc, con nuôi của ca sĩ Phi Nhung hay chỉ đơn giản là một cậu bé vừa 18 tuổi.
Thiết nghĩ, mong muốn khép lại mọi lùm xùm của Hồ Văn Cường trong những ngày này sẽ không có gì là to tát nhưng hình như cũng không dễ dàng với cậu bé mà hào quang vụt chói sáng ở tuổi 13 và sóng gió thị phi chợt ập xuống ở tuổi 18. Dù đã có nhiều mạnh thường quân lên tiếng sẵn sàng giúp em chỗ ăn ở, mọi chi phí học hành và tiếp tục niềm đam mê ca hát, nhưng có ai nghĩ đến sự tổn thương mà em phải chịu đựng trong những ngày qua là quá sức?
Tôi còn nhớ hình ảnh của Hồ Văn Cường khi tham gia cuộc thi Vietnam Idol Kids năm 2016. Giọng ca của cậu bé 13 tuổi gầy gò, bé nhỏ quê Tiền Giang đã làm cảm động bao người nghe nhưng mọi người còn cảm động hơn nữa khi em chia sẻ thật thà về hoàn cảnh của gia đình phải đi hát đám cưới để lấy tiền phụ giúp cha mẹ. Nhìn những giọt nước mắt của em lăn dài trên má mới thấy thực sự trên đời này còn bao đứa trẻ như em đang cần lắm những tấm lòng giúp đỡ.
Tôi nhớ hình ảnh của em những ngày đầu đi hát với mẹ Phi Nhung. Em chưa quen sân khấu, còn rụt rè, e ngại nhưng giọng hát của em vẫn khiến người xem rơi lệ . Trong đôi mắt em đã sáng lên niềm vui, niềm, hạnh phúc được yêu thương.
Tôi cũng nhớ hình ảnh của em trong suốt những ngày túc trực bên bàn thờ mẹ Phi Nhung với gương mặt tiều tụy và đôi mắt buồn bã. Mọi người có nghĩ Hồ Văn Cường vẫn chỉ là một cậu bé mới lớn đang ngơ ngác trước ngã ba đường mà chẳng có một tấm biển chỉ dẫn phải đi hướng nào. Con cái chúng ta ở lứa tuổi đó có khi vẫn phải hò hét chuyện ăn uống, học hành.
Ở giữa tâm dịch trong thời gian dịch bệnh kéo dài đã khiến cho ngay cả những người trưởng thành nhiều khi cũng cảm thấy stress và bế tắc chứ chưa nói gì đến một cậu bé 18 tuổi. Cộng thêm việc mất đi người mẹ đã cưu mang và nâng đỡ em trên con đường nghệ thuật trong suốt 5 năm qua có lẽ là một cú sốc tâm lý lớn với Hồ Văn Cường. Nhìn em chỉ cúi đầu lặng im trong suốt cuộc livestream của một cựu người mẫu mà thấy thật tội nghiệp. Em không biết nói gì vì sợ trong lúc bối rối có lời nào không phải.
Một cậu bé mới 18 tuổi mà còn phải suy nghĩ về lời nói của mình như thế sao người lớn lại có thể nói ra những lời cay nghiệt làm tổn thương người đang sống và làm đau lòng cả người đã khuất như vậy?
Tôi không muốn nhắc lại những lời cay nghiệt đó nhưng mọi người có thấy rằng nó thật sự tàn nhẫn khi đã để lại trong trái tim cậu bé những vết thương?
Không biết có ai còn nhớ câu chuyện về những vết đinh được đóng trên hàng rào gỗ trong mỗi lần nóng giận của một cậu bé theo lời khuyên của người cha. Rồi đến khi cậu kiềm chế được bản thân không còn nổi nóng nữa, người cha lạị bảo con trai: Sau mỗi ngày mà con không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào. Cuối cùng thì những chiếc đinh trên hàng rào cũng được cậu nhổ ra hết nhưng những vết đinh thì vẫn còn nguyên đấy.
Người cha nói với cậu bé: "Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như các lỗ đinh này, chúng để lại vết thương khó lành trong lòng người khác. Dù cho sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác".
Tôi rất ngưỡng mộ giọng hát của cố ca sĩ Phi Nhung và cũng rất cảm động trước tình cảm yêu thương của Phi Nhung với các con nuôi của mình, trong đó có Hồ Văn Cường. Cảm động vì những việc thiện nguyện mà cố ca sĩ đã làm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh ở Tp.HCM trước khi chính cô bị nhiễm bệnh. Tôi nghĩ những việc làm đó đều xuất phát từ trong tâm, từ tấm lòng nhân ái của giọng ca Bông điên điển.
Chắc rằng bây giờ ở bên thế giới xa xôi đó Phi Nhung cũng vẫn mong những điều tốt đẹp cho Hồ Văn Cường, cho những người cô đã yêu thương.
“Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió… cuốn đi…Để gió… cuốn đi…” ( Trịnh Công Sơn)
Vâng! Cuộc sống của chúng ta vẫn cần lắm những tấm lòng: Những tấm lòng thơm thảo, những tấm lòng bao dung, nhân hậu, những tấm lòng biết đồng cảm, sẻ chia…Và tất cả hãy để gió cuốn đi… Chỉ thế thôi.
Vì cuốn sách cuộc đời này bạn chỉ một lần được đọc, vở kịch cuộc đời này bạn chỉ một lần được diễn và cuộc đời này bạn chỉ được sống có một lần, hãy để bông điên điển đã bay đi ấy được phiêu diêu nơi miền cực lạc và hãy để Hồ Văn Cường được sống bằng chính tài năng và nghị lực của chàng trai 18 tuổi cùng những ký ức đẹp chứ không phải là những tổn thương và những niềm đau.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả