Để “Học thật, thi thật” thì chấm dứt không chỉ là “văn mẫu”

Để “Học thật, thi thật” thì chấm dứt không chỉ là “văn mẫu”

Nguyễn Thanh Hương
Thứ 2, 30/08/2021 | 08:00
1
Nhấn mạnh tới tinh thần “Học thật, thi thật”, riêng với môn Ngữ Văn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu chấm dứt việc học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

 

Hình như đã từ bao giờ chúng ta luôn mặc định mọi cái “mẫu” đều đúng, đều chuẩn, đều tốt. Kể cả việc chúng ta đánh giá sự phát triển của con người cũng theo các khuôn mẫu, tiêu chí. Thế nên, chuyện giáo viên dạy theo mẫu, học sinh học theo các sách mẫu chúng ta cũng coi chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Liệu việc từ bỏ một thói quen, một chuyện thường ngày có dễ như việc chúng ta bỏ đi một món đồ mà mình thấy không còn phù hợp?

Trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 – 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 đối với giáo dục trung học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần “Học thật, thi thật”. Riêng với môn Ngữ Văn, ông yêu cầu chấm dứt việc học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò. Phát biểu này của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gần như đã châm ngòi cho các bình luận, các diễn đàn trên báo chí truyền thống cũng như trên các trang báo điện tử, trang mạng xã hội trong những ngày qua. Có nhiều ý kiến đồng tình của giáo viên, của phụ huynh, của học sinh, của những người tâm huyết với văn học, với nền giáo dục nước nhà. Cũng có cả những băn khoăn, nghi hoặc cho sự khả thi của lộ trình “bỏ văn mẫu” trong công cuộc “Học thật, thi thật” đầy cam go của giáo dục Việt Nam… Dưới góc nhìn của một người đã từng học văn, đang dạy văn và thậm chí là đã hơn một lần viết văn mẫu cho học sinh, tôi cũng thực sự có nhiều trăn trở.

Dạo qua các nhà sách không khó để chúng ta tìm một cuốn “Văn mẫu” từ bậc tiểu học đến THCS, THPT được bày bán với cái danh mục hết sức hấp dẫn và mĩ miều: “Sách tham khảo”. Tiện dụng hơn chúng ta có thể đặt mua qua Shopee, qua Tiki, qua vô số các nhà sách trực tuyến và được giao hàng đến tận nhà. Thời buổi công nghệ 4.0 mà. Nhưng, khoan “kể tội” của “Văn mẫu” như nhiều ý kiến không còn yêu nó, chúng ta hãy xem hành trình mà “Văn mẫu” đã đi qua từ những trí tuệ kiểu mẫu đến các hiệu sách, đến các gia đình, trường học trong suốt thời gian qua đã tạo thành cái lối mòn này như thế nào?

Xi nhan Trái Phải - Để “Học thật, thi thật” thì chấm dứt không chỉ là “văn mẫu”

Vì luôn mặc định mọi cái “mẫu” đều đúng, đều chuẩn, đều tốt nên sách mẫu có mặt ở nhiều nơi. 

Khi con bạn bước vào tiểu học, bạn không có nhiều thời gian học cùng con, mà nhiều khi cách học của con bây giờ cũng không giống thời bố mẹ học cộng thêm sự phức tạp của tiếng Việt, chắc chắn bạn sẽ cần đến một hướng dẫn cách miêu tả sự vật, sự việc, con người. Có ngay “Văn mẫu” giúp bạn và con bạn. Và đương nhiên, bạn cũng có được những giây phút thư giãn trước những sản phẩm ngộ nghĩnh của văn mẫu qua đôi mắt trẻ thơ kiểu: “Nhà em có nuôi một ông bố… Em rất yêu bố nhưng yêu vừa chứ không yêu lắm” hay “Nhà em có trồng một cây bắp cải, tán cây xòe rộng râm mát cả một khoảng sân”… Cưng xỉu đấy chứ! Bạn có thấy gần đây các bố mẹ thi nhau khoe những bài văn tả ông bà, bố mẹ, cây cối, đồ vật của con mình lên mạng như những thành quả khi con làm văn theo mẫu không? Đấy, ngay từ những bước đi đầu đời trên con đường tri thức, chúng ta đã trực tiếp hoặc gián tiếp cổ súy trẻ phải suy nghĩ, phải nói, phải viết theo những suy nghĩ, cảm nhận, quan sát của người khác mà ta đã đóng khuôn là mẫu: ông thì nhất định phải râu dài, bà thì phải lưng còng, tóc bạc, cây thì phải tỏa bóng mát… Và rõ ràng chúng ta cũng thích thú với những cái khuôn mẫu đó, nhưng chúng ta quên rằng không phải sự khuôn mẫu nào cũng tốt. Cái gì cũng có hai mặt và trẻ thì cần có tư duy sáng tạo để tự do khám phá những điều mới mẻ chứ không phải là một con vẹt nhai đi nhai lại những điều chúng phải nói, phải viết mà “No” hiểu hay “hiểu cái chết liền”. Chúng phải đủ tự tin giao tiếp với thế giới xung quanh, từ đó trở thành nền tảng vững chắc đem lại lợi ích cho tất cả các lĩnh vực học tập và phát triển sau này trong cuộc sống. Nhất là với những đứa trẻ đang sống và trưởng thành trong thời đại 4.0 - nơi tư duy sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực.

Rồi khi con bạn chuyển cấp, những năm cuối cấp 1, cấp 2 hay cấp 3, các kỳ thi luôn là vấn đề mà bố mẹ và các con lo lắng. Ai bảo toán, văn lại cứ là những môn cơ bản trong các kỳ thi chứ. Rồi nữa, học văn gì mà cần có cả tư duy lôgic lại cần có cả trí tưởng tượng, cảm xúc, rồi từ ngữ, ngữ pháp… Thực sự là làm khó học trò rồi. Nhưng yên tâm, ngoài việc học ở trường, ở các lớp học thêm, chúng ta vẫn còn cứu cánh “Văn mẫu”. Thôi thì đủ các thể loại từ văn miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh đến nghị luận xã hội, nghị luận văn học đều có tuốt. Chỉ cần làm theo các kiểu mẫu có sẵn đó thì có dốt, có lười đến mấy ít nhất cũng đạt điểm trung bình. Còn nếu chăm chỉ, cần cù thì đạt điểm khá giỏi cũng không khó. Một khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu thì đương nhiên thầy cô và những người viết văn mẫu phải cầm tay, chỉ việc tận tình. Nhưng bây giờ thì những sản phẩm của học trò theo văn mẫu không chỉ để thư giãn nữa, những bài văn sao chép máy móc đến ngớ ngẩn trên mạng, trong sách tham khảo mà học sinh chỉ cần tìm từ khóa là tên tác phẩm. Và nếu đề lệch mẫu đi chỉ một chút thôi là ngay lập tức sẽ có những câu văn “đi vào lòng giám khảo” rồi cùng khổ chủ âm thầm “đi vào lòng đất” như: “Sông Hương uốn mình theo các đường đua công thức 1” , “Thị cắm đầu ăn một chặp hết bốn bánh giò”, “Mị rút cái váy hoa ra mặc và thách thức A Sử: Tao muốn đi chơi đấy”, “A Phủ chạy ra khỏi nhà thống lý như một con trâu điên”… Bạn có cười được nữa không hay lại “bỗng dưng muốn khóc”?

Nhớ cái thời thế hệ gen X đi học, thập niên 80, 90 của thế kỷ trước chả có văn mẫu, sách giáo khoa còn không đủ, anh chị học xong để lại cho em. Trong lớp phải chăm chú nghe giảng, thấy thầy nói cái gì hay là phải vội ghi lại. Đọc được ý đẹp, lời hay ở đâu đó là phải chép ngay vào một cuốn sổ nhỏ gọi là Sổ tay văn học (cái này chắc nhiều người yêu văn trước đây đều có). Nhưng, tôi không so sánh vì giả thử ngày đó mà công nghệ phát triển như hiện nay có khi nhiều người cũng dùng văn mẫu rồi chứ không phải ngồi cặm cụi ghi ghi, chép chép cho khổ. Nói như bọn trẻ bây giờ: Chẳng qua là không có điều kiện thôi.

Quay lại với thói quen dùng văn mẫu trong dạy và học văn, nhiều khi chúng ta- những thầy cô trực tiếp giảng dạy môn văn cũng thường than thở với nhau sau mỗi đợt chấm thi, về khả năng cảm thụ văn học của học sinh càng ngày càng tệ. Học sinh THPT, thậm chí là học sinh lớp 12 mà viết một bài văn, đoạn văn không xong, vốn từ thì nghèo nàn, chính tả, ngữ pháp thì sai, không biết cách diễn đạt hay trình bày quan điểm, ý kiến của mình, kiến thức văn học thì nhầm lẫn linh tinh… Và đương nhiên để nâng cao chất lượng học sinh, giáo viên lại phải hướng dẫn chi tiết, phải làm mẫu từng phần cụ tỉ như thế này, như thế kia, thậm chí phải viết sẵn các mở bài, kết bài để chúng học thuộc… làm sao cho ra đúng được các ý như đáp án. Cũng khổ không kém gì học sinh đánh vật với mấy bài văn mà chúng thậm chí còn không biết tác giả còn sống hay đã chết, tác giả là đàn ông hay đàn bà, Xuân Quỳnh có họ hàng gì với Xuân Diệu không?... Chả phải năm ngoái trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có học sinh khi nhìn thấy nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trên truyền hình mới biết tác giả của đoạn trích Đất Nước vẫn còn sống. Hay như năm nay, Sóng của Xuân Quỳnh cũng làm không ít thí sinh lệch mẫu, lệch tủ. Ai bảo Xuân Quỳnh viết Sóng ở biển Diêm Điền, Thái Bình chứ, mà ở biển thì đi du thuyền là đúng quá rồi, nên các em mới bị dập tả tơi bởi “Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước” đến nỗi trôi dạt vào đâu “Em cũng không biết nữa”.

Mà biết làm sao khi chúng ta hàng năm vẫn có những kỳ thi, chúng ta vẫn phải dựa vào những đề minh họa, đề tham khảo để làm mẫu, chúng ta vẫn học đi học lại từ thời ông bà, cha mẹ rồi con cái mấy chục tác phẩm văn chương không hề thay đổi trong nhà trường, chúng ta vẫn có những barem đáp án, biểu điểm chi tiết cụ thể cho từng luận điểm, luận cứ của bài văn. Tôi nhớ trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo môn Văn câu 2 của phần Đọc- hiểu có định hướng về nội dung của các dòng thơ là: Thể hiện sự vất vả, hy sinh của con người. Thế nhưng có giáo viên vẫn không cho điểm khi câu trả lời của học sinh trong bài làm không có từ “vất vả”, “hy sinh” như đáp án dù học sinh diễn đạt bằng từ ngữ khác có ý nghĩa tương đồng… Vậy thì trách sao học sinh không sáng tạo? Mà cái sự sáng tạo cũng chẳng biết có còn không khi tư duy của chúng luôn bị gò vào các khuôn mẫu từ lớp 1 đến giờ! Làm gì có chỗ cho sự sáng tạo khi đáp án của Bộ chỉ dành có 0,75/10 điểm cho sáng tạo, khi học trò không dám mạo hiểm với điểm số vốn đã hạn hẹp của mình? Và hơn nữa, các thầy cô đâu phải ai cũng có bản lĩnh để chấm những bài văn sáng tạo? Chúng ta đã quá quen với những thứ khuôn mẫu và chúng ta cũng thấy an yên trong những cái mẫu đó. Chúng ta dạy theo mẫu, học sinh học theo mẫu bấy lâu nay, chúng ta đi đi, lại lại trên cái lối đó đến thành lối mòn rồi và thực sự là rất khó để bước ra khỏi giới hạn an toàn của nó. Chúng ta sợ, có rất nhiều nỗi sợ…

Xi nhan Trái Phải - Để “Học thật, thi thật” thì chấm dứt không chỉ là “văn mẫu” (Hình 2).

Khi sự sáng tạo chỉ được 0,75/10 điểm, học sinh liệu có dám liều?

Nói vậy mới thấy thương cho những đứa trẻ gen Y, gen Z. Phải chăng lỗi tại bọn trẻ bây giờ quá nhanh nhạy với các trò chơi công nghệ nhưng lại ngơ ngác trước những cảm xúc của tâm hồn và thiếu nhiều kỹ năng sống? Hay lỗi tại chúng ta: cha mẹ, thầy cô? Những người đã góp phần tạo ra sản phẩm con người theo những cái khuôn có sẵn đó? Tôi biết tất cả chúng ta đều bắt đầu từ thiện chí nhưng ngay cả lòng tốt khi đặt không đúng chỗ nhiều khi cũng trở thành bi kịch. Hình như có lần tôi đã nhìn thấy ở đâu đó một bức tranh biếm họa về giáo dục. Một ngôi nhà giống như nhà máy với ống khói chọc trời, với các bể chứa, máy móc tối tân. Ở lối vào là những đứa trẻ ngơ ngác, hồn nhiên, háo hức có cha mẹ đẩy sau lưng, có thầy cô cờ hoa chào đón dẫn đường và sau đó ở lối ra là những sản phẩm y sì đúc theo một khuôn mẫu vô hồn như người máy. Như thế để thấy rằng, đâu chỉ có học sinh quen học theo văn mẫu, hay giáo viên máy móc mô phạm theo những giáo án, giáo trình, bài soạn có sẵn. Kể cả những tác giả của những sách văn mẫu kia, có phải tất cả chúng ta đều đang là một khâu nào đó, một sản phẩm của một giai đoạn giáo dục đã đến lúc phải thay đổi, đã đến lúc phải nói lời ai điếu?

“Văn học là nhân học”. Đích hướng tới của văn học là Chân- Thiện - Mỹ và bản chất của văn chương là sáng tạo. Có lẽ là một người đã từng học văn, dạy văn, làm quản lý ở trường đại học Khoa học Xã hôi & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và bây giờ lại ở cương vị người đứng đầu của nền giáo dục đất nước nên những điều mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn “Học thật, thi thật” và chấm dứt học theo văn mẫu thực sự là tâm huyết, là tình cảm, trách nhiệm của ông vì một tương lai giáo dục và đạo tạo Việt Nam với những sản phẩm con người phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; có khả năng sáng tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Chỉ có điều để có được những con người như thế, chúng ta cần phải dũng cảm chấp nhận thay đổi. Không có cuộc cách mạng nào là dễ dàng và tất nhiên cuộc cách mạng từ bỏ lối mòn trong giáo dục lại càng không dễ nhưng nhất định chúng ta sẽ phải từ bỏ để bước đi trên một con đường mới, dù biết sẽ có nhiều chông gai. Và muốn việc “Học thật, thi thật” thực sự thành sự thật thì giáo dục Việt Nam chắc chắn còn nhiều vấn đề phải chấm dứt chứ không phải chỉ riêng “Văn mẫu”.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Một bài vè vụng, kém cỏi, dù ý định là tốt

Thứ 6, 27/08/2021 | 18:07
Tôi chỉ đọc bài thơ Bắt nạt khi nó được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 6 mới, đươc cư dân mạng bàn tán. Tôi cũng đã đọc bình luận của nhiều người chê, khen.

Chấm dứt văn mẫu – Bao giờ?

Thứ 5, 19/08/2021 | 11:22
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng đã đến lúc cần chấm dứt việc học theo những bài văn mẫu. Đó là quyết định rất đúng đắn, dù muộn còn hơn không.
Cùng tác giả

Phú Quang – Tình yêu gửi lại

Thứ 5, 09/12/2021 | 18:34
Nhạc sĩ Phú Quang- Người nhạc sĩ “một đời đam mê, một đời giông tố” ấy đã giã từ cõi tạm để về một nơi xa lắm vào một ngày mùa đông Hà Nội.

Để gió cuốn đi…

Thứ 2, 18/10/2021 | 16:40
Mong muốn khép lại mọi lùm xùm của Hồ Văn Cường không có gì là to tát nhưng cũng không dễ dàng với cậu bé mà hào quang vụt sáng ở tuổi 13 và thị phi ập đến khi 18.

Thư viết cho người đã đi qua mùa thu và hoa sữa

Thứ 2, 18/10/2021 | 10:08
Anh đã ngỡ chúng mình chẳng bao giờ có thể cách xa. Anh đã ngỡ em sẽ đi bên anh đến cuối con đường cùng những mùa hoa sữa…

Dám thay đổi để thành công

Thứ 5, 07/10/2021 | 06:48
Khi bạn đang trẻ tuổi, bạn có quyền cho mình nhiều mơ ước, bạn có quyền cho mình thay đổi. Nhưng mơ ước và thay đổi không phải chỉ là đặc quyền của những người trẻ.

Bạn nhìn thấy gì từ bức ảnh của cô Văn Thùy Dương trong ngày lễ khai giảng?

Thứ 4, 08/09/2021 | 08:00
Câu chuyện về một bức ảnh, một hình xăm và hình bóng một cô giáo giữa sân trường không bóng học trò.
Cùng chuyên mục

Vinh của Vinh

Thứ 4, 31/01/2024 | 07:00
Có thể hơi chơi chữ chút, nhưng nó là như thế này, tôi muốn nói về cuốn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh.

Trước tiền…

Thứ 2, 09/10/2023 | 07:00
Từ năm 1998, pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành, và về danh nghĩa nó phải được thực hiện nghiêm túc từ hồi ấy.

Chơi mạng xã hội

Thứ 2, 25/09/2023 | 07:00
Vụ án bà Phương Hằng vừa chấm dứt với bà, còn một số người liên quan vẫn đang... chờ.

Quân hồi vô phèng

Thứ 4, 20/09/2023 | 07:37
Thú thực, cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ lắm cái câu mà ngày xưa tôi thấy mẹ tôi hay dùng để mắng chúng tôi khi chúng tôi làm gì đấy mà cụ cho rằng vô tổ chức, vô kỷ luật, trên dưới lộn tùng phèo...

Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông

Thứ 7, 09/09/2023 | 07:07
Văn chương khi được đưa vào nhà trường phổ thông, buộc phải qua một quá trình lựa chọn vô cùng khắt khe...
     
Nổi bật trong ngày

Trải nghiệm tàu hỏa thời… tắc đèo

Thứ 4, 17/04/2024 | 07:00
Tôi vừa có chuyến trải nghiệm tàu hỏa Việt Nam khá thú vị.

Đọc sách nhiều – Tốt hay không tốt?...

Thứ 5, 18/04/2024 | 09:36
Khi nói đến việc đọc sách, rất nhiều người trong chúng ta tỏ ra e dè, thậm chí có người còn cười mỉa về hoạt động đó. Tại sao lại có một thực trạng như vậy? Liệu chúng ta có phải là những người không coi trọng tri thức? Tại sao nhiều người vẫn nghĩ, rằng những ai đọc sách nhiều thường dễ “đi trên mây”?...