Có rất nhiều cách để người bán hàng rong đứng ngang hàng với những ngành nghề khác mà không phải mang tiếng “ký sinh trùng” như so sánh của biên tập viên VTV. Điều này làm thế nào?
“Ký sinh trùng” là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2019, khi bộ phim “Parasite” của đạo diễn Bong Joon-ho trở thành phim châu Á đầu tiên trong lịch sử giành tượng vàng “Phim hay nhất” tại lễ trao giải Oscar danh giá.
Tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc chứng minh cho giới phê bình lẫn công chúng thấy rằng, không cần phải những kịch bản đậm chất hàn lâm mà những câu chuyện đơn giản, mang chất liệu đời thường cũng có thể làm nên một bộ phim xuất sắc, mang đậm chất suy tư, chinh phục mọi đối tượng khán giả.
Không phải là một bộ phim theo đề tài kinh dị, “Ký sinh trùng” của Bong Joon-ho là một hình ảnh ẩn dụ sâu cay về những con người thuộc tầng lớp nghèo khổ dưới đáy xã hội phải bám víu vào “đám người giàu” bằng mọi cách.
Giống như “ký sinh trùng”, họ không có cơ hội hay công cụ để đổi đời, khi số phận hay đôi khi là hoàn cảnh, đã ấn định họ thuộc về thế giới bên dưới. Những thứ thừa mứa, vứt đi của “đám nhà giàu” với cuộc sống xa hoa, trưởng giả trên kia lại chính là “chất dinh dưỡng” mà họ luôn khao khát.
“Ký sinh trùng” có lẽ là một từ “đắt” và rất phù hợp để sử dụng trong nhiều bối cảnh, câu chuyện, con người, ở nhiều xã hội khác nhau khi mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng như hiện nay.
Có thể vì lỡ lời, hay tư duy “có vấn đề” mà một biên tập viên của VTV lại sử dụng để so sánh những người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng” trên đường phố trong mùa Covid.
Không rõ, biên tập viên nói trên của VTV có phải là một fan của “Parasite” hay không, những không thể chối bỏ rằng tác phẩm điện ảnh đình đám này thật sự tạo nên sức ảnh hưởng quá lớn đến cả cách nói chuyện, suy nghĩ thường ngày của nhiều người.
Mặc dù cách dùng từ “sống ký sinh trùng” để mô tả người bán hàng rong là không chuẩn về cả ngữ cảnh lẫn ngữ pháp (chỉ có “sống ký sinh” chứ không có “sống ký sinh trùng”), nhưng có thể thông cảm với biên tập viên của VTV phần nào khi suy nghĩ của anh dường như không có thái độ xúc phạm, mà chỉ muốn tạo nên sự văn hoa trong câu nói, giúp bản tin trở nên cuốn hút hơn.
Câu chuyện tranh cãi đã ngã ngũ khi lời xin lỗi được đưa ra, nhưng vẫn còn đó một tranh cãi khác chưa hồi kết. Khi hàng rong được nhắc trở lại trên truyền hình, người ta lại xôn xao câu hỏi: Có nên cấm hàng rong hay không?
Ví von người bán hàng rong sống “ký sinh” trên đường phố có lẽ cũng không hoàn toàn sai. Vì rốt cuộc, ví von chỉ mang tính chất tương đối. Có lẽ, trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có thể bị so sánh rằng họ đang sống “ký sinh” theo một nghĩa nào đó.
Nhưng cách “ký sinh” của người bán hàng rong không phải là thứ đáng phê phán, bởi họ mưu sinh bằng chính sức lao động của mình và đường phố mà họ “ký sinh” đơn giản giống như môi trường làm việc, nơi cung cấp khách hàng, nguồn thu mỗi ngày. Nếu hoa mỹ hơn, có thể gọi là cuộc sống cộng sinh trong muôn nẻo mưu sinh thời “bão Covid -19”.
Đằng sau mỗi quang gánh, xe hàng là là những thân phận mưu sinh, là người phụ nữ tần tảo hay người cha phải gánh gồng kinh tế cho cả một gia đình. Trong đôi mắt của nhiều người, gánh hàng rong là một nét văn hóa đặc trưng, hoài cổ, đáng yêu và tiện lợi.
Nhưng hàng rong cũng bị coi là nét “luộm thuộm” chấm phá, rải rác giữa thành phố phát triển hiện đại với những tòa nhà cao tầng xa hoa, lộng lẫy. Những người bán hàng rong lấn chiếm trên lòng đường vỉa hè, xả rác bừa bãi, chặt chém khách, mất vệ sinh. Họ có cả sự đáng thương nhưng cũng có sự đáng trách.
Nhưng cấm thì khó, mà chỉ có thể đưa ra biện pháp quản. Với lượng người bán hàng rong còn tồn tại khá lớn trong các đô thị, việc cấm đoán sẽ đặt ra câu hỏi về bài toán kinh tế cho mỗi gia đình, đồng thời cũng làm đứt đoạn sự thuận tiện cho người tiêu dùng và trung chuyển nguồn hàng hóa từ các đầu mối.
Nói một cách đơn giản hơn, cấm bán hàng rong cũng giống như giải thể một loại mô hình kinh doanh làm tổn thương người nghèo.
Vậy thì quản thế nào? Giống như ở nhiều quốc gia, bán hàng rong nên được đăng ký với cơ quan quản lý và có giấy phép buôn bán, có những khu vực dành riêng cho các hoạt động buôn bán hàng rong. Những người hành nghề cần được tập huấn về các quy định an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm, bên cạnh các chế tài xử phạt rõ ràng khi vi phạm.
Đặc biệt, quản lý danh tính, mặt hàng của người bán rong là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để truy tìm nguồn gốc trong trường hợp lây nhiễm.
Nói một cách đơn giản hơn, chúng ta nên trao cho người bán hàng rong một danh phận đàng hoàng. Cũng giống như bác sĩ hay kỹ sư, người bán hàng rong sẽ có định danh nghề nghiệp rõ ràng, ví dụ như “nhân viên bán hàng rong”.
Như vậy, họ không chỉ tự hào hơn về nghề nghiệp của mình, góp phần trở thành một lực lượng lao động quy chuẩn, đóng góp cho nên kinh tế, mà còn tránh những trường hợp “tủi thân” xảy ra khi bị so sánh nhầm lẫn như “ký sinh trùng” của biên tập viên VTV.
Ảnh minh họa: Rehahn
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!