Để nhà báo nói cho My nghe!

Diễn viên Phan Thị Trà My muốn cảm ơn Covid-19 vì giúp cho thế giới này có thêm nhiều người chết. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn My vì có một đề tài báo chí hay.

img
img

“Nghĩ lại nên cảm ơn cô Vy, dân số thế giới đã quá tải rồi nên chết bớt đi cho rộng chỗ!”, Trà My đã viết như vậy khiến dư luận phẫn nộ.

“Cô Vy” tất nhiên là cách nói lái ám chỉ dịch virus corona đang lây nhiễm cho hơn 100.000 người trên thế giới, khiến gần 5.000 người tử vong. Còn người viết dòng status cao ngạo như vị quan tòa của sự sống này là cô My - Phan Thị Trà My – một diễn viên 9X nổi bum bủm đâu đó trên sóng truyền hình.

Bạn không nghe nhầm đâu. Ở một nơi mà các chị em bán kem trộn phá án giỏi hơn công an, bà bầu bán quần áo online lập chính sách tài tình hơn bộ trưởng, thì việc một cô diễn viên quèn cũng thở ra được một câu trăn trở sự đời “đậm chất nhân sinh” như vậy cũng không có gì là lạ.

Cái điều lạ ở đây là My đăng quan điểm của mình trên trang Facebook cá nhân nhưng lại rũ bỏ trách nhiệm đối với nó khi bị dư luận chỉ trích.

Khi bị phản ánh trên báo chí về quan điểm đùa giỡn sự sống con người giữa lúc tình hình dịch bệnh nước sôi lửa bỏng– cô My - với thứ ngôn từ được rèn giũa đâu đó bên ngoài trường học - bắt đầu lăng mạ người viết bài là “lều báo”, rình mò, “khát máu thèm tiền”...

My đăng bài viết gây tranh cãi. Nhà báo đưa tin về bài viết của My. My bị dư luận chửi. My tức. My chửi lại nhà báo. Đó là logic rất buồn cười của My. My cố tình không chịu hiểu và thừa nhận rằng, việc phản ánh sự việc là bổn phận tất yếu của báo chí. Nếu My không muốn bị người khác chỉ trích vì phát biểu ngớ ngẩn thì tốt nhất My đừng có viết.

Với tầm văn hóa kém cỏi, My tiếp tục những điệp khúc chửi báo chí bằng những câu chữ phọt phẹt, u tối, quanh quẩn, tập tọe không thoát ý như thể đứa trẻ mới học chữ.

My gọi tờ báo đăng bài là “chỉ có chó mới đọc” mà quên mất bản thân mình (có khi là người thân của mình) cũng từng đọc tờ báo đó ngấu nghiến.

Trường hợp nực cười như của My không có gì là lạ. Khi chúng ta ngày càng được tự do hơn trong việc bàn luận về các vấn đề xã hội, với một nền tảng internet cởi mở cũng như tính truyền đạt thông tin nhanh chóng mạng xã hội, có một tình trạng được gọi là “loạn chính danh” xảy ra.

Chúng ta là một người ngoài cuộc nhưng lại thích nói, thích bàn, thích chỉ dạy người khác những thứ mà chúng ta không hiểu. Để rồi khi nói sai lại không chịu trách nhiệm với lời nói đó của mình.

Là một ca sĩ, hãy cất cao tiếng hát cho đời. Là một là một bác sĩ, hãy tập trung khám chữa bệnh cho mọi người. Còn cho một ông ca sĩ cầm dao mổ vào phòng phẫu thuật hay đưa ông bác sĩ lên sân khấu cầm micro nghêu ngao thì thế giới này sẽ loạn hết.

Là diễn viên như My, tốt nhất cũng chỉ nên tập trung vào diễn xuất mà thôi. My đừng nên viết về một cái gì nghe hàn lâm, triết lý cao vời vợi. Vì My chẳng hiểu gì cả. My chẳng phải học giả, cũng chẳng nghiên cứu chuyên môn gì. My đăng một cái status về dịch bệnh Covid-19 không mang tính xây dựng, chỉ giống như lời trù ẻo cho con người trên thế giới này chết vợi.

My cứ toàn tham gia vào cái việc chẳng phải của mình, để rồi bị mọi người chửi, My chẳng biết vin vào đâu, My lại đi đổ tại cho nhà báo, cho nghề báo, thứ mà My cũng chẳng biết cái gì nốt.

My cứ từng bước dấn sâu vào sai lầm, vào mê hồn trận những thứ bản thân không biết, vào một lĩnh vực mà My chỉ là tay mơ. My chỉ là một diễn viên nhỏ bé, My thách thức báo chí. My có quá tự tin khi muốn 1 đấu với 100, với 1000 nhà báo, chỉ với thứ ngôn từ thời tiền sử và nền tảng kiến thức vỡ lòng như vậy?

My gọi nhà báo là “lều báo”, chúng tôi cũng có thể gọi My là “thợ diễn vô học”, nhưng ở đây chúng tôi không làm vậy. Khi hướng tới một cuộc tranh luận văn minh, không cần thiết phải dùng những từ ngữ lên gân, hằn học, cấm cảu và hạ nhục người khác như kiểu của My.

Trong một cuộc tranh luận, công chúng nhìn thấy một kẻ chửi bới và một bên ôn tồn thì họ sẽ bênh ai? Câu trả lời có lẽ đã trong tâm trí của My rồi.

Chúng tôi vẫn ở đây, sẵn sàng tiếp đón sự hòa giải cầu thị của My. Còn nếu muốn tiếp tục đối đầu, chúng tôi – những tay chuyên nghiệp chưa bao giờ sợ một kẻ nghiệp dư.

Vì chúng tôi không khờ dại như My, mang sở đoản đi đấu sở trường của người khác. Chúng tôi - những nhà báo - chẳng ngốc nghếch đến mức đi đọ khả năng diễn xuất với diễn viên, trong khi My là một diễn viên lại thích dạy cho nhà báo chúng tôi cách làm báo phải như thế nào.

“Cô Vy” gây bệnh còn chữa được, chứ lời cô My – từ câu nói triết lý ngô nghê đến câu chửi trong bất lực - quả thật không khiến ai sống nổi, tức cười quá mà chết.

My cứ ở đấy sống với cái lý tưởng cao đẹp của mình, ngụp lặn trong những vai diễn truyền hình nhợt nhạt và những bộ ảnh khoe hình thể kệch cỡm, mơ về tượng vàng Oscar danh giá cho sự nghiệp diễn xuất. Mà quên, truyền hình thì làm gì có giải Oscar, nên là sự nghiệp lẹt đẹt của My quả thực không có cửa với bất kỳ cái gì đâu.

Chúng tôi – những nhà báo – vẫn cứ đi hiên ngang, làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của mình và bóc mẽ những người như My cũng là một trong những công việc thú vị hàng ngày.

Bản thân sự nghiệp mỗi người nên tự hào với những danh xưng lớn lao và ý nghĩa. Với My, chỉ là My “sập giường” với My “phát ngôn huyên thuyên bị cộng đồng mạng ném đá” liệu có tự hào không?

Còn chúng tôi – sự nghiệp chắc chắn phải tự hào khi góp phần phản ánh được cho công chúng thấy bản chất của một diễn viên đạo đức, tâm tưởng tồi bại như My.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img