Đề xuất đánh thuế TTĐB điện thoại di động, nước hoa: Sai, ngược, vô lý, bất thường

Thời đại công nghệ 4.0, có tới 71% dân số Việt Nam đang dùng điện thoại thông minh, chai nước hoa là vật dụng quen thuộc có trong túi xách của hầu hết phụ nữ… Thế mà UBND TP.Hồ Chí Minh lại đòi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động và nước hoa thì là đánh thuế hay… làm khó người tiêu dùng?

img

Dư luận đang xôn xao vì trong một văn bản góp ý cho “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn thuế” gửi Bộ Tài chính, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ… Nhiều người ngỡ ngàng vì tư duy tận thu trong đề xuất đánh thuế của đơn vị này.

Thứ nhất, việc đề xuất đánh thuế TTĐB lên nước hoa và điện thoại di động là đã hiểu sai về bản chất của sắc thuế này. Theo đó, thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, đánh vào những hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không thật cần thiết cho nhu cầu của con người, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người (nhưng không thể cấm) hoặc tác động xấu đến môi trường.

Trong khi đó, ngày nay nước hoa đã không còn là vật dụng xa xỉ đối với đại bộ phận người dân, điện thoại di động không chỉ không còn xa xỉ mà đã trở nên quá thiết yếu trong cuộc sống ngày nay.

Việc sử dụng nước hoa và điện thoại di động cũng không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người (ít ra là chưa có nghiên cứu nào chứng minh), không ảnh hưởng xấu đến môi trường để phải chịu thuế này.

Thứ hai, quan điểm đánh thuế TTĐB lên nước hoa, điện thoại di động của TP.HCM là tư duy lạc hậu, cản trở sản xuất và tiêu dùng theo xu thế phát triển chung.

Còn nhớ, luật Thuế TTĐB ban hành lần đầu tiên vào năm 1990 (có tiền thân là thuế Hàng hóa, ban hành năm 1951) ban đầu chỉ nhằm vào 6 mặt hàng: Thuốc lá, rượu, bia, pháo, bài lá và vàng mã.

Sau nhiều lần bổ sung sửa đổi cho phù hợp với chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển, luật Thuế TTĐB hiện hành (được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực từ 10/4/2009) đang áp thuế đối với 11 loại hàng hóa (gồm rượu, bia, thuốc lá, ô tô dưới 24 chỗ, tàu bay, phi thuyền, điều hòa 90.000 BTU trở xuống… ) và 6 loại dịch vụ (kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino, xổ số...)

Trong nền kinh tế thị trường, tiêu thụ là khâu quyết định phát triển sản xuất, kinh doanh chứ không phải là sản xuất, kinh doanh quyết định nhu cầu tiêu dùng như kinh tế bao cấp, nên không thể siết khâu tiêu thụ như đề xuất trên chỉ để tăng thu thuế.

Và, trong khi nhiều chuyên gia đang cho rằng cần phải “cởi trói” cho một số hàng hóa dịch vụ khỏi sắc thuế này như: Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, ô tô thông dụng, dịch vụ massage... vì nó cũng đã trở thành vật dụng thiết yếu, thì UBND TP.HCM lại đòi đánh thuế TTĐB đối với những mặt hàng thông dụng ngày nay như nước hoa, điện thoại di động.

Xã hội càng phát triển càng cần phải thu hẹp diện chịu thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ để kích thích sản xuất và tiêu dùng, chứ không phải mở rộng thêm đối tượng chịu thuế thiếu cơ sở như đề xuất nói trên.

Thứ ba, quan điểm đánh thuế vào mặt hàng điện thoại di động của UBND TP.HCM vì “tuy là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới” là quan điểm sai lầm, chồng chéo với luật thuế khác.

Sinh ra thuế TTĐB để đánh vào loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay it nhất là vì lý do nào đó mà Nhà nước không khuyến khích. Nếu không phải thế thì nó đã là thuế Giá trị gia tăng (VAT).

Kể từ khi ra đời vào năm 1973 ở Mỹ và khoảng những năm 90 của thế kỷ trước thì xuất hiện ở Việt Nam, từ khi còn là một mặt hàng xa xỉ mà điện thoại di động còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng mà đánh thuế TTĐB thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hóa, dịch vụ nào như tivi, tủ lạnh, máy giặt....

Ngoài ra, “điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên" là chức năng của luật Thuế Thu nhập cá nhân chứ không phải chức năng của thuế TTĐB. Việc UBND TP.HCM “đòi” đánh thuế TTĐB đối với điện thoại di động nhằm điều tiết thu nhập của dân nghe cũng hài hước như dạo trước bộ Tài chính muốn đánh thuế TTĐB lên sữa và nước ngọt vì lo dân béo phì (!!)

Thứ tư, tư duy đánh thuế kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót” như trên là tư duy tận thu bất thường. Ngân sách muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, siết chặt xử lý các hành vi trốn thuế, nợ thuế, chứ không phải là tăng thuế, bòn mót từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

Theo một nghiên cứu mới của công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cứ 10 người sử dụng điện thoại thì có 8,4 người dùng điện thoại di động. Trong số 93% người sử dụng điện thoại di động thì có tới 71% người sử dụng điện thoại thông minh. Điều đó có nghĩa là hầu hết dân số đều sử dụng điện thoại di động, nhiều người sử dụng nhiều hơn 1 chiếc, đủ để xếp mặt hàng này vào diện thiết yếu.

Trong khi đó, Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao di động sử dụng thì chắc chắn không phải loại hàng hóa không được khuyến khích.

Điều kiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn thấp, hơn 2.500 USD/năm. Muốn kích thích sản xuất thì phải kích thích tiêu dùng. Đánh thuế TTĐB lên điện thoại di động, nước hoa không phải là đánh thuế mà là… “đánh dân”. Tư duy đánh thuế trên cơ sở tận thu của dân này là đẩy lùi sản xuất, tiêu thụ và chỉ có hại cho sự phát triển.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img