img

Đề xuất nhập số CMND khi nạp thẻ điện thoại trả trước: Chỉ giải quyết phần ngọn, thêm phiền hà cho dân

Thanh Lam

Đề xuất nhập số chứng minh nhân dân khi nạp thẻ điện thoại trả trước đang nhận được nhiều sự tranh luận từ các chủ thuê bao. Còn theo một số chuyên gia, việc này chỉ giải quyết được phần ngọn.

Quá phiền phức, tốn thời gian

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho hay, với đề xuất này, chủ thuê bao chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân (hoặc số hộ chiếu, số căn cước công dân) cho lần đầu nạp thẻ để cập nhật thông tin thuê bao có chính chủ hay không. Nếu chính xác số chứng minh nhân dân trùng với chủ thuê bao thì các lần sau không cần nhập nữa.

Đề xuất này khiến người tiêu dùng cho rằng thêm phiền hà, tuy nhiên ông Trí cho hay: “Tôi thấy có người nói đề xuất này rất tốt đó chứ. Kể cả khi ra ngân hàng giao dịch thì khách hàng cũng phải nhớ số chứng minh nhân dân không thể nói là không nhớ được. Như vậy, sẽ cập nhật được thông tin thuê bao chính xác, tránh tình trạng sim rác”.

Dư luận cũng phản ánh rằng, nhà mạng mới là người đưa ra sim rác vậy thì phải giải quyết từ phía nhà mạng ông Trí cho rằng một phần là do người dân vẫn mua sim rác để dùng, mà không đi đăng ký chính chủ.

img

Đề xuất nạp thẻ cào điện thoại cần nhập chứng minh nhân dân gây tranh cãi.

Đồng thời, ông Trí cũng cho hay, các doanh nghiệp viễn thông cần tích cực hơn nữa để siết chặt, giải quyết hiệu quả tình trạng sim rác.

Anh Khôi Nguyên (người dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội) ngỡ ngàng trước đề xuất nêu trên: “Tôi thấy nếu làm vậy thì quá là phiền hà cho người dân. Tại sao nhà mạng không quản lý chặt chẽ từ khâu cấp sim số, cũng như xử lý các nhà mạng, đại lý bán sim? Vì ngay từ khi cấp số, làm thủ tục hoạt động hay thuê bao cho khách hàng đã có đăng ký sim chính chủ. Đề xuất như vậy dễ làm nhiễu dư luận”.

Trong khi đó, ông Lê Tân Việt đại diện của công ty Royal Gift bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng, việc yêu cầu phải nhập số chứng minh nhân dân khi nạp điện thoại không hợp lý. Bởi, nếu đối tượng cố tình tiêu cực, thì họ cũng sẽ tìm cách để lách việc đó, họ có thể tìm nhiều hình thức lừa gạt khác để lấy được thông tin của người dân. Chủ thuê bao phải chịu trách nhiệm với những số họ đã đăng ký mua, nếu đã bán cho người khác thì phải hoàn thiện thủ tục với nhà mạng, để sang tên người mới”.

Chị Nguyễn Thuý Nga (Hà Nội) chia sẻ những thắc mắc với PV: “Tôi thấy đề xuất này là vô lý, cần đặt vấn đề là sim rác từ đâu mà ra? Đã bán sim tràn lan, rồi sau đó yêu cầu đăng ký chứng minh nhân dân, yêu cầu chụp ảnh, giờ quay ra nói nạp thẻ cũng phải khai chứng minh nhân dân”.

Muốn “chặn” sim rác phải giám sát nhà mạng

Liên quan đến vấn đề xử lý sim rác, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật: “Người tiêu dùng có sinh ra được sim rác hay không? Câu trả lời ở đây là không, chỉ có nhà mạng sinh ra sim rác. Nên, đề xuất của thanh tra bộ TT&TT đang đẩy cái khó cho người tiêu dùng. Theo tôi, đề xuất này chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc là phải giám sát nhà mạng”, ông Thắng nêu ý kiến.

img

Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng phải giám sát nhà mạng.

Ông Thắng phân tích tiếp, hiện nay, mỗi chứng minh nhân dân chỉ được phép đăng ký sử dụng tối đa 3 sim. Vậy thì, lý do gì để người dân nạp thẻ cào lại phải thêm thao tác nhập chứng minh nhân dân, như thế rất phiền phức.

“Theo tôi, bộ TT&TT nên giám sát nhà mạng chặt chẽ hơn chứ không phải người tiêu dùng. Muốn chặn được sim rác thì phải giám sát nhà mạng, phạt thật nặng nhà mạng bởi vì nhà mạng mới là nơi sản xuất ra sim rác”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, đề xuất này nếu áp dụng chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng, tính khả thi không cao. Bởi, mỗi một lần nạp tiền phải nhập chứng minh nhân dân thì tốn thời gian, không giải quyết được vấn đề sim rác. Quản lý sim rác và nạp tiền là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Thời gian qua bộ TT&TT đã xử lý nạn sim rác, tuy nhiên ông Thắng cho rằng: “Để giải quyết triệt để, bộ TT&TT cần đưa ra cơ chế đơn vị nào gửi tin nhắn nhiều có báo cáo, phản ánh của 100 người dùng thì sẽ tiến hành thanh tra đơn vị nhắn tin rác, các nhà mạng, làm được như vậy sẽ hạn chế ngay. Cần có một nghị định, cơ chế để người dùng phản ánh tình trạng tin nhắn rác, sim rác có như vậy mới hạn chế được tình trạng này”.

Đừng làm khó cho dân

Trao đổi thêm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Nếu người dùng nhớ được số chứng minh thì là chuyện đơn giản, nhưng nếu không nhớ được số chứng minh nhân dân, phải tìm ví ra rồi tìm chứng minh nhân dân để nhập thì quả đúng là tốn thời gian, phiền hà.

Theo tôi, cách tốt nhất là quản lý được tình trạng sử dụng sim rác, quảng cáo làm phiền người dân, không nhất thiết phải đưa ra những đề xuất làm khó cho dân. Như bản thân tôi, hiện nay có tình trạng số điện thoại rất đẹp gọi hai lần, tôi cứ nghĩ rằng người quen hoặc cử tri gọi thì gọi lại, thế nhưng khi gọi lại thì toàn thông tin đã cài đặt sẵn như vay tiền, căn hộ, mua bán bất động sản, làm đẹp… rất bực mình.

Chưa hết, tình trạng bị lộ thông tin cá nhân rất phổ biến, các số điện thoại lạ gọi đến xưng danh, gọi tên chủ thuê bao rất thân mật như thể đã quen biết lâu ngày. Thực chất, những số lạ này biết tên chủ thuê bao là do thông tin khách hàng đã bị bán. Tôi cho rằng, phải kết hợp công nghệ 4.0, cơ quan an ninh mạng phối hợp với bộ TT&TT, bộ Công an để quản lý, ngăn chặn tình trạng sim rác”.

T.L

img