Trao đổi với phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Căn cứ theo Công ước Viên về báo hiệu đường bộ mà Việt Nam là thành viên đã quy định, khi gặp đèn vàng phải dừng lại, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc tiến quá gần vạch dừng nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì được đi tiếp. Do đó, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này đã được bổ sung thêm trường hợp được phép vượt đèn vàng nếu việc dừng lại có thể gây nguy hiểm.
Quy định này phù hợp với Công ước Viên và đã được áp dụng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Quy định trên sẽ đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, giúp người dân chấp hành giao thông nghiêm chỉnh. Đồng thời, hạn chế được các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khi tài xế phanh đột ngột”.
Ông Lăng cũng cho rằng, đây không phải là đề xuất mới bởi tại Quy chuẩn số 41:2016 của bộ GTVT cũng đã quy định rất rõ tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).
Ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (tổng cục Đường bộ Việt Nam). Ảnh DV.
Trường hợp đã đi quá vạch dừng, đèn tín hiệu hoặc đã quá gần vạch dừng, đèn tín hiệu mà nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp; Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Trả lời về quy định cụ thể đối với những trường hợp được coi là dừng lại có thể gây nguy hiểm, ông Lăng cho rằng khó có thể đưa ra một quy định chi tiết thế nào là trường hợp dừng lại gây nguy hiểm. Do đó, việc dừng lại có nguy hiểm hay không thuộc vào phản xạ, nhận thức của mỗi tài xế.
Cùng bàn luận về vấn đề này, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho rằng, việc này không những không giải quyết được bài toán giao thông ở nước ta hiện nay mà còn khiến việc tình hình trở nên phức tạp hơn.
Luật sư Phất phân tích: “Cá nhân tôi cho rằng, việc đề xuất thêm những trường hợp được phép vượt đèn vàng chỉ khiến việc tham gia giao thông của người dân trở nên phức tạp hơn. Luật Giao thông đường bộ chỉ cần quy định đơn giản về đèn vàng là tín hiệu quy định các phương tiện chuẩn bị phải dừng lại, đèn đỏ phải dừng lại và đèn xanh được đi.
Đề xuất lần này rất dễ gây ra những cách hiểu khác nhau, dẫn đến những suy diễn tùy tiện cho cả người xử lý, điều tiết giao thông cũng như người tham gia giao thông”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lương Văn Đào (Bắc Giang) cho biết: “Cá nhân tôi không đồng tình với đề xuất, tôi nghĩ luật chỉ nên quy định người dân khi thấy đèn vàng thì phải chủ động dừng lại để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Bởi luật đã quy định khi đi qua khu vực đường giao nhau, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, quan sát hai bên, chú ý biển báo, tuân thủ đèn báo hiệu nếu có chứ không thể có chuyện người tham gia giao thông cố tình di chuyển với tốc độ cao rồi lấy cớ việc dừng lại gây nguy hiểm để vượt đèn vàng”.
Hơn nữa, theo ông Đào, chính việc dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này đưa ra đề xuất người tham gia giao thông được vượt đèn vàng khi việc dừng lại có thể gây nguy hiểm, nhưng lại không có quy định chi tiết thế nào là trường hợp được coi là nguy hiểm sẽ khiến người dân cũng như lực lượng CSGT có những cách hiểu khác nhau, thậm chí là dựa vào đó để làm những việc sai trái.
Đồng tình với quan điểm người dân được phép vượt đèn vàng sẽ khiến tình hình giao thông thêm phức tạp, anh Nguyễn Ngọc Hân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng quy định hiện nay về đèn tín hiệu vàng đã phù hợp, chúng ta không cần thay đổi, tránh tình trạng giao thông đã rối nay càng rối hơn. Vấn đề chính ở đây là ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân, việc tài xế phải chủ động hạn chế tốc độ, quan sát biển báo, đèn tín hiệu,… khi di chuyển tới khu vực đường giao nhau là điều ai cũng biết. Thế nhưng, có chấp hành việc đó hay không thì là do ý thức của mỗi con người”.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng đội CSGT số 7 (phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố Hà Nội).
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng đội CSGT số 7 (phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố Hà Nội) cho rằng đề xuất này là không cần thiết. Ông cho rằng, trên thực tế lực lượng CSGT đã áp dụng việc cho phép tài xế vượt đèn vàng nếu việc dừng xe gây nguy hiểm theo Quy chuẩn số 41:2016 của bộ GTVT. Tuy nhiên, việc không có quy định chi tiết về những trường hợp được xác định là dừng xe gây nguy hiểm cũng khiến việc kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường hợp tài xế mượn cớ dừng lại gây nguy hiểm để cố tình vi phạm, thêm vào đó là việc hiểu biết chưa đầy đủ về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu nên xảy ra tình trạng tài xế không hợp tác. Việc này khiến lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn, giải thích cho người vi phạm.
Hơn nữa, việc xác định đâu là trường hợp nguy hiểm còn phụ thuộc vào nhận thức, khả năng xử lý của mỗi tài xế. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế, lực lượng CSGT sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp”, Thiếu tá Đức nêu bất cập.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, người lái ô tô nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng (điểm a, khoản 5, điều 5), tước bằng lái từ 1 - 3 tháng, hoặc tước bằng lái từ 2 - 4 tháng nếu vượt đèn vàng mà gây ra tai nạn giao thông.
Người chạy xe máy khi vượt đèn vàng, theo quy định mới thì bị phạt từ 600.000 - 1.000.000 đồng (điểm e, khoản 4, điều 6) , tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng (mức phạt cũ là 300.000 - 400.000 đồng).
N.L - H.Y