PV Người Đưa Tin Pháp luật đã khảo sát ý kiến của một số người dân liên quan vấn đề này. Chị Nguyễn Phương Loan (phường Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho rằng, bản thân đồng tình với đề xuất trên của bộ GTVT thế nhưng vẫn cần có thêm thời gian để tuyên truyền, thực hiện thí điểm ở một khu vực nào đó trước khi chính thức áp dụng vào thực tế.
"Vẫn biết khi đèn xanh là chúng ta được di chuyển, nhưng nếu phía trước ùn tắc thì việc dừng lại nhường đường để nhanh chóng được lưu thông là cần thiết. Do đó, dừng lại 1 vài giây để cả tuyến đường được lưu thông là điều hoàn toàn xứng đáng", chị Loan chia sẻ.
Có cùng quan điểm với chị Loan, anh Nguyễn Văn Tâm (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) cũng cho rằng: "Mọi người cứ nghĩ khi có ùn tắc thì tranh thủ lách lên dòng người sẽ tiết kiệm được thời gian nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Việc làm đó vô hình trung chỉ khiến thời gian di chuyển tăng lên và tình trạng ùn tắc phức tạp hơn", anh Tâm bày tỏ.
Kinh nghiệm thực tế di chuyển nhiều trên đường của anh Ngô Văn Huy, một tài xế xe ôm công nghệ tại Hà Nội cho thấy, đề xuất trên là phương án thiếu khả thi. Bởi lẽ, khi đèn vàng hoặc đèn đỏ thì người tham gia giao thông đã phải dừng lại trước vạch kẻ trắng, nếu như đèn xanh cũng không được đi nữa thì người tham gia giao thông sẽ đứng nguyên một chỗ, dẫn tới nguy cơ một điểm tắc cục bộ.
Hơn nữa, việc xác định thế nào được coi là ùn tắc là tuỳ thuộc vào cảm quan của mỗi người. Đối với người này có thể là tắc nhưng đối với người khác lại là không thì sao, trong khi đó bộ GTVT lại chưa đưa ra quy định cụ thể thế nào được xác định là ùn tắc. Do vậy, đề xuất này sẽ rất khó để áp dụng vào thực tế.
Nói về hướng xử lý khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, anh Huy cho rằng biện pháp trước mắt là lực lượng chức năng cần có mặt tại mỗi điểm xảy ra ùn tắc để có những hướng dẫn linh động, hợp lý cho người dân.
Về biện pháp lâu dài, các cơ quan chức năng cần mở rộng hệ thống đường sá, áp dụng cả vận tải trên cao cũng như tàu điện ngầm dưới lòng đất như các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Chiều 7/5, chia sẻ với phóng viên về đề xuất xử phạt người vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc của bộ GTVT, Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên cán bộ đội CSGT số 1, phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đề cao tinh thần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông của bộ GTVT. Tuy nhiên, đề xuất này của bộ GTVT là không phù hợp với thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Theo Thượng tá Đoàn, thừa nhận rằng ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn thấp nên đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Thế nhưng, việc sử dụng biện pháp xử phạt hành chính không những không giải quyết được bài toán ùn tắc mà thậm chí còn gây ra tâm lý bức xúc cho người tham gia giao thông.
Bản thân là người từng làm việc liên quan đến công tác kiểm soát, phân luồng, xử lý vi phạm giao thông, Thượng tá Đoàn cho rằng để nâng cao ý thức của người dân thì biện pháp hữu ích nhất là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu và chấp hành theo quy định của pháp luật.
"Để giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, bên cạnh việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân thì việc nâng cao, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Sở dĩ các quốc gia khác trên thế giới có thể áp dụng hiệu quả việc xử phạt người vượt đèn xanh khi có ùn tắc là do cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải của họ phong phú, tiến bộ và đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân.
Chính vì thế, thay vì đưa ra các hình thức xử phạt thì bộ GTVT cũng như các ban, ngành chức năng cần chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ rằng khi thực hiện được những yêu cầu trên thì bài toán ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết triệt để", Thượng tá Đoàn nhận định.
Cũng theo Thượng tá Đoàn, tại dự thảo của bộ GTVT có nói khi hướng đi tới đang bị ùn tắc thì người ở phía sau các phương tiện không được di chuyển tới, kể cả là khi có đèn xanh, thế nhưng lại không có một số liệu cụ thể để người dân biết khi nào cần phải dừng lại? Chính vì thế, quy định này sẽ rất khó được áp dụng vào thực tế.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (bộ GTVT) cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hiện nay là do ý thức tham gia giao thông của không ít người dân còn hạn chế.
Hơn nữa, việc xử phạt này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công và giảm thiểu được tình trạng ùn tắc giao thông. Vì thế tại dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này, bộ GTVT đã đưa ra đề xuất.
Theo ông Thạch, kiến nghị xử phạt này nếu được áp dụng vào thực tế sẽ giúp ý thức tham gia giao thông được cải thiện, từ đó giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay.
N.L-T.L