Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hiện đang được bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp với nhiều quy định mới liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Một điểm mới đáng chú ý, tại Điều 13 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) về tín hiệu đèn giao thông quy định, tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao.
Tín hiệu đèn đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).
Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.
Như vậy, vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc đã được luật giao thông đường bộ coi là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như hành vi vượt đèn đỏ.
Theo tôi, hành vi vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc khác về tính chất, mức độ đối với việc cố tình vượt đèn đỏ. Do đó, quy định mức xử phạt tương đương nhau là không phù hợp.
Hành vi vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc có thể do vô ý. Ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ hoàn toàn do lỗi cố ý. Người tham gia giao thông khó xác định được thời điểm đó hướng đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao.
Quy định này vô hình chung đã xác định hành vi vượt đèn xanh khi hướng đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Việc này cũng thể dẫn tới việc cán bộ thực thi chỉ chăm chăm xử lý người vi phạm, quên mất việc điều hành giao thông để giảm ùn tắc.
Tôi nghĩ, thay vì việc luật hóa vấn đề này thì các cơ quan chức năng cần nâng cấp hệ thống giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời đáp ứng sự gia tăng không ngừng số lượng các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Thế còn bạn? Bạn có nghĩ quy định này là cần thiết hay không?
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật.