“Đi chùa online”: Chỉ cần thành tâm là đủ

Đi chùa online hay đóng góp công đức qua ví điện tử nghe có vẻ là điều lạ lẫm nhưng giữa thời buổi dịch bệnh hiện nay, người dân chỉ cần thành tâm là đủ.

img

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi khía cạnh cuộc sống và ngay cả ngôi chùa danh tiếng Kek Lok Si 130 năm tuổi ở Penang, Malaysia cũng không ngoại lệ, khi lễ thắp sáng năm nay được thực hiện bằng thình thức phát trực tuyến thay vì mở cửa đón khách lễ bái.

Kek Lok Si hay còn được gọi là chùa Cực Lạc, nằm trên một ngọn đồi lớn, với mặt chùa hướng ra biển. Kek Lok Si được mệnh danh là viên ngọc quý trong số những ngôi chùa di sản ở Malaysia, đồng thời được coi là quần thể chùa lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á.

Cứ vào dịp năm mới hàng năm, hàng trăm du khách thập phương sẽ đến ngôi chùa để hòa mình vào nghi lễ thắp sáng, nơi quang cảnh của ngôi chùa hùng vĩ tràn ngập trong sắc màu ánh sáng huyền ảo cả ngày lẫn đêm.

Hơn 10.000 chiếc đèn lồng truyền thống cùng hàng nghìn đèn neon và đèn LED hiện đại biến công trình Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á trở nên rực rỡ chào đón năm Kỷ Sửu, với lễ hội kéo dài từ ngày 7/2 đến ngày 11/3.

Do lệnh giãn cách xã hội phòng ngừa dịch bệnh, ngôi chùa đã ngừng mở cửa đón khách. Nhà chùa đã thuê một đơn vị sử dụng máy bay không người lái để ghi lại buổi lễ được phát trực tiếp trên trang Facebook chính thức. Ngoài ra, công chúng muốn gửi công đức có thể liên hệ với chùa qua trang Facebook hoặc truy cập trang web kekloksitemple.com để biết thêm thông tin. Nhà chùa vẫn kỳ vọng khi tình hình của Covid-19 được cải thiện, du khách và phật tử sẽ được phép đến chùa vào tháng tới.

Cũng giống như Kek Lok Si, nhiều ngôi chùa khác ở Malaysia cũng bắt đầu chuyển dần sang các hình thức trực tuyến, khuyến khích du khách hạn chế tụ tập đông đúc để phòng tránh dịch.

Một số ngôi chùa tiến hành các buổi phát trực tiếp trên Facebook để tương tác với du khách. Cùng với đó, trên mỗi thùng công đức giờ đây có mã QR của ví điện tử để các tín đồ có thể đóng góp.

Có thể nói, dịch bệnh ảnh hưởng không chỉ đến sinh hoạt đời thường hàng ngày của con người mà còn tác động đến cả nhu cầu văn hóa, tôn giáo đầu năm.

Ở Việt Nam, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các khóa lễ cầu an của các chùa, cơ sở thờ tự đã chuyển hướng sang các hình thức tổ chức khác, trong đó có tổ chức online.

Nhiều ngôi chùa lớn thông báo đến phật tử và người dân về việc tổ chức đại lễ cầu an trực tuyến thay vì các khóa lễ cầu an rải rác theo ngày. Các chuyên gia văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cho rằng, việc tổ chức như vậy vẫn có thể truyền tải những thông điệp chính của các nghi lễ đến mọi người dân.

Chùa Phúc Khánh vốn nổi tiếng là nơi quá tải trong mỗi dịp trước Rằm tháng Giêng, khi hàng ngàn người dân đổ về tham gia các khóa lễ cầu an, gây nên cảnh ùn tắc kéo dài. Thế nhưng, năm nay, các nghi lễ đã được cử hành và được đăng tải trên các kênh Facebook, Youtube để phật tử cả nước tham gia, theo dõi.

Theo Đại đức Thích Minh Đức, lễ cầu an được tổ chức để mọi người cầu cho quốc thái dân an, chỉ cần người dân nhất tâm thì không nhất thiết phải đến chùa. Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện lễ cầu an trực tuyến không chỉ giúp phòng chống dịch mà còn giúp người dân ở mọi miền tổ quốc đều có thể tham gia, theo dõi.

Cũng có các ngôi chùa đã chuyển sang hình thức ví điện tử để đáp ứng nhu cầu công đức của người dân. Mặc dù vấp phải một số ý kiến cho rằng một khi chuyển sang bằng hình thức như vậy thì sẽ không được thành tâm, mất dần ý nghĩa thiêng liêng, nhưng theo ông Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, với hình thức trực tuyến, thông điệp chính của nghi lễ tôn giáo vẫn có thể truyền tải được đến với tất cả mọi người. Đồng thời, đây cũng là cách thức phù hợp, vẫn có thể đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân giữa bối cảnh bệnh dịch.

Trên thực tế, chuyển dịch sang hình thức trực tuyến một phần trong các hoạt động tôn giáo đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và coi đây là điều tất yếu. Hơn tất cả, hoạt động tôn giáo chú trọng vào sự thành tâm của mỗi người. Chỉ cần trong tâm đủ thành kính thì hình thức thế nào không quan trọng, miễn là hình thức đó không bị lạm dụng và áp dụng một cách vô lối, thiếu chuẩn mực.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img
% include googleAnalystic %>