Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ giao quyền tự quyết về thời gian cho học sinh đi học trở lại, song ngành Giáo dục vẫn đang chần chừ, thiếu quyết đoán, khiến các tỉnh thành trở nên… mỗi người một phách (!!)
Ngày hôm nay (28/2), vài triệu gia đình Việt Nam đang “nín thở” chờ quyết định của Tư lệnh ngành Giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - về việc học sinh có trở lại trường học vào ngày 2/3 hay không.
Và, câu chuyện dường như đã trở nên cao trào khi từ chiều hôm qua (27/2), các trường học ở Hà Nội và một số tỉnh thành đồng loạt tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc này.
10h đêm, trên Facebook, hàng loạt phụ huynh than phiền rằng cuối cùng họ lại phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành Giáo dục. Thậm chí có vị còn nói vui rằng, thôi thì Bộ trưởng Giáo dục ơi, nếu khó quyết định quá thì ông tung đồng xu đi, chứ chúng tôi có ban hành khung chương trình đào tạo hay là kiểm soát được dịch bệnh đâu mà bắt chúng tôi quyết định?
Ồ, thế là sau khi “gọi điện cho người thân” không thành, cụ thể là đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng (ngày 27/2, Thủ tướng chỉ đạo trong cuộc họp thường trực Chính phủ rằng vấn đề đi học của học sinh do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành xem xét trong khung chương trình mà Bộ GD-ĐT đã công bố), ngành Giáo dục lại đang chọn phương án “hỏi ý kiến khán giả” cho an toàn.
Hỏi ý kiến phụ huynh thì đương nhiên phương án nghỉ tiếp sẽ vẫn là lựa chọn áp đảo, bởi đến thời điểm này đa số các gia đình chưa yên tâm khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nếu đa số phụ huynh đề nghị nghỉ tiếp thì ngành Giáo dục quyết định thế nào, sau khi Bộ trưởng Nhạ đã gửi đi công văn tối 27/2?
Theo đó, sau chỉ đạo nói trên của Thủ tướng Chính phủ, ngay tối 27/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS được tiếp tục nghỉ học từ 1 đến 2 tuần, khối THPT và học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ 2/3.
Công văn này, cùng với công văn đề nghị đi học từ 2/3 được ký vào nửa đêm hôm 22/2 khiến người dân có cảm giác ngành Giáo dục cứ có gì đó cảm tính, hấp tấp.
Thời gian đề nghị nghỉ “từ 01 đến 02 tuần” nghe rất chung chung, thiếu quyết đoán.
Đó là chưa kể, đề nghị cho học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ 2/3 là quá chậm và chồng chéo. Bởi vì từ ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (sau khi làm việc với các đơn vị của Bộ này về phòng, chống dịch COVID-19) đã chỉ đạo: “Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại bình thường từ ngày 2/3”.
Có thể thấy rằng, trong khi cả nước đang chống dịch như chống giặc, ngành Y tế vừa lo khoanh vùng dập dịch vừa chữa bệnh cho người dân rồi tuyên truyền hướng dẫn dân rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách; Chính phủ vừa phải xử lý các vấn đề ngoại giao mềm dẻo (tiếp đón người nước ngoài đến từ vùng dịch, ngừng thông quan nhưng phải lo đầu ra cho nông sản) vừa lo bảo vệ người Việt Nam ở vùng dịch ngoài nước; Các địa phương tự bươn chải… thì ngành Giáo dục tỏ ra hết sức lúng túng trong việc quản lý 24 triệu học sinh.
Ngày thứ hai 3/2 là ngày đầu tiên mà gần 50 tỉnh thành cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm phổi do vi rút COVID-19. Tỉnh thì do UBND ký, tỉnh lại do Sở GD-ĐT ký. Một số quyết định được ký lúc tối muộn ngày chủ nhật, khi nhiều ông bà nội ngoại đã lên tàu xe về quê khiến các bậc phụ huynh náo loạn tìm phương án trông con để đi làm.
Và trong suốt một tháng qua, Bộ GD-ĐT đã để các địa phương toàn quyền quyết định việc đi học của 24 triệu học sinh do Bộ quản lý.
Kết quả là cứ đến cuối tuần phụ huynh lại thấp thỏm chờ thông báo tuần sau nghỉ tiếp hay không.
Một số địa phương tỏ ra quyết liệt như TP Hồ Chí Minh, ở vào thời điểm Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định là hiện tại khống chế dịch thành công thì địa phương này vẫn kiên định đề xuất cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3/2020.
Trong khi đó, một số địa phương khác tỏ rõ sự lúng túng. Ngày 23/2, Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết đã có văn bản lấy ý kiến phụ huynh học sinh về nội dung cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ để phòng chống dịch bệnh, với lý do là để có sự đồng thuận trong phụ huynh và toàn xã hội sau đó tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.
Thế cuối cùng là các bậc phụ huynh lại trở thành người quyết định điều chỉnh khung thời gian đào tạo. Điều này thật nghịch lý!
Không chỉ lúng túng, cảm tính trong quyết định cho học sinh nghỉ học, thời gian qua ngành Giáo dục còn khá bị động trong việc hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong xử trí tình hình.
Ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ về kiểm tra tình hình phòng dịch tại Hải Dương, đã phát biểu rằng: “… Tôi đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp ngành Y tế địa phương xây dựng một quy trình cụ thể, kỹ lưỡng để kiểm soát an toàn cho học sinh, từ lúc đón các em vào trường, trong quá trình học tại trường, cho đến khi học sinh trở về với gia đình...”.
Chiều 21/2, nghĩa là sau khi học sinh nghỉ học hơn 3 tuần, Bộ trưởng Nhạ mới có buổi làm việc với lãnh đạo Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng) về việc xây dựng quy trình hướng dẫn kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Suốt một tháng diễn ra dịch bệnh, vì sao Bộ GD-ĐT không xây dựng nổi cái quy trình? Vì sao không chủ động xây dựng quy trình từ trên Bộ rồi gửi văn bản hướng dẫn xuống các Sở, các trường để thực hiện nhất quán mà lại giao xuống cho Sở GD-DT?
…..
Được biết, đến 19h ngày 27/2, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước quyết định cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3.
Các địa phương khác vẫn đang lấy ý kiến các ban, ngành và … phụ huynh (!!)
Còn Bộ GD-ĐT không biết cuối cùng sẽ chọn phương án do “khán giả” lựa chọn hay tự mình đưa ra quyết định trên cơ sở quyền hạn và trách nhiệm đã được Chính phủ giao phó? Câu trả lời sẽ có trong chiều nay 28/2.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.