Đi làm muộn lúc 8h30, hạnh phúc ở đâu?

Các quốc gia trên thế giới đi làm từ 9h sáng liệu họ có hạnh phúc? Vì sao có nhiều người muốn đi làm sớm hơn từ lúc 7h?

img
img

Giờ học, giờ làm lúc 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa rút xuống 1 tiếng sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tác dụng tốt với sức khỏe tâm lý học sinh và “hạnh phúc” từng gia đình.

Đó là quan điểm đổi giờ học, giờ làm để giải quyết nhiều vấn đề xã hội của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh. Ông muốn giờ làm việc của Việt Nam sẽ hội nhập chung với xu thế của khu vực và thế giới.

Từ “hạnh phúc” của ông Cảnh đang mang đến những tranh cãi trái chiều. Phần lớn là phản đối, khi cho rằng chúng ta đã quá quen với giờ làm việc như hiện nay và việc thay đổi thật khó để hiểu sẽ mang lại hạnh phúc như thế nào?

Suy nghĩ của ông Cảnh đang dường như mang tính “sính ngoại” nhiều hơn mà không đào sâu nguyên nhân vì sao các quốc gia khác lại chọn giờ đi làm muộn như vậy.

Ông chỉ chú trọng vào con số ghi trên đồng hồ mà không quan tâm đến yếu tố khác quan trọng hơn như múi giờ, khí hậu, thói quen để dựa làm quy chuẩn giờ làm việc.

Trên thực tế, con số đi làm lúc 9h sáng đang phổ biến trên thế giới không hẳn là một quy chuẩn nào đó hoàn hảo, đã được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe, “hạnh phúc” của người lao động.

Thực ra, nó vốn là di sản của cuộc đấu tranh lâu dài của các nhà hoạt động vì quyền lao động trong thế kỷ 20.

Khi đó, người công nhân thường bị bắt phải làm việc đến 100h/tuần với mức lương bèo bọt và bị bóc lột cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Các nhà hoạt động vì quyền lao động đã đấu tranh cho tuần làm việc 40h và họ đã thành công.

Kể từ đó, thời gian làm việc bắt đầu được quy định là 8h/ngày và nó được sắp xếp theo khoảng thời gian từ 9-17h chiều, dần trở thành quy chuẩn phổ biến như ngày nay.

Về cơ bản, các quốc gia trên thế giới thường có tiêu chuẩn giờ làm việc chung là “9 to 5” – tức là làm việc 8 tiếng, từ 9h sáng đến 17h chiều.

Giờ đi làm lúc 9h sáng khá hợp lý đối với các quốc gia châu Âu hay Mỹ, do thời tiết lạnh giá, ánh sáng mặt trời trong ngày ít, quãng đường đi làm khá xa (có thể hàng trăm km) v.v...

Quan trọng hơn cả, thời gian buổi sáng dư dả vì thời gian nghỉ trưa của họ khá ngắn (từ 13-14h chiều) và thường họ không có thói quen ngủ trưa.

Tây Ban Nha là một ví dụ đặc biệt về giờ làm việc không giống ai. Quốc gia này đang sống lệch múi giờ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Họ phải đi làm lúc 9h sáng vì lúc này mặt trời mới bắt đầu ló dạng.

Cũng vì thế, 14h họ mới ăn trưa, 20h mới kết thúc công việc về nhà. Buổi tối tự do của họ chỉ bắt đầu vào lúc 22h. Hình ảnh người dân nơi đây nhâm nhi ly café vào lúc 23h đêm với bạn bè cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Chính vì lệch múi giờ, người Tây Ban Nha có thói quen ngủ trưa khá dài, đến tận 16h mới bắt đầu vào làm việc. Chính phủ đang xem xét phương án thay đổi múi giờ, cắt giờ nghỉ trưa để đẩy giờ làm việc lên sớm hơn, nâng cao năng suất công việc.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối bởi ngủ trưa (siesta) là thói quen truyền thống rất nổi tiếng ở quốc gia này. Và hơn cả, giờ giấc độc đáo lại là nét đặc trưng tiêu biểu thu hút lượng khách du lịch khổng lồ.

Trong khi đại biểu Cảnh cho rằng Việt Nam cần đi làm muộn hơn như các nước trên thế giới, nhưng chính bản thân người lao động ở nhiều quốc gia cũng đang đặt ra câu hỏi về việc tại sao họ cứ phải tuân thủ theo giờ làm việc “9 to 5” mà không thể đi làm sớm hơn.

Ngày nay, người Mỹ cho rằng họ khá lãng phí thời gian buổi sáng, khi họ có thể đi làm sớm hơn vào lúc 8h sáng, thay vì 9h. Họ không cần chiều về sớm hơn một tiếng (vào lúc 16h), mà chỉ cần đỡ lãng phí một tiếng buổi sáng trong vô vị.

Theo thống kê của Market Place, dù quy định đi làm khá muộn, hầu hết người lao động Mỹ thường đến văn phòng vào khoảng thời gian từ 7h sáng đến trước 9h sáng. Họ thường đến văn phòng sớm vì không biết làm gì cho đến khi giờ làm bắt đầu.

Trong một khảo sát với 1.000 người lao động trẻ ở Ireland, có đến 48% số người được hỏi nói rằng họ muốn thoát khỏi mô hình làm việc truyền thống là 9h sáng - 17 giờ chiều, ủng hộ việc đi làm sớm hơn.

Bắt đầu lúc 8h sáng và kết thúc trước 16h chiều là lựa chọn phổ biến nhất cho một ngày làm việc, được chọn bởi 31% số người được hỏi, trong khi 17% chọn bắt đầu lúc 7h sáng – 15 giờ chiều.

Lý do họ đưa ra là muốn có giờ làm việc linh hoạt hơn, đi làm sớm hơn và chiều về sớm hơn, thậm chí sẵn sàng làm việc một ngày hơn 8 tiếng để tuần làm việc ngắn hơn.

Khảo sát này đã giúp các nhà tuyển dụng hiểu rằng họ cần thay đổi giờ làm việc phù hợp hơn với từng đối tượng. Giờ giấc làm việc không quan trọng, miễn là làm đủ số tiếng và hiệu quả công việc được đáp ứng.

Từ những điều trên, có thể kết luận rằng, giờ làm việc 9-17h chưa chắc đã là một quy chuẩn hoàn hảo, giúp tăng năng suất lao động hay tốt cho sức khỏe, tâm lý hay hạnh phúc gia đình như nhiều người lầm tưởng.

Giờ giấc làm việc nên được xác định dựa trên đặc trưng thói quen, khí hậu, của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền.

Trở lại với Việt Nam, về cơ bản, giờ làm việc quy định mùa Hè sáng 7h-11h30, chiều 13h30-17h; mùa Đông, sáng: 7h30-12h, chiều: 13h-16h30 như hiện nay là hợp lý.

Giờ làm việc của chúng ta đã được áp dụng từ lâu và trở thành thói quen với tất cả mọi người, do người Việt có thói quen dậy sớm và ngủ trưa, đi làm gần nhà và có phương tiện cá nhân.

Nếu thay đổi quy chuẩn này, không những không mang đến hiệu quả tốt hơn mà còn khiến cho nhiều người bị xáo trộn giờ sinh học cũng như công việc.

Thực ra, đi làm muộn thêm 1h đồng hồ cũng không giải quyết được vấn đề gì, trong khi thời gian nghỉ trưa ngắn đi có thể khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.

Lẽ ra, những đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội nên tập trung vào các vấn đề khác mang tính cấp thiết, thực tế và vĩ mô hơn thay vì chỉ nhìn sang các quốc gia khác thấy mình không giống họ thì lại hiến kế bắt chước.

Từ trước đến nay, giờ học, giờ làm việc vẫn vậy, chưa có sự kêu ca gì từ bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào.

Người lao động có thể tìm kiếm hạnh phúc từ những điều đa dạng, trong tình yêu, gia đình, sự nghiệp, tiền tài, chứ chưa thấy ai đấm ngực đòi có thêm hạnh phúc từ việc đổi giờ làm bao giờ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img