Khi chọn viết về điện gió, nơi đầu tiên tôi muốn đặt chân đến là tỉnh Quảng Trị, dải đất nghèo trước đây không có gì ngoài nắng và gió nhưng đang trong hành trình đặt nền móng để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Tiếp chúng tôi tại Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, toạ lạc trên đường Hùng Vương (TP Đông Hà), ông Hà Sỹ Đồng - Quyền Chủ tịch tỉnh cho biết, Quảng Trị có dư địa lớn để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, như Thủ tướng Chính phủ đã cho phép.
Khu vực phía tây của tỉnh có độ gió rất lớn, hệ sinh thái chủ yếu đất đồi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thưa thớt nên phù hợp phát triển điện gió. Tỉnh lại có 75km bờ biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây thông với tuyến quốc lộ Đường 9 Nam Lào, nơi gió Tây Nam rất mạnh, có dư địa phát triển thêm điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, địa phương cũng có tiềm năng nhất định để phát triển điện khí LNG, điện mặt trời… “Quảng Trị đã sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng để tiếp nhận trọng trách nói trên”, ông Đồng nói.
Những năm gần đây, địa phương này liên tục có những động thái “dọn tổ đón đại bàng”. Tỉnh đã quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam (đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050) rộng hơn 23.700 ha bao gồm 17 xã thuộc 3 huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Gio Linh; trong đó có Cảng biển nước sâu Mỹ Thuỷ, Trung tâm điện lực và năng lượng… để thu hút dự án đầu tư vào ngành điện.
Ông Hà Sỹ Đồng - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (Ảnh: M. Minh)
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023, riêng điện gió trên bờ và gần bờ, tỉnh Quảng Trị được phân bổ tổng công suất đến năm 2030 là 1.800 MW trên tổng số công suất của cả nước là 3.816 MW (chiếm hơn 47%).
Nhiều dư địa tiềm năng có tính khả thi cao để phát triển điện gió như vậy, song ông Hà Sỹ Đồng cũng thừa nhận, thực tế Quảng Trị vẫn có những trở ngại đáng kể trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Một số nguồn điện chính theo lộ trình của Quy hoạch Điện VIII
Chiếc xe ô tô chạy dọc Quốc lộ số 9 đưa chúng tôi từ TP. Đông Hà xuôi về phía cửa khẩu Lao Bảo để đến huyện Hướng Hoá, huyện miền núi phía Tây được coi là “thủ phủ” điện gió của tỉnh (có 31 dự án/84 dự án của toàn tỉnh).
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, ông Hoàng Anh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 (có tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng/nhà máy, công suất 28,8 MW; tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá) cho biết, hiện cả hai dự án này đang gặp khó khăn chồng chất.
Cụ thể, Nhà máy Hướng Linh 3 đã hoà lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 22/8/2023 và đưa vào vận hành thương mại (COD) ngày 08/02/2024; nhưng đến nay vẫn chưa được bán điện chính thức cho EVN do chưa có biểu giá (vẫn đang chờ đàm phán giá).
Ông Hoàng Anh Sơn trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin bên cạnh Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 (Ảnh: M.Minh)
Trước đó, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, dự án này không kịp tiến độ để được hưởng giá FIT là 8,5 UScents/kWh (khoảng 1.928 đồng/kWh); sau đó phải hưởng giá tạm tính, bằng 50% của mức giá trần 1.593 đồng/kWh áp dụng cho dự án điện gió chuyển tiếp, quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
“Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, thậm chí số tiền 50% tạm ứng mang về chỉ đủ trả chi phí vận hành các tua-bin gió và trả lương kỹ sư nước ngoài. Muốn làm tiếp cũng khó vì theo Thông tư 15 thì các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp sau 2021 phải đàm phán giá, nhưng hiện không có cơ sở nào để đàm phán ”, ông Sơn nói và cho biết, doanh nghiệp đang vô cùng bế tắc vì hơn một năm gửi hồ sơ đàm phán giá lên EVN mà chưa được phê duyệt.
Còn tại dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 4, đã đóng điện từ tháng 9/2024 nhưng khi làm hồ sơ xin chạy thử nghiệm thì lại phát sinh câu chuyện là từ Quy hoạch Điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030) chuyển sang Quy hoạch Điện VIII, tỉnh Quảng Trị được bổ sung 1.200 MW điện gió nhưng không có hướng dẫn chi tiết áp dụng cho những nhà máy nào, nên các nhà máy chưa biết có được bổ sung công suất không phải tạm dừng hoạt động.
Sau đó, doanh nghiệp làm công văn xin ý kiến Sở Công Thương, Sở Công Thương trình UBND tỉnh thì được Tỉnh phê duyệt, đưa vào các điều độ điện lực. Tiếp đó, ngày 27/12/2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phê duyệt bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, bổ sung thêm một số dự án vào, từ đó Hướng Linh 4 mới được thử nghiệm.
“Tuy nhiên, chỉ kịp tranh thủ mấy ngày có gió mùa đông bắc trước Tết để chạy thử nghiệm, sau đó thì hết gió”, Giám đốc điều hành Nhà máy Hướng Linh 4 cảm thán.
Dự án cũ khó khăn như vậy, nhưng muốn đầu tư dự án mới cũng không xong. Ông Sơn cho biết thêm, gần đây doanh nghiệp mang dự án và tài sản trên đất đi thế chấp tại ngân hàng để vay vốn nhưng ngân hàng yêu cầu dự án phải hoà lưới và vận hành thương mại thì mới giải ngân.
“Mắc kẹt” vì giá chuyển tiếp cũng là câu chuyện của Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 1 (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá) và nhiều dự án khác trên địa bàn. Ông Nguyễn Trung Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Hiệp 1 cho biết, dự án được vận hành thương mại hồi tháng 3/2023, không kịp hưởng giá FIT nên cũng chịu chung cảnh áp dụng 50% mức giá tạm tính chứ chưa có giá chính thức.
Đầu tháng 2/2025, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ Công Thương, đề nghị giải quyết các vướng mắc liên quan đến 10 dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; trong đó có 5 dự án điện gió với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, bao gồm: Nhà máy điện gió Chơ Long, Nhà máy điện gió Yang Trung, Nhà máy điện gió Ia Pech, Nhà máy điện gió Phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên.
Theo đó, mặc dù đã hoàn tất công trình xây dựng, nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại do vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai (chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Phát triển Miền núi) và Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai (chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên) cho biết, hai dự án nói trên nằm trong nhóm 5 dự án của tỉnh Gia Lai từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số dấu hiệu sai phạm về năng lực tài chính, giải phóng mặt bằng xảy ra khiếu kiện, chuyển nhượng cổ phần ngay sau khi được cấp phép…
Vị lãnh đạo cho biết, sở dĩ dự án phải bán vốn cho nhà đầu tư Thái Lan (việc bán vốn phù hợp quy định pháp luật) vì trải qua nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng khó khăn kéo dài và không thể huy động được vốn ngân hàng, doanh nghiệp gần như “đã hết ôxy để thở”.
Vị này nói rằng, làm dự án ở khu vực miền núi, dân khiếu kiện đất đai là bình thường, song chủ đầu tư phải tự đàm phán với dân chứ không được địa phương hỗ trợ… Sau đó, tỉnh cũng đã có chủ trương tháo gỡ vướng mắc để dự án được cấp phép hoạt động điện lực, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Trước đó, hồi đầu năm nay, chúng tôi đã có chuyến thực địa đến Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình nằm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - một địa phương cũng khá giàu tiềm năng về điện gió.
Điện gió đang là lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển
Phong điện Thuận Bình gần như là công ty đầu tiên về năng lượng tái tạo ở Việt Nam, thành lập năm 2009 với dự án đầu tay (sau này được Chính phủ lấy làm tiền đề để phát triển chính sách năng lượng tái tạo ở Việt Nam) là Nhà máy Điện gió Phú Lạc, vận hành từ tháng 9/2016. Ngoài đầu tư, vận hành, Công ty này mạnh về cung cấp dịch vụ năng lượng tái tạo như quản lý dự án, phát triển dự án, công tác đào tạo và một số dịch vụ liên quan tới vận hành sửa chữa tua-bin gió, bán tín chỉ carbon...
Hiện tại, Doanh nghiệp đang sở hữu và vận hành 3 nhà máy điện gió là Phú Lạc (giai đoạn 1 và 2) tổng diện tích 400 ha, công suất 50MW; Điện gió Lợi Hải 2 (Ninh Thuận), tổng diện tích 523ha, công suất 28,8 MW, vận hành tháng 10/2021 đồng thời cung cấp giải pháp cho Nhà máy Điện gió Hải Anh (Quảng Trị) hiện đang thi công.
Ông Bùi Văn Thịnh – Tổng giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời tỉnh Bình Thuận (Ảnh: M.Minh)
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Thịnh – Tổng giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời tỉnh Bình Thuận nghẹn ngào xúc động khi kể lại 16 năm làm điện gió của mình.
Năm 2009, ông Thịnh được cử làm đại diện phần vốn góp của EVN tại Công ty Phong điện Thuận Bình khi bắt đầu làm hồ sơ cho dự án Nhà máy Điện gió Phú Lạc giai đoạn 1. Nhưng phải mất tới 6 năm ròng rã, tháng 7/2015 dự án mới hoàn tất công tác chuẩn bị, thu xếp xong tài chính để khởi công xây dựng. Thời gian đó, nhân sự dự án chỉ có ba người, dựng lán ngay cạnh nghĩa trang để ở.
Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ năm 2016, nhưng những năm đầu lâm vào cảnh thua lỗ. Với mức giá bán điện gió là 7,8 Uscent/kWh thời điểm đó, ông Thịnh cho biết năm 2017 bán điện được gần 100 tỷ đồng thì mất 80 tỷ đồng để trả nợ vốn vay và lãi, phần còn lại không đủ cho vận hành, bảo dưỡng và trả lương, không biết bao giờ mới hoàn được vốn. Công ty đã kiến nghị lên Bộ Công Thương và Chính phủ, sau đó, Chính phủ đưa ra cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) mua điện gió lên 8,5 Uscent/kWh.
Mặc dù dự án của mình may mắn được hưởng giá FIT song nhìn vào tương lai phát triển điện gió, ông Thịnh nói rằng với chính sách hiện hành, khó có doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào dự án điện gió mới khi không còn được hưởng giá FIT nữa.
Theo Lãnh đạo Phong điện Thuận Bình, có hai câu hỏi lớn mà các nhà đầu tư điện tái tạo đang phải đối mặt hiện nay: Một là làm ra điện rồi không biết bán được với giá bao nhiêu, hai là có bán được không khi không có đường dây. Ra ngân hàng vay vốn thì ngân hàng cũng hỏi “Nguồn điện này các anh bán được giá bao nhiêu? EVN có mua hết sản lượng này không?”…
“Khi giá bán điện vẫn phải chờ đàm phán, nhà đầu tư sẽ không có cơ sở để đầu tư vào công nghệ và tính toán giá thành”, ông Thịnh băn khoăn.
Đoàn nhà báo trong chuyến thực địa tác nghiệp tại Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình hồi đầu năm 2025 (Ảnh: MERE 2024)
Thậm chí, những dự án điện gió trước đây tưởng là may mắn bắt kịp “chuyến tàu giá FIT” do được vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 thì gần đây đang “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ bị hồi tố giá bán đã được thụ hưởng.
Cụ thể, đầu tháng 3/2025, 27 nhà đầu tư, tổ chức tài chính và đại diện các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã cùng nhau ký đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị không hồi tố giá FIT đã áp dụng đối với 173 dự án điện gió, điện mặt trời.
Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP đối với các công trình điện theo Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII mở rộng, do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 28/4/2023, cơ quan này đã chỉ ra một loạt sai phạm, trong đó có các trường hợp hưởng giá FIT không đúng đối tượng (14 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận); công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư (173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới).
Sau đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo đề xuất các dự án xảy ra vi phạm, không đáp ứng đủ các điều kiện sẽ không được hưởng giá ưu đãi và phải xác định lại giá điện; đồng thời thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ, thanh toán tiền mua điện.
Theo các doanh nghiệp nói trên, nếu giá điện (giá FIT1 lên đến 9,35 cent/kWh (tương đương 2.231 đồng/kWh); FIT2 lên đến 1.692 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh) bị hồi tố về mức giá bằng với các dự án chuyển tiếp: không quá 1.184,9 đồng/kWh, các dự án sẽ bị sụt giá bán điện từ 24-47% so với mức giá mà EVN đang mua; làm cho "gần 100% vốn chủ sở hữu của các dự án bị ảnh hưởng, đe dọa hơn 13 tỷ USD đầu tư".
Đem câu chuyện của những doanh nghiệp nói trên trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tôi đặt câu hỏi với ông Đồng: “Thời gian gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn cho ngành điện nói chung, như Quy hoạch Điện VIII, Luật Điện lực (sửa đổi)…
Những chính sách đó tác động thế nào đến các dự án điện gió của Quảng Trị và trong tương lai, địa phương sẽ tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương chính sách gì để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án?”.
Trả lời, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, các chủ trương chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo được ban hành gần đây cho thấy luật đã rất “mở”, theo hướng khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho các dự án để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, luật “mở” nhưng khâu thực hiện lại chưa “thông”, một trong những lý do quan trọng là cơ chế thực thi đã chú trọng phân cấp, song lại thiếu phân quyền.
Ông Hà Sỹ Đồng là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Trị, người đã từng nêu nhiều đề xuất tháo gỡ cho các dự án điện tái tạo của địa phương tại diễn đàn Quốc hội (Ảnh: M.Minh)
“Trong một số trường hợp, Tỉnh không đủ thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Đồng nhấn mạnh và cho biết, muốn điều chỉnh quy hoạch, cập nhật quy hoạch, địa phương phải liệt kê từng dự án cụ thể theo tiêu chí của Bộ Công Thương rồi trình Bộ Công Thương thẩm định, rà soát, cân đối. Đề xuất 10 có khi được duyệt 2, như thế thì chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Thậm chí, địa phương trình lên trung ương, trung ương lại gửi lại địa phương để điều chỉnh rồi yêu cầu trình lại, lòng vòng, cồng kềnh như thế gây tốn kém thời gian, công sức, tạo nên sức ì của nền kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Đồng, cơ chế giá bán điện cứ loay hoay mãi chưa xong, Thông tư 15 ôm đồm những việc không cần thiết như yêu cầu mọi công đoạn phải xuất hoá đơn. “Chúng ta không thiếu lĩnh vực để thu thuế, vì sao phải đánh thuế sức lao động thời vụ của người nông dân?”, ông nói.
Từ góc độ địa phương một tỉnh được coi là “thủ phủ” điện gió của cả nước, ông Hà Sỹ Đồng kiến nghị một số giải pháp cấp bách:
Trước tiên, cần sớm ban hành cơ chế giá bán điện dựa trên nguyên tắc cho các loại hình điện phát theo giá cạnh tranh, không cần ràng buộc, điều tiết, nắm giữ như trước. Khi để cho giá điện cạnh tranh, đến khi nào điện đáp ứng được nhu cầu phát triển, hài hoà rồi, nhà đầu tư thấy làm điện không còn hiệu quả thì họ sẽ đi làm việc khác.
Thứ hai, cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền về cho các địa phương để họ tự thẩm định dự án, tự triển khai và tự chịu trách nhiệm, trên cơ sở đảm bảo quy hoạch và phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường (ESG). Chính phủ chỉ nên kiến tạo, các quy hoạch nên làm theo hướng mở vì nếu chi tiết quá sẽ khó điều chỉnh khi không còn phù hợp.
Thứ ba, cần nhanh chóng rà soát toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, xung đột để tháo gỡ. Hiện nay các Bộ trung ương còn quản lý quá nhiều, nên chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm quy trình, thủ tục.
Đây cũng là quan điểm của ông Hoàng Anh Sơn, Giám đốc điều hành Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3, Hướng Linh 4. Ông Sơn cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật về điện gió hiện đã khá hoàn chỉnh song cần chú trọng ở khâu thực thi.
Ông Hoàng Anh Sơn - Giám đốc điều hành Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3, Hướng Linh 4 (Ảnh: M.Minh)
Đơn cử, Điều 37 Luật Điện lực (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 khoá XV (cuối tháng 11/2024) có tác động nhiều nhất đến doanh nghiệp, giờ đây phần lớn các công đoạn đầu tư đã có thể thực hiện ở địa phương (trừ xin giấy phép hoạt động điện lực và làm thủ tục vận hành thương mại là phải ra trung ương).
Theo ông Sơn, các quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và các văn bản hướng dẫn cũng cần áp dụng phân cấp phân quyền mạnh mẽ như Luật Điện lực (sửa đổi). Trên thực tế, nếu địa phương có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về việc phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch điện năng của tỉnh thì những dự án như Hướng Linh 4 đã được cấp phép hoạt động sớm hơn.
Về vấn đề rủi ro pháp lý đối với lĩnh vực điện tái tạo hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, mọi ưu đãi trong đầu tư kinh doanh đều phải được duy trì theo đúng cam kết ban đầu. Nếu có thay đổi chính sách mà chính sách đó khiến doanh nghiệp kém thuận lợi hơn thì mức ưu đãi đã cam kết trước đó vẫn phải được bảo đảm. Đây là nguyên tắc cốt lõi trong đầu tư, áp dụng lâu nay cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI (Ảnh: M. Minh)
“Với những chính sách chung còn thiếu rõ ràng hoặc có sai sót từ phía Nhà nước, thì trách nhiệm thuộc về Nhà nước trước tiên, không thể để doanh nghiệp gánh chịu hậu quả”, Luật sư Đức nêu quan điểm.
Cũng theo ông Đức, nếu doanh nghiệp thực sự có sai phạm nghiêm trọng do lỗi của họ thì có thể xem xét xử lý. Tuy nhiên, việc họ đã nỗ lực hoàn thành dự án vượt tiến độ để cung cấp điện cho nền kinh tế thì vẫn xứng đáng được hưởng ưu đãi như đã cam kết.
Hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là vấn đề quan trọng, cấp thiết, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV sáng 21/10/2024, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã chỉ ra ba “điểm nghẽn” lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực; trong đó ông nhấn mạnh thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Cho rằng chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo, gây khó khăn, cản trở việc thực thi; Tổng bí thư nhấn mạnh: "Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ".
Tổng bí thư Tô Lâm (Ảnh: TTXVN)
Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, quốc gia đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, theo khởi xướng của Tổng bí thư Tô Lâm, sẽ khởi đầu từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026.
Tại các Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025, Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 liên quan đến điều hành kinh tế xã hội, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước năm 2025 trên 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Các chuyên gia tính toán, kinh tế cứ tăng trưởng 1% thì nhu cầu năng lượng phải tăng tương ứng 1,5%. Căn cứ các chỉ tiêu nói trên, dự kiến nguồn điện của Việt Nam cần tăng 12-13% trong năm 2025 (khoảng 2.200 – 2.500 MW) và 12-14% trong giai đoạn 2026-2030.
Tỷ trọng các nguồn điện năm 2024 (Nguồn: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)
Mới đây nhất, ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 768/QĐ-TTg Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh).
Theo đó, Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh đã nâng tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước lên 183.291 - 236.363 MW vào năm 2030 và 774.503 - 838.681 MW vào năm 2050, tăng khoảng 30-50% so với mức công suất cũ tại Quy hoạch Điện VIII.
Trong cơ cấu này, năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên mở rộng từ nay đến 2030 (đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36%) và sẽ chiếm tỷ trọng áp đảo vào năm 2050 (74-75%).
Trong đó, đến năm 2030, điện gió trên bờ và gần bờ dự kiến đạt 20.066 - 38.029 MW, gấp 2-3 lần so với mức dự kiến trước đây; điện gió ngoài khơi được điều chỉnh từ mục tiêu 6.000 MW lên 17.032 MW, với khả năng vận hành giai đoạn 2030-2035 nếu điều kiện kỹ thuật và giá thành cho phép. Đến năm 2050, điện gió trên bờ dự kiến đạt 84.696 - 91.400 MW (10,9%), điện gió ngoài khơi đạt 113.503 - 139.079 MW (14,7 - 16,6%).
So sánh một số nguồn điện của Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh (ĐVT: MW)
Cũng theo Quyết định 768, để triển khai thành công quy hoạch mới này, Việt Nam cần huy động khoảng 136 tỷ USD đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải tương đương trong giai đoạn 2026 - 2030; khoảng 130 tỷ USD trong giai đoạn 2031 - 2035 và khoảng 569,1 tỉ USD cho giai đoạn 2036 - 2050.
Đây là những chỉ tiêu rất thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể; trong đó quan trọng nhất là gỡ vướng thể chế, tạo khung khổ pháp lý hoàn chỉnh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian qua chững lại do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do các kế hoạch ban hành chậm. Sau một năm Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt (15/5/2023), thì Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII mới được ban hành (1/4/2024). Bên cạnh đó, việc xử lý và giải quyết các dự án thiếu điều kiện hoặc vi phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (chưa hoàn thành thủ tục xây dựng, vướng mắc về hồi tố giá FIT…) quá chậm; quy định về điện gió ngoài khơi chưa đủ để triển khai…
Để giải quyết câu chuyện “điểm nghẽn” thể chế nói trên, vị chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các quy định giá mua bán điện của các nguồn linh hoạt để hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
“Đặc biệt, cần phải giải quyết nhanh hợp tình, hợp lý các dự án năng lượng tái tạo vướng mắc trong thời gian qua. Đó là câu chuyện 173 dự án vướng mắc trong việc thực hiện giá FIT, chậm thực hiện giá FIT…, có như vậy mới gỡ bỏ được tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Với hàng trăm, hàng nghìn dự án cần được đầu tư trong những năm tới, theo ông Tuấn, việc đàm phán giá cho từng dự án sẽ rất phức tạp. Để giảm gánh nặng cho nhà đầu tư và EVN, ông Tuấn cho rằng nên soạn một “biểu giá FIT mới”, giá FIT linh hoạt để có thể áp dụng hàng loạt, giảm bớt đàm phán và dễ giám sát dễ kiểm tra.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là quốc gia sở hữu tiềm năng điện tái tạo rất lớn, trong đó, điện gió ngoài khơi có tiềm năng ước tính từ 160 GW đến gần 500 GW, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có tốc độ gió ổn định trên 10 m/giây. Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á đối với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.
Tuy vậy, trong báo cáo "Putting renewable energy within reach: Vietnam's high-stakes pivot" (tạm dịch: Chủ động năng lượng tái tạo: Những vấn đề trọng tâm của Việt Nam) phát hành cuối năm 2023, Công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey nhận định, nhiều dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam gặp vướng mắc do quy định chồng chéo và nếu không sớm chuyển sang năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro: Mất điện liên tục, mất lợi thế trong chuỗi cung ứng (do không kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo ngày một tăng của các doanh nghiệp nước ngoài), nền kinh tế bị ảnh hưởng nếu phải chịu thêm thuế carbon và rộng hơn là những rủi ro về biến đổi khí hậu, mất cơ hội vào tay các quốc gia láng giềng…
Trong Báo cáo ngành điện phát hành gần đây, Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng, năm 2025 sẽ là giai đoạn “tái khởi động” của ngành năng lượng tái tạo sau khoảng ba năm ảm đạm, trong đó phát triển điện gió sẽ là xu hướng chủ đạo từ nay đến năm 2030.
Theo MBS, trong bối cảnh chỉ còn 6,5 năm để hoàn thiện nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch Điện VIII, giai đoạn 2024-2025, hàng loạt cơ chế chính sách đã được thông qua để thúc đẩy ngành điện, trong đó, Luật Điện lực sửa đổi đóng vai trò như một hành lang pháp lý tổng thể của ngành, bao quát được các chính sách lớn về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực và phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Đối với các dự án đang vướng mắc, MBS cho rằng thông tin quan trọng là cơ chế đàm phán điện trực tiếp (DPPA) đã chính thức được ban hành trong năm 2024. Kết quả tính toán sơ bộ khung giá mới cho điện gió cũng đã được EVN trình lên Bộ Công Thương vào cuối năm 2024, có thể kỳ vọng sẽ sớm có khung giá điện gió trong năm 2025.
Ông Bùi Văn Thịnh – Tổng giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình nhấn mạnh, cái thiếu duy nhất của các dự án điện tái tạo hiện nay chính là thể chế. Nhưng vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ rất quyết liệt phát triển năng lượng tái tạo. Sau bao nhiêu năm chúng ta mới công bố được Quy hoạch Điện VIII, rồi Luật Điện lực điều chỉnh ra Quốc hội được phê duyệt ngay tại một kỳ họp, và hàng loạt quyết sách liên quan đến điện hạt nhân, đến đường dây, giá điện…
“Tôi cho rằng với sự quyết liệt hiện nay của lãnh đạo các cấp từ Đảng và Chính phủ, năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ cất cánh, vì nguồn lực này đã bị “ngủ quên” quá lâu”, ông Thịnh nói.