Tưởng Quảng Bình chỉ có Đá Nhảy, giờ phát hiện cả “điện nhảy” thì quả là lạ. Không chịu kém cạnh, Quảng Ninh cũng “điện nhảy” khiến người dân băn khoăn, không hiểu vũ điệu này còn “lan tỏa” đến những địa phương nào trong khi túi tiền con dân ngày càng mỏng.
Ảnh minh họa
Trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài giời có những ngày lên tới hơn 40 độ C, “không có điện chắc chết”. Đó là điều đơn giản ai cũng hiểu. Dù được “giảm trừ” hậu Covid-19, nhưng mấy tháng qua, nhà ai cũng nơm nớp khi “ông điện” thông báo chỉ số sử dụng và số tiền phải đóng. Khung giá, cách tính lũy tiến nhà nào nhà nấy thuộc như lòng bàn tay để cân đối, tiết kiệm, hạn chế “vượt mốc”, bớt đồng nào quý đồng đó trong thời buổi khó khăn này.
“Không có điện chắc chết”, xin thưa, chưa hẳn. Điện phập phù chỉ “nóng trong người” thôi, chứ “điện nhảy” như ở Quảng Ninh, Quảng Bình thì có khi choáng mà “chết thật”. Khá khen “bản lĩnh” của bà Gái và anh Dũng khi “ông điện” nhảy vọt 30-33 lần. Số tiền điện trong 1 tháng lên gần trăm triệu. Phải tôi, yếu bóng vía, tim bẩm sinh, tiền đình cận kề, gặp đúng lúc ví “thủng”, nghe con số ấy, kinh hoàng, cầm chắc xỉu!
Chả là trong khi thực tế số tiền điện 1 tháng (từ 15/5-15/6) của gia đình bà Đào Thị Gái, 74 tuổi (ở thôn 7, xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh)chỉ là 368.335 đồng nhưng gia đình nhận giấy báo số tiền phải nộp đội lên tới 90 triệu đồng, gấp 30 lần! Quá bất ngờ, bà Gái kiến nghị lên tổng đài chăm sóc khách hàng của tổng công ty Điện lực miền Bắc về sản lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến. Tiếp nhận thông tin, Điện lực Vân Đồn đã cử đoàn công tác phối hợp với gia đình tiến hành kiểm tra đồng hồ đo đếm điện năng, đo chỉ số thực tế. Kết quả, 31 ngày đó, gia đình chỉ sử dụng 200kWh, số tiền phải trả là 368.335 đồng.
Nghe đâu, công ty Điện lực Quảng Ninh đang ráo riết vào cuộc. Bước đầu, ông Lưu Sơn Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn bị tạm đình chỉ công tác,do liên quan đến vụ việc “nhầm nhọt” này. Sau sự cố, công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ điện tử bằng thiết bị cầm tay HHU.Cơ quan chức năng nhận định do thời tiết ngày 15/6 tại Quảng Ninh có mưa dông, tín hiệu không đảm bảo đã khiến cho việc cập nhật chỉ số và lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác?!
Cùng thời điểm, anh Trần Việt Dũng, trú tại TP.Đồng Hới, Quảng Bình, trong tháng 6, Điện lực Đồng Hới tính tổng mức lượng tiêu thụ điện của hộ anh nhảy vọt, số tiền phải trả là 58,5 triệu đồng. Trong khi đó, tháng 5, hộ anh chỉ trả 489.000 đồng (tăng hơn 33 lần).Sau khi có kiến nghị của khách hàng, Tổng công ty Điện lực Miền Trung yêu cầu công ty Điện lực Quảng Bình kiểm tra xác minh lại việc tiêu thụ lượng điện của khách hàng Trần Việt Dũng. Và sau khi kiểm tra, tính toán lại, hộ anh Dũng chỉ phải trả khoảng 500.000 đồng cho tiền điện tháng này. Công ty Điện lực Quảng Bình đã xác nhận sai sót và đến xin lỗi khách hàng. Nguyên nhân ban đầu xác nhận do nhân viên điện lực đã ghi nhầm các con số…
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện mới đây, trước thông tin hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ, bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.
Còn người dân chúng tôi, chỉ mong ngành điện sát sao, thu đúng, thu đủ, thu hợp lý. Nếu có mưa dông hay nhầm lẫn, phát hiện bất thường, cần kiểm tra, xem xét trước khi thông báo tiền điện cho dân, tránh những khách yếu tim, ít tiền bị “choáng”, sốc.
Minh Phượng *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.