img
Cẩm Mịch - Di Hân

Đến hẹn lại lên, khi mùa Xuân vẫn còn lưu luyến với núi rừng làng bản không nỡ dứt lòng rời đi, người Hà Nhì tại thôn Kin Chu Phìn giữa lưng chừng đất trời Tây Bắc lại náo nức đón Tết Gạ Ma O truyền thống với những quả trứng nhuộm hồng mang theo những lời may mắn cầu chúc cho trẻ em và gia đình.

Giữa đại ngàn ấy có một mùa xuân khác

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Chúng tôi đến thôn Kin Chu Phìn 2 (Nậm Pung, Bát Xát, Lào Cai) đúng dịp những nếp nhà người Hà Nhì đang tưng bừng chuẩn bị cho Tết cổ truyền, Tết Thiếu nhi.

Sinh sống giữa đại ngàn mênh mông, người Hà Nhì trong các bản làng có tính cộng đồng sâu sắc, được gắn kết chặt chẽ với nhau bởi tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời.

Thôn Kin Chu Phìn 2 có 90% là đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Những ngày này, mọi gia đình trong khắp thôn bản đều miệt mài chuẩn bị những món ăn truyền thống và thực hiện các nghi lễ với mong ước mưa thuận, gió hòa, cầu bình yên, no ấm.

Chúng tôi dạo một vòng quanh thôn Kin Chu Phìn 2, ngỡ ngàng trước vẻ nguyên sơ bàn cổ của miền Tây Bắc, phóng khoáng mà lãng mạn, kì vĩ mà nên thơ, những nếp nhà với vách đất trình tường lấp ló sau cánh tay vững chãi của núi rừng làm bất cứ ai dù khó tính cũng phải khựng lại mà thốt lên những lời trầm trồ.

Mảnh đất ấy có ngày lễ đặc trưng cùng món bánh giầy truyền thống được những người phụ nữ giã thật nhuyễn, sau đó, cất trữ trong những mẹt, thúng nhỏ. Bánh có thể được thưởng thức “nóng hổi” khi vừa hoàn thành, hoặc cũng có thể thưởng thức trong suốt vài ngày Tết.

Ngồi trong nhà tranh cổ, hít hà mùi thơm bùi từ những chiếc bánh giầy được nướng bên bếp lửa, nghẹn ngào vị ngọt mật rừng quả thực cảm thán hay mĩ thực nhân gian.

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Trò chuyện với chúng tôi trong gian bếp ấm cúng, ông Lý Gì Mờ, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Pung (Bát Xát, Lào Cai) bắt đầu chia sẻ: “Đối với đồng bào Hà Nhì thì có nhiều dịp lễ Tết, nhưng đây được xem là một trong những dịp quan trọng nhất. Từ trước đó mấy ngày, bà con trong bản đều nhộn nhịp cùng nhau sắm sửa, chuẩn bị những món ăn, cùng làm bánh rất vui vẻ. Người lớn làm lễ của người lớn, trẻ con cũng đón Tết của trẻ con. Ấy chính là ngày Tết Thiếu nhi, ngày thể hiện sự quan tâm của người lớn đối với những trẻ, với mong muốn xua đuổi bệnh tật, cầu chúc cho con trẻ trong thôn bản có sức khỏe, học hành thật tốt... Đây là truyền thống tốt đẹp của đồng bào Hà Nhì. Chúng tôi luôn lưu giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này”.

Ngày đầu tiên của Tết Gạ Ma O, cả thôn tập trung vào những nghi lễ chung. Anh Lý Cà Go (SN 1989) chia sẻ: “Tết Gạ Ma O của chúng tôi thường kéo dài khoảng một tuần, với nhiều phần lễ khác nhau, cứ một ngày làm lễ lại nghỉ một ngày. Đây là văn hóa truyền thống của dân tộc, đến nay, gần như vẫn giữ được nguyên bản những nghi lễ, phong tục từ thời cha ông truyền lại.

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Ngày đầu tiên đón Tết, thanh niên trai tráng sẽ đi “cấm bản”, những ngày này, người dân trong bản hay khách đến chơi đều không được mang vác vật nào trên vai hoặc đầu. Bởi, theo quan niệm, cả năm, người dân tộc Hà Nhì đều phải làm lụng vất vả, kiếm củi và làm những việc khác trên vai, trên đầu, nếu ai phạm luật sẽ bị cả bản phạt...”.

Rất nhiều những nghi lễ quan trọng khác như cúng bản, cúng rừng, cúng thần mùa màng, cúng mó nước, cúng thần sét, thần lửa... với những ý nghĩa thiêng liêng khác nhau trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì, cũng được thực hiện trong ngày đầu tiên.

Rộn ràng ngày Tết Thiếu nhi

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Không khí của Tết Thiếu nhi chẳng đợi ai, cứ thế gõ cửa sớm hơn cả dự định, niềm háo hức hân hoan hiện lên trong mắt con trẻ, chúng nô nức chạy ùa ra thôn như đàn chim non vỡ tổ.

Trước mắt những người vốn quen với hình ảnh những đứa trẻ công nghệ, chúng tôi ngỡ ngàng trước những khuôn mặt ngây thơ, thánh thiện. Những bộ quần áo truyền thống đủ sắc, những chiếc vòng bạc leng keng trên đôi chân trần thơm mùi đất đỏ, chúng í ới réo tên nhau bằng tiếng của người Hà Nhì độc đáo.

Với người lớn, mọi thứ thư thả hơn, phải đến sáng ngày thứ ba của Tết Gạ Ma O, thôn Kin Chu Phìn 2 mới chính thức đón Tết Thiếu nhi. Từ sáng sớm, mỗi gia đình trong thôn chuẩn bị một một mâm cơm mang đến sân nhà trưởng thôn hoặc trưởng họ để làm Tết Thiếu nhi. Mỗi mâm cơm gồm các món đặc trưng nhưng không cầu kỳ, chủ yếu từ nông sản người dân tự nuôi trồng, tự chế biến như: thịt gà, lạc rang, đỗ tương, trứng rán, rau cải luộc, bí đỏ luộc, khoai lang luộc, khoai sọ, khoai tây, xôi nếp, rượu trắng và hoa. Số lượng món ăn mỗi gia đình chuẩn bị sẽ là số chẵn, và phải ít hơn số lượng món trong mâm cỗ của trưởng thôn, phó thôn.

Theo phong tục, chỉ những đàn ông có vợ (trong gia đình không có người chết trong vòng 3 năm) mới được tham gia phần lễ cúng này. Thầy cúng và đại diện các gia đình làm lễ trước mâm thờ, cầu cho trẻ con trong thôn bản luôn khỏe mạnh, xua tan bệnh tật, học hành tiến bộ.

img

Sau đó, những người đàn ông ngồi tại mâm cỗ của gia đình mình, lần lượt chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng thưởng thức cỗ Tết và trò chuyện. Thôn Kin Chu Phìn 2 vốn thường xuyên được nhiều du khách ghé thăm, bởi cảnh sắc nên thơ giữa núi rừng, với những đặc trưng văn hóa và ẩm thực đặc sắc. Chính vì thế, cũng không ít du khách trong nước và quốc tế muốn được trải nghiệm bản sắc văn hóa trong dịp Tết này.

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Phụ nữ và trẻ em sẽ thưởng thức những mâm cỗ trong nhà, cùng uống nước ngọt và tiếp nối những câu chuyện dịp đầu năm. Một mâm cỗ dành cho các bà, các mẹ được đặt ngay cạnh bếp lửa, nơi vốn mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng và rất quan trọng trong đời sống của người Hà Nhì. Các con, các cháu sẽ lần lượt đến “chào” mâm, cảm ơn các bà, các mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng.

Kết thúc bữa trưa bên những mâm cỗ đậm hương vị truyền thống, trẻ em thường tụ họp trước những “ngôi nhà nấm”, tíu tít khoe nhau những giỏ trứng sặc sỡ của mình và nghe những anh chị lớn hơn kể chuyện.

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

“Người lớn làm lễ của người lớn, trẻ con cũng đón Tết của trẻ con. Ấy chính là ngày Tết Thiếu nhi, ngày thể hiện sự quan tâm của người lớn đối với những trẻ, với mong muốn xua đuổi bệnh tật, cầu chúc cho con trẻ trong thôn bản có sức khỏe, học hành thật tốt...”.

Trong ngày Tết Thiếu nhi, các bài hát, điệu múa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Hà Nhì cũng được ôn lại, như lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ, cùng gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tết Gạ Ma O nói chung, hay Tết Thiếu nhi nói riêng của người Hà Nhì mang giá trị giáo dục sâu sắc, không chỉ là môi trường giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc người, mà còn tạo sự cố kết bền chặt của cộng đồng, với ước nguyện của bà con về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, ước nguyện cho con cháu thật khỏe mạnh, thông minh.

Mỗi buổi chiều, khi không còn tất bật với nghi lễ, cỗ bàn, những người phụ nữ Hà Nhì thường quây quần bên đống lửa, vừa tỉ tê những câu chuyện vãn, vừa nhâm nhi những nõn bắp cải tươi non, như một thức quà dân dã. Vòng tròn rộn rã tiếng cười với những câu chuyện rôm rả như xua tan cái lạnh của tiết trời vùng cao Tây Bắc đang lùa về mỗi lúc một đậm đà hơn khi Mặt Trời dần xuống núi.

Nhuộm đỏ trứng, nhuộm đỏ sắc màu truyền thống Hà Nhì

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Tết Thiếu nhi được người Hà Nhì tổ chức sau Lễ cúng rừng, vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Hai âm lịch tại nhà trưởng họ hoặc nhà thầy cúng với mong muốn xua đuổi bệnh tật, cầu mong cho con trẻ khỏe mạnh, học tốt.

Từ sáng sớm, các gia đình đã tất bật với rất nhiều nguyên vật liệu để chuẩn bị những món quà vừa gần gũi vừa ý nghĩa cho trẻ nhỏ.

“Những giỏ trứng sặc sỡ sắc màu thường hàm ý mang theo những sắc hoa cỏ mùa Xuân, mang theo may mắn đến với lũ trẻ, đến với cả gia đình, cầu một năm mới tươi tốt, bình an”.

Nhìn theo bước chân trẻ nhỏ, ông Lý Gì Mờ vui vẻ kể về phong tục quê mình, rằng cứ vào dịp Tết Thiếu nhi hằng năm, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị những quả trứng, luộc chín trên bếp lửa rồi vớt ra, nhuộm màu khi trứng còn “nóng hổi”.

Những quả trứng được nhuộm với những màu sắc sặc sỡ đã se lại, nằm nổi bật trên chiếc mẹt tre.

Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, anh Lý Cà Gi (SN 1996) cũng tỏ ra phấn khởi hơn bao giờ hết khi nhắc đến ngày Tết Thiếu nhi: “Cứ dịp Tết Thiếu nhi là mỗi nhà luộc đến khoảng 30 quả trứng, tùy theo nhà đó có đông trẻ con hay không. Nếu là trẻ con nhà hàng xóm, hoặc nhà anh em họ hàng ghé chơi, chúng tôi cũng tặng mỗi cháu 1, 2 quả.

Cầm trên tay những quả trứng với màu sắc “bắt mắt”, ông Lý Gì Mờ tiếp tục câu chuyện: “Đây là một món quà của bố mẹ, ông bà dành tặng cho các con, các cháu của mình, được xem như một món quà lì xì trong dịp Tết cho lũ trẻ. Chúng tôi thường đan những chiếc giỏ tre nho nhỏ rồi bỏ những quả trứng vào trong, buộc dây lại và trao cho các con. Đứa trẻ nào cũng háo hức đến Tết Thiếu nhi hàng năm để diện quần áo mới, để nhận những giỏ trứng đẹp và tung tăng đi chơi với các bạn. Đặc biệt, với những quả trứng đã được luộc chín, khi các con đang nô đùa mà cảm thấy đói, có thể bóc trứng ra ăn cùng với nhau. Vậy là năm mới không lo bị đói...”.

Những giỏ trứng sặc sỡ sắc màu thường hàm ý mang theo những sắc hoa cỏ mùa Xuân, mang theo may mắn đến với lũ trẻ, đến với cả gia đình, cầu một năm mới tươi tốt, bình an. Đứa trẻ nào kiên nhẫn thì sẽ giữ được giỏ trứng an toàn để chơi đến hết mấy ngày Tết, còn đứa trẻ nào “háu ăn”, thì có khi chỉ được vài tiếng là trứng trong giỏ đã không còn.

img

Thường thì những đứa trẻ từ dưới 12, 13 tuổi sẽ rất mong chờ và thích thú với những quả trứng đẹp màu này, còn qua độ tuổi ấy, chúng lại thường bị thu hút bởi những trò chơi dân gian nhiều hơn...”.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng để giới thiệu những trò chơi vốn quen thuộc, gắn bó với một vùng trời tuổi thơ của anh, anh Lý Cà Gi đưa chúng tôi vào miền kí ức của bà con nơi đây, cho chúng tôi chiếc vé khứ hồi quay trở lại tuổi thơ dữ dội với cà kheo, nhảy que, kéo co bằng những que tre lạ mắt.

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Xa xa, phía trên những triền ruộng bậc thang thoai thoải, có một bãi đất trống nho nhỏ. Hàng chục cậu bé, tuổi độ từ 6 đến 15 đang lao mình theo những đường bóng trong tiếng hò reo bằng tiếng Hà Nhì, mà chúng tôi ngầm hiểu là “Cố lên! Cố lên!”...

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

Trẻ em là thần phúc lộc, là những điều tuyệt vời mà núi rừng ban tặng. Trong mắt trẻ con, thế giới không chỉ có 7 kỳ quan mà có đến hàng triệu kỳ quan lý thú cần khám phá.

Ánh chiều vội vã bao phủ lên những tán cây trước sân nhà, cũng là lúc người dân bản địa chia tay những vị khách thập phương đã ghé thăm thôn bản và tham gia trải nghiệm.

Chia tay Kin Chu Phìn 2 trong tiết trời giá lạnh, chúng tôi không khỏi quyến luyến với hơi ấm được toát ra từ những mái nhà trình tường ngày Tết Thiếu nhi.

Chắc chắn, những hương vị Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì nơi đây sẽ luôn là một dấu ấn đẹp trong lòng du khách, bởi đó cũng là nét văn hóa truyền thống với sức sống từ bao đời nay.

Độc đáo tục nhuộm đỏ trứng ngày Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì

C.M - D.H

img