Giữa những ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lương, SN 1947, trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, vợ của Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền. Chiến tranh đã lùi xa, vết thương lòng cũng đã nguôi ngoai phần nào nhưng ký ức về tình yêu của bà Lương đối với chồng vẫn nồng nàn như xưa. Lật lại những dòng ký ức đó, người phụ nữ này rưng rưng nước mắt.
Chàng trai Nguyễn Văn Kiền, SN 1944, quê ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, anh công tác ở một công ty Trung chuyển lương thực trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 1969, chàng trai Nguyễn Văn Kiền gặp và quen cô gái xinh xắn Nguyễn Thị Lương, là nhân viên xí nghiệp cơ khí Trần Phú, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An ở lớp học chi uỷ viên.
Ảnh vợ chồng bà Nguyễn Thị Lương khi còn trẻ
Từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, chàng trai Nam Cát đã có cái nhìn cảm mến cô gái đẹp người, đẹp nết, năng động này. Sau vài lần gặp gỡ, anh Kiền chủ động ngỏ lời yêu chị Lương. Yêu nhau được 7 tháng thì chàng trai trẻ xin phép gia đình cưới người mình yêu. Đám cưới được tổ chức đầm ấm dưới sự chúc phúc của hai bên gia đình nội ngoại, bạn bè,...
Những bức ảnh thời trẻ của vợ chồng được bà Lương cất giữ, nâng niu
Tuy nhiên, vợ chồng chưa kịp bén hơi nhau, người chồng trẻ lên đường nhập ngũ. “Thật may mắn, trước khi nhập ngũ, tình yêu của chúng tôi đã kịp đơm hoa kết trái. Bởi thời điểm đó tôi đã mang thai con đầu lòng, cũng là giọt máu duy nhất của anh Kiền. Trước khi lên đường ra Thanh Hoá, anh có dặn tôi nếu anh đi 10 năm chưa về, em lấy ai thì lấy. Tôi giận lắm. Tôi nói lại với anh đời em chỉ lấy một lần chồng, anh cứ yên tâm chiến đấu và sớm trở về”, bà Lương nghẹn ngào nói.
Theo bà Lương, cứ thời gian rảnh rỗi hoặc lên đường hành quân đi nơi khác là chồng tranh thủ viết thư động viên vợ con cố gắng chờ ngày gia đình đoàn tụ . Trong thư của người lính trẻ cũng bày tỏ sự nhớ nhung vợ con đến phát khóc.
“Em à, đến nay anh tính con sinh được một tháng ba ngày. Anh cứ mong sao cho mẹ con khoẻ, đến khoảng 3,4 tháng em chụp ảnh gửi cho anh. Anh nhớ con quá đi, có khi đang làm việc sực nhớ con ở nhà đã được hơn 1 tháng rồi lại phải sang nhà bên bồng con người ta cho đỡ nhớ. Có khi ban đêm nhớ con mà phát khóc,..”,trích thư liệt sỹ Kiền gửi vợ khi con mới hơn 1 tháng tuổi.
Đến khi con được 5 tháng tuổi, anh Kiền khi hành quân vào miền Nam chiến đấu có ghé qua nhà thăm vợ con. “Đó là khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi. Thấy cô giáo giữ con bị một vết lác ở tay, anh cũng đi tìm thuốc chữa bằng được để khỏi lây con. Anh thương con lắm. Anh thường hay dặn đùa con là ở nhà giữ mẹ cho bố nhé,… Đó có lẽ lời thời khắc hạnh phúc nhất của gia đình tôi”, bà Lương nhìn về xa xăm nói.
Bà Lương xúc động khi kể về mối tình của mình với liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền
Giữa lúc mưa bom, bão đạn, người lính trẻ mang trên mình trọng trách lớn lao luôn khao khát được sống cuộc sống yên bình bên vợ con, được chăm sóc, được ôm ấp con.
“Con ơi! Con ạ! Ba rất muốn sống gần con, để nuôi con, để chăm con, để con mau lớn, cho con ngoan nhưng không thể được. Ba phải đi đánh Mỹ con nhé, con ngoan.
Lương em yêu! Anh thương em nhiều, nhớ em nhiều nhưng chẳng biết làm sao. Anh biết cuộc sống ngày nay em khác hẳn ngày xưa, hồi đương là con gái tung tăng bay nhảy,…Bây giờ thì không được, con nó khóc, nó giữ lấy chân không cho mẹ rời một bước. Thực tế mà nói em rất vất vả. Cái cảnh nuôi con mọn thì anh không lạ gì nữa. Anh biết em rất khổ. Em à! Cái nguồn động viên lớn nhất của chúng ta lúc này là ai? Là đứa con gái đầu lòng của chúng ta đó. Anh vui vẻ, anh phấn khởi, yên tâm công tác, lên đường vào đánh Mỹ. Chính là đứa con đầu lòng đã thôi thúc anh vượt qua chông gai, mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ. Mai sau trở về sẽ hôn con, gần em được thoải mái.
Những bức thư của liệt sỹ gửi về được bà Lương cất giữ cẩn thận
Chẳng ai muốn xa vợ, xa con làm gì. Anh cũng muốn thực hiện ước mơ của cái hạnh phúc vợ chồng,…Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương, cố gắng công tác đảm nhiệm nuôi con thay anh. Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan đợi ngày hết giặc anh về sum họp” trích thư liệt sĩ Kiền gửi vợ con.
Lời hẹn của anh Kiền đang còn dang dở, ước mơ về ngày đoạn tụ gia đình đã không còn nữa. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Kiền đã anh dũng hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại tỉnh Tây Ninh.
“Ngày mai hoà bình rồi mà hôm nay anh lại hy sinh. Thời điểm tôi nhận được giấy báo tử của chồng là vào năm 1976. Tuy nhiên, tôi vẫn không tin chồng mình đã hy sinh. Tôi luôn hy vọng một ngày nào đó chồng sẽ quay về. Nhìn thấy ai giống anh là trong lòng tôi cứ thổn thức mãi. Tôi cứ hy vọng vì có nhiều người nhận giấy báo tử nhưng sau đó chồng lại trở về.
…Yêu nhanh, lấy nhanh nhưng tôi lại mất cả đời để nhớ về anh. Mình còn được sống với con, anh thì hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Tôi quyết định không đi thêm bước nữa, nguyện thuỷ chung với tình yêu của anh, nuôi con gái khôn lớn,..” bà Lương nghẹn ngào nói.
Theo bà Lương mối tình của bà yêu nhanh, cưới nhanh nhưng phải mất cả đời để nhớ
Vì thương yêu vợ nên trong quá trình đi chiến đấu ở miền Nam ông đặt lại tên lót là Nguyễn Lương Kiền. Cũng vì thế, gia đình mãi không không thể tìm được mộ ông. Năm 2008, khi đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Viết Quản, ở Quận 6, Tp.Hồ Chí Minh, cùng tiểu đội với liệt sỹ Nguyễn Kiền lặng lẽ đi tìm hài cốt của những đồng đội đã từng chiến đấu với mình khi xưa. Ông Quản đã dành toàn bộ lương hưu để đi tìm hài cốt đồng đội của mình. Đến thời điểm hiện tại, ông đã tìm được 120 hài cốt của đồng đội và đưa hàng chục ngôi mộ liệt sỹ về quê nhà.
Bà Lương và người thân vào thăm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền trong Tây Ninh
“Thời còn chiến đấu với nhau, chúng tôi với một lời nguyện ước: “Nếu sau này đất nước thống nhất, ai là người còn sống, nhớ đi tìm người đã mất đưa về quê cha, đất tổ”. Vì vậy sau khi nghỉ hưu tôi đã lên kế hoạch tìm mộ đồng đội. Khi tìm được mộ của liệt sỹ Kiền nhưng thông tin trong hồ sơ ở Quân khu 7 và thông tin ở trên mộ không khớp. Bởi vì thương nhớ vợ nên anh Kiền đã đổi tên mình từ Nguyễn Văn Kiền thành Nguyễn Lương Kiền nên công tác xác minh gặp khó khăn. Năm 2009, mộ của liệt sỹ Kiền được đưa về quê nhà”, ông Quản chia sẻ.
Niềm an ủi nhất đối với bà Lương có lẽ là đã sau 35 năm tìm kiếm đã đưa được hài cốt chồng. Những lúc khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, bà Lương mang những lá thư của chồng gửi về ra đọc, ôm những tờ giấy mỏng đó mà khóc. Những dòng chữ nhoè đi trong nỗi đau của vợ người lính.
Sự hi sinh của liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền đã đóng góp một phần xương máu cho nền độc lập của đất nước. Nhiều người cảm phục trước đức hi sinh của bà Lương, người phụ nữ này thủ tiết thờ chồng và một mình nuôi con khôn lớn. Hiện tại bà Lương đang sống cùng vợ chồng người con gái ở Tp.Vinh. Những lá thư của chồng bà xem như tài sản vô giá của mình. Trải qua thời gian, không ít lá thư và vỏ thư bị nhòe chữ, còn màu giấy đã ố vàng.
Thân nhân, gia đình Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Quân khu 4.
Ngày 14/7, các kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Văn Kiền được thân nhân, gia đình liệt sỹ trao tặng gồm 10 bức thư mà liệt sỹ Kiền viết trong quá trình chiến đấu ở chiến trường gửi về cho vợ và con gái ở quê nhà. Những bức thư có nội dung về những khó khăn vất vả trong quá trình chiến đấu của người lính, có giá trị lịch sử sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Những bức thư này đã được người vợ liệt sỹ Nguyễn Thị Lương lưu giữ suốt 48 năm qua.
H.H
NGUOIDUATIN. |