Ngày 20/3, bộ Y tế xác nhận Việt Nam có 2 ca Covid-19 thứ 86 và 87 là hai nữ điều dưỡng của bệnh viện Bạch Mai. Đây là những nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam mắc Covid-19. Tiếp theo những ngày sau đó, liên tiếp là các ca bệnh có liên quan đến bệnh viện Bạch Mai là nhân viên cung cấp nước sôi của công ty TNHH Trường Sinh…
Nhận định tình hình Bạch Mai là “điểm nóng” của dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại, bộ Y tế đã có văn bản đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã khám chữa bệnh, thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong thời gian từ ngày 12/3/2020 đến nay thực hiện ngay khai báo y tế…
Vài ngày sau khi thực hiện quy định cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ và được lắng nghe những chia sẻ của một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang trực tiếp điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.
Bà N.T.H, có người nhà đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Người nhà tôi bị bệnh thận nên tôi lên chăm sóc đã hơn 20 ngày nay. Trong quá trình chăm sóc người nhà, bệnh viện thông báo có ca dương tính Covid-19 tại viện, tôi ban đầu cũng lo lắng, nhưng được tuyên truyền, hướng dẫn, lấy mẫu xét nghiệm, cùng với đó đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện rất quan tâm, động viên nên tôi càng vững tin. Dù đang ở trong tâm dịch nhưng tôi, với tư cách là người nhà của bệnh nhân vẫn đồng lòng, vững trí cùng mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch”.
Còn bệnh nhân K.A., đang điều trị tại bệnh viện cũng bày tỏ: “Nghe tin bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch ai ban đầu cũng lo, nhưng các y bác sĩ tận tình, rồi được tuyên truyền đảm bảo phòng, chống dịch nên chúng tôi đã bớt lo lắng. Yên tâm điều trị bệnh, đồng thời chúng tôi luôn luôn ủng hộ, đồng hành cùng bệnh viện trong cuộc chiến chống đại dịch này”.
Chia sẻ với PV về tinh thần, ý chí và cảm xúc của đội ngũ bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, của bệnh nhân tại bệnh viện lúc này, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tình trạng trong bệnh viện vẫn bình ổn, bệnh nhân yên tâm điều trị, được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện, tinh thần hiện tại của toàn bộ nhân viên bệnh viện rất ổn định, vững vàng, chưa có ai nao núng.
“Chúng tôi cũng như tất cả mọi người, mong muốn nhận được sự sẻ chia từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân và xã hội. Sự chia sẻ của mọi người giúp chúng tôi có thêm sức mạnh, niềm tin vững chắc để vượt qua khó khăn này”, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ.
Những người bệnh, người nhà bệnh nhân, các y bác sĩ đang trong tâm dịch Bạch Mai đều cho hay họ ổn và rất cần sự đồng hành, động viên của mọi người trong cuộc chiến chống dịch.
Là người trực tiếp tham gia, chăm sóc những bệnh nhân nhiễm SARS năm 2003, đơn vị công tác cũng ngay phía mặt sau của bệnh viện Bạch Mai, ThS. Phạm Thị Ngọc Dung, nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng, (hiện là chuyên gia về điều dưỡng tại bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương) cũng bày tỏ: “Cá nhân tôi cũng làm trong ngành y, rất chia sẻ với cán bộ, nhân viên y tế trong tâm dịch bệnh viện Bạch Mai.
Chúng tôi cũng đã trải qua việc cách ly tại chỗ làm phục vụ bệnh nhân, ai cũng xác định phải đối đầu trực tiếp với bệnh nhân, ở lại làm việc, cách ly làm sao an toàn cho mình, cho gia đình, cho cộng đồng. Còn ổ dịch bệnh viện Bạch Mai, hiện tất cả các cấp, các ngành đều vào cuộc chống dịch, tôi rất đồng tình với các chủ trương Chính phủ, TP.Hà Nội, bộ Y tế đưa ra..
Đồng thời, tôi cũng mong các đồng nghiệp ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương, các cơ sở y tế trong cả nước quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để khống chế được dịch bệnh càng nhanh càng tốt, giảm tỉ lệ lây lan ra cộng đồng”.
ThS. Phạm Thị Ngọc Dung cũng chia sẻ thêm: “Hàng ngày, nghe thông báo không có ca nhiễm mới, nhiều bệnh nhân được ra viện thì đó là một tin mừng nhất. Chúng tôi rất chia sẻ, đồng thời động viên tất cả cán bộ, đồng nghiệp của bệnh viện Bạch Mai cùng nhau đồng lòng, yên tâm vững bước tham gia khống chế dịch bệnh, nhớ rằng luôn luôn bảo vệ sức khoẻ của mình, tuân thủ phòng tránh lây nhiễm khi tiếp xúc với nguồn nghi nhiễm hoặc nguồn bệnh”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng đã gửi những lời động viên đến các y bác sĩ trong ngành đang nỗ lực hết mình, chiến đấu tại “ổ dịch” Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai.
“Tất cả mọi việc, cả người dân và Ban lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai, cũng như những người làm y tế đều không muốn dịch bệnh xuất hiện tại bệnh viện. Nỗi lo thì chắc chắn có, bởi bệnh viện Bạch Mai gần như là lực lượng chính điều trị số bệnh nhân nặng ở toàn miền Bắc. Là người cùng ngành, là đồng nghiệp, tôi thấu hiểu được những nỗi suy tư, thậm chí đã có những kỳ thị đối với những y, bác sĩ tại bệnh viện lúc này”, Bác sĩ Khanh nói.
Chia sẻ thêm về những lời động viên gửi đến những người đồng nghiệp đang ngày đêm chiến đấu, Bác sĩ Trương Hữu Khanh bày tỏ sự tin tưởng rằng bệnh viện Bạch Mai sẽ vượt qua được khó khăn này: “Lãnh đạo cùng y, bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã và đang làm rất tốt công tác khám, chữa bệnh, vừa trở thành người thân, chăm cho bệnh nhân từng bữa ăn giấc ngủ vào thời điểm đại dịch này. Tôi tin rằng, nhân viên y tế toàn quốc lúc nào cũng hướng về Bạch Mai, và tin tưởng rằng bệnh viện Bạch Mai sẽ vượt qua được khó khăn này”.
Ngay từ đêm 28/3, lực lượng quân đội đã hỗ trợ xây dựng "bệnh viện" dã chiến ngay trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai để ứng phó tình huống xấu nhất của dịch bệnh Covid-19.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 28/3 với các lãnh đạo ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi gắm niềm tin của chính phủ đối với nhân viên y tế nói chung, đặc biệt là bệnh viện Bạch Mai nói riêng và Phó Thủ tướng tin tưởng bệnh viện Bạch Mai sẽ vượt qua được đại dịch này.
“Việc dập các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã và đang lây lan vào cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054…, hiện chúng ta có 2 ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là ổ dịch ở quán bar Buddah (TPHCM) và ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Xác định bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, ngày có hàng chục nghìn người qua lại. Bởi vậy, trong những ngày qua UBND TP. Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với bộ Y tế để chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết.
“Nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn, lên danh sách toàn bộ những người đã đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3/2020 đến nay. Tỉnh thành nào có người đến Bệnh viện Bạch Mai đều phải vào cuộc quyết liệt chứ không chỉ Hà Nội. Tập trung lực lượng của bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội, bộ Y tế để dập bằng được ổ dịch tại đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới đây”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Ngày 30/3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến, tại đây Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Thời gian gần đây, xảy ra ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai có các bệnh nhân đã đến khám, điều trị, người nhà đã đến chăm sóc người bệnh, đối tượng tiếp xúc với dịch vụ bệnh viện đã về cơ sở. Nên trước đó, bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với chính quyền địa phương, đặc biệt y tế cơ sở tiếp tục “đi từng ngõ gõ từng nhà” để phát hiện những người đã đến Bạch Mai khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, giống như những trường hợp đi từ nước ngoài về”.
Tối 30/3, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại bệnh viện Bạch Mai và khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định sẽ đồng hành và ủng hộ bệnh viện, quyết tâm sớm dập dịch.
Dù đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai cho hay tập thể bệnh viện không lùi bước.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nói rằng, họ sẽ như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán hay Hoa Kỳ, sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau cùng đi qua đại dịch, còn những người đồng nghiệp đang công tác trong ngành y lúc này đều đang hướng về “ổ dịch” Bạch Mai, mong các đồng nghiệp vững tâm, đoàn kết chiến thắng dịch bệnh.