img

Dự án làm sạch sông Tô Lịch: Đừng gắn “tâm linh” vào xử lý chất thải

Thu Thảo

Nhiều người thắc mắc tại sao nhà thầu JVE lại gắn hai chữ “tâm linh” vào đề xuất giải pháp tổng thể làm sạch sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh? Theo các chuyên gia Văn hóa, “tâm linh” có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải.

Hai chữ “tâm linh” không phù hợp

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật về vấn đề này, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định, việc cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử - văn hóa là điều rất tốt, chúng ta nên khuyến khích.

“Tuy nhiên, nếu đặt hai chữ tâm linh vào tên dự án thì rất không nên. Tôi thấy kỳ lạ khi lại có vấn đề tâm linh ở đây, vì nó rất khó xác định. Tâm linh có nghĩa rất rộng, chúng ta phải định nghĩa rõ vấn đề tâm linh đang nói ở đây cụ thể là nói về tín ngưỡng nào?”, ông Vĩ nêu quan điểm.

Theo ông Vĩ, trước đó cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho lãnh đạo TP.Hà Nội về việc giúp sông Tô Lịch “hồi sinh” như nhiều thập kỷ trước đây. Tuy nhiên, đến nay những đề xuất này vẫn chỉ nằm trên giấy. Việc JVE có đề xuất tổng thể là một ý kiến rất hay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao để sông Tô Lịch sạch trở lại như xưa? Rồi mới tính đến việc tiếp theo.

img

“Việc cải tạo và xây dựng hai bên bờ sông thành công viên, nếu làm được như vậy thì rất tốt, chúng ta vừa không phí đi một không gian lịch sử, văn hóa vừa có thể tạo thêm sản phẩm cho ngành Du lịch. Chỉ có đề xuất về vấn đề tâm linh là cần phải làm rõ, vì nếu người ta đưa vào những cái không phù hợp, không mang tính truyền thống thì không nên. Nếu để lịch sử - văn hóa thì hợp lý vì văn hóa đã bao gồm các tín ngưỡng”, ông Vĩ nhấn mạnh.

img

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học - học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết, đây là ý tưởng tốt, trước đó nhiều cơ quan, đơn vị đã đề xuất nhưng do kinh phí không có nên chỉ làm được từng bước. Nhưng JVE đã làm một cách có hệ thống, có bài bản, có ý tưởng tốt. Chúng ta nên ủng hộ.

Tuy vậy, có một số điểm trong đề xuất này khiến PGS.TS Phạm Ngọc Trung thấy thắc mắc. Thứ nhất là tên gọi của dự án này hơi dài dòng vì trong văn hóa có tâm linh; Thứ hai là vấn đề tài chính, đối tác khi thực hiện có đủ tiềm lực để thực hiện như những dự định ban đầu hay không?

“Trước đó, Hà Nội cũng có nhiều dự án làm sạch sông Tô Lịch nhưng thất bại và làm thất thoát ngân sách của Thành phố rất lớn, để lại những bài học nhất định. Chính vì thế, trước khi suy nghĩ đến việc phê duyệt, các cơ quan có thẩm quyền cần có những nhận định và bàn bạc kỹ lưỡng”, ông Trung nhận định.

Trước hết, chúng ta cần có góp ý đa chiều về tổng thể dự án. Ví dụ như tên gọi có cần phải xem xét lại không? Kinh phí lấy từ đâu? Đối tác sẽ thực hiện ra sao? Ở mỗi phân khu sẽ được xây dựng như thế nào? Sau khi hoàn thành, việc chăm sóc, duy tu bảo dưỡng sẽ là trách nhiệm của ai? Kinh phí cho công việc này lấy từ nguồn nào? V.v…

Cho rằng đây là những vấn đề khá quan trọng, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất cần có sự góp ý của các cơ quan Trung ương như bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đặc biệt là các chuyên gia Văn hóa và ý kiến người dân cùng nhau xây dựng giúp nhà thầu thực hiện đúng như đề xuất.

“Nhà thầu đưa ra đề xuất là một chuyện, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu chặt chẽ để thẩm định năng lực và giám sát họ trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này”, ông Trung nêu quan điểm.

"Tâm linh" không bao giờ gắn liền với chất thải

Cùng trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Hồng Hải - giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - cho rằng, JVE đã nhầm lẫn một yếu tố địa lý (con sông) với một thiết chế văn hóa (công viên). Một bên là sản phẩm thiên tạo, một bên là do nhân tạo. Tất cả những con sông nổi tiếng như sông Hương ở Huế, sông Seine ở Paris (Pháp) hay sông Thames ở London (Anh) qua bao lần cải tạo đô thị vẫn là chính nó mà không hề bị biến thành một công viên nào cả vì nó là dòng sông của lịch sử tự nhiên ở các thành phố đó từ ngàn đời xưa.

img

PGS.TS Đinh Hồng Hải (Ảnh: Ngô Vương Anh).

“Vì vậy, nếu JVE là đơn vị chuyên xử lý ô nhiễm môi trường thì họ hoàn toàn có thể lập dự án thu gom chất thải toàn thành phố bằng một hệ thống cống thải độc lập như các thành phố phát triển trên thế giới đã làm. Còn nếu JVE vẫn muốn tận dụng sông Tô Lịch làm nơi xả thải thì việc đưa thêm yếu tố "lịch sử - văn hóa - tâm linh sông Tô Lịch" vào dự án là hết sức phi lý. Nói tóm lại, một dự án xử lý chất thải hoàn toàn khác với một công trình lịch sử văn hóa”, PGS.TS Đinh Hồng Hải nói.

Theo phân tích của PGS.TS Đinh Hồng Hải, chữ "tâm linh" thời gian gần đây mới được sử dụng nhiều trong các hoạt động "kinh doanh tâm linh". Còn Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên,1998) giải thích tâm linh là "khả năng biết trước một số biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm" (tr.865).

“Vì vậy, một dự án tầm cỡ quốc gia thì không thể làm "theo quan niệm duy tâm" và càng không nên gắn "tâm linh" với "xử lý chất thải", vừa khiên cưỡng lại vừa nhạy cảm. Tôi tin rằng lãnh đạo TP.Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận một dự án như vậy bởi chẳng ai muốn văn hóa hay tâm linh lại gắn liền với chất thải cả”, ông Hải khẳng định.

Ngày 15/9/2020, công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt (JVE) gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về việc đề xuất “giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Đề xuất này ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Đa số ý kiến ủng hộ và mong chờ việc “hồi sinh” dòng sông gắn liền với lịch sử Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu về hai chữ “tâm linh” trong tên dự án.

Trước đó, hồi tháng 5/2019, một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây đã được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và thu được kết quả bước đầu khá tích cực.

T.T

img