Dù cho điều ấy đã xảy ra!

Dù biết sớm hay muộn thì điều đó nhất định phải xảy ra. Nhưng, khi đọc tin một bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã nhiễm SARS-CoV-2 vẫn khiến tôi thảng thốt và không thể không nói lên những điều chất chứa trong lòng.

img

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS - CoV - 2.

Báo Người Đưa Tin hôm nay (23/3/2020) đưa tin: “Bệnh nhân 116 là nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.

BN116 tham gia chống dịch COVID-19 từ 31/1/2020 với các công việc: khám sàng lọc các bệnh nhân nghi COVID-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Trong quá trình làm việc, BN116 được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc anh nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 19/3 anh xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20/3 triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21/3 anh tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Các nhân viên y tế cùng làm với bệnh nhân 116 đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3 tất cả các nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, sức khỏe ổn định”.

Qua những dòng tin tưởng như khô khan ấy, chứa đựng biết bao thông điệp: Anh – Người bác sĩ đã có mặt trên tuyến đầu ngay từ những ngày đầu tiên. Anh – Đã tham gia tất cả những nhiệm vụ chuyên môn. Anh – Bám trụ tại bệnh viện bất kể ngày đêm. Anh – Khi biết mình có khả năng lây nhiễm đã tự cách ly để giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân và đồng nghiệp…

Không chỉ có Anh – nhiều chiến sĩ áo trắng trên đất nước này vẫn sát cánh bên nhau chống lại đại dịch đang tiến triển. Không chỉ có Anh – nhiều chiến sĩ đang mang quân phục, cảnh phục và nhiều lắm những người khác đang quyết định vận mệnh của đất nước trước đại dịch. Không chỉ có Anh – những người làm công tác xuất nhập cảnh, những nhân viên ngoại giao, những phi công và tiếp viên hàng không… vẫn ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất.

Tựa vào họ, tôi - một người ở lứa tuổi U60 - thấy mình cần lớn lên thêm, trưởng thành hơn. Thật ích kỷ khi chỉ biết lo cho mình, yêu cầu cho mình và gia đình mình được thoát nhanh khỏi sân bay, được ưu đãi hơn.

Thật ích kỷ khi có những người gian dối khi khai báo y tế, trốn cách ly... khiến cộng đồng đang chồng chất khó khăn bỗng vất vả thêm không đáng có. Vì họ, mà mầm bệnh có cơ hội phát tán.

Thật ích kỷ khi có người chê bai những cơ sở vật chất mà những người lính, những người dân đất nước này bằng từng đồng tiền thuế đã dành cho họ mà không tự mình làm cho nơi đó trở thành.

Thật hèn mạt lúc vận nước đang trong cơn biến động mà gây mất lòng tin trong cộng đồng, những hành động vô ơn, mà có những ngôn từ nói xấu quê hương, đồng bào.

Thật ích kỷ khi chúng ta tiếp tế cho người nhà ở khu cách ly mà quên đi những phần quà cho người phục vụ, quên đi nghĩa vụ đóng góp với đất nước dù chỉ qua một cái tin nhắn.

Tôi biết, đó chỉ là số ít, rất ít nhưng nghĩ về nó sao mà nhói lòng! Thật tuyệt vời khi những tấm gương tốt đẹp, những hình ảnh cảm động đang hằng ngày, hằng giờ vẫn diễn ra như một điều tất yếu. Khi Tổ quốc, đồng bào cần – Có chúng tôi!

Cầu mong những điều tốt lành đến với những người đang trên tuyến đầu chống dịch. Cầu mong những niềm hạnh phúc đến với những người dân trên đất nước ta.

Tôi tin tưởng mãnh liệt là những cầu mong đó chắc chắn thành hiện thực. Bởi, chính trong những lúc nguy cấp này tinh thần Việt Nam đang tỏa sáng. Tinh thần đó sẽ tạo thành sức mạnh vật chất to lớn đẩy lùi dịch bệnh!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img