Theo đó, trong Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng bộ VH,TT&DL gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ, như quy định hiện hành.
Tiếp nữa, trong các cuộc thi sắc đẹp, cơ quan quản lý sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi trong nước. Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh. Ngoài ra, theo dự thảo nghị định mới, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt top 3 cuộc thi trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó. Một điểm nữa cơ quan quản lý muốn thay đổi là giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi nhan sắc cho địa phương. Cấp Trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.
Đạo diễn Phạm Đức Dũng hoài nghi, các cuộc thi sắc đẹp có “tiếp tay” cho những cuộc mua – bán dâm nhờ danh hiệu?
Liên quan đến nội dung ngày, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đạo diễn Phạm Đức Dũng cho hay: “Từ lâu rồi, các cuộc thi sắc đẹp thường được nhiều người quan tâm bởi… có nhiều lùm xùm và khó kiểm soát được. Nếu nới lỏng quy định, liệu các cuộc thi này có bị “loạn” bởi vì khó quản lý? Chúng ta từng chứng kiến nhiều danh hiệu phản cảm như Nữ hoàng tâm linh, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng ngành thép... ở cuộc thi Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019, thậm chí tới đây, có cả cuộc thi Nữ hoàng Thảo mộc Toàn cầu 2020 mà không ai quản lý.
Nếu việc xin giấy phép thi sắc đẹp dễ hơn,nhiều cô gái sẽ thi để lấy danh và mượn danh hiệulàm nhiều các việc khác thì sao? Ví dụ thời gian qua, nhiều người nói đến thông tin có người từng đạt giải Hoa hậu song lại bán dâm với giá hàng chục nghìn USD, vậy liệu đây có phải là “mặt trái” của danh hiệu Hoa hậu, các cuộc thi này liệu có vô tình “tiếp tay” cho các hoạt động vị phạm pháp luật này không?”.
“Nhiều người gọi những cuộc thi đó là người đẹp, nhưng tôi cho rằng, đó là những cuộc thi “ao làng”, ai tham gia cũng được, thậm chí càng tai tiếng lại càng được “chào đón”. Một số người đẹp khi có giải, họ đã có những phát ngon rất tệ hại. Nếu trao quyền cho các địa phương cấp giấy phép tổ chức thi sắc đẹp,không biết còn những chuyện “nực cười” nào xảy ra nữa. Theo tôi, cần cân nhắc kỹ khi “nới lỏng” việc cấp phép này. Nếu phân quyền cho các tỉnh cấp phép thi sắc đẹp, bộ VH,TT&DL có nguy cơ trở thành là “bù nhìn” trong lĩnh vực này? Và quan trọng hơn, bộ có đảm bảo được các tỉnh sẽ làm đúng quy chế mà không “bật đèn xanh” cho “người nhà” ở tỉnh mình?”, Đạo diễn Phạm Đức Dũng thẳng thắn bình luận.
Ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thẳng thắn, chính khán giả đã đẩy những cuộc thi HH lên mức quan trọng dẫn đến nhiều hệ luỵ
Nói về những vướng mắc, băn khoăn và tranh cãi trong dự thảo mới của bộ VH,TT&DL, ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay: “Ở các nước phát triển, danh hiệu Hoa hậu cũng bình thường thôi, nó như một danh hiệu khác như ca sĩ, việc cấp phép được quy định phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục, vô hình trung chúng ta vô tình tạo nên thương hiệu cho các cuộc thi sắc đẹp. Chính sự vô tình đó dẫn đến việc người ta lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy. Vì muốn tránh như thế, chúng ta sẽ không có cấp phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn nữa, mà trả lại quyền này cho địa phương cũng hợp lý.
Trong những năm gần đây, nhiều người đẹp đi thi quốc tế “chui” vì không đáp ứng tiêu chuẩn lọt top 3 một cuộc thi trong nước. Khi trở về, họ phải nộp phạt và không được công nhận danh hiệu. Có thể kể đến một số trường hợp như Quế Vân, Huỳnh Tiên, Nguyễn Thị Thành...Việc này gây tranh cãi suốt thời gian qua. Vì vậy, điều chỉnh quy định đi thi quốc tế là hợp lý. Trên thực tế, các hoạt động quản lý văn hóa bao giờ cũng phải đi theo và điều chỉnh từ thực tiễn cuộc sống. Các cuộc thi quốc tế có những tiêu chí, quy định của họ để tìm người phù hợp. Chúng ta lại đưa ra tiêu chí của mình, do đó tôi nghĩ chúng ta phải điều chỉnh. Trong quản lý văn hóa, chúng ta tôn trọng quyền về văn hóa của người dân. Rõ ràng, người dân có quyền tham gia những cuộc thi này và nhà nước không nên cấm”.
Trước câu hỏi nếu “cởi trói” quy định đi thi quốc tế như vậy, liệu các cá nhân dự thi có làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ông Sơn lý giải: “Trong các cuộc thi sắc đẹp, người ta vẫn nói người đẹp đến từ Việt Nam, đến từ Venezuela... chứ không phải người đẹp của Việt Nam. Họ không thể là biểu tượng, tượng trưng cho nhan sắc quốc gia. Họ chỉ là người phù hợp với cuộc thi nước ngoài. Nếu chúng ta hiểu rõ được câu chuyện này, chúng ta sẽ không còn thắc mắc”.
Người đẹp Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 vì thẩm mỹ răng.
Liên quan đến việc đề xuất thí sinh thi sắc đẹp có thể phẫu thuật thẩm mỹ, bà Thuý Nga - TGĐ Công ty Elite Việt Nam (đơn vị nắm bản quyền đưa nhiều người đẹp thi thi sắc đẹp quốc tế) cho PV hay:“Đúng là quy định này là một sự “nới lỏng” cho các cuộc thi sắc đẹp, nhìn nhận ở một số cuộc thi mới đây, tôi thấy một số thí sinh có hình thể tốt, gương mặt đẹp, thành tích học tập rất xuất sắc, thông minh tài năng… nhưng bị loại chỉ vì lỡ nhấn mí mắt, nâng sống mũi (can thiệp thẩm mỹ cực nhỏ, không ảnh hưởng đến toàn thể khuôn mặt). Như vậy có thể chúng ta đã để mất đi đại diện xuất sắc của Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, đã là luật phải tuân thủ. Bên cạnh sự cởi mở của dự bộ VH,TT&DL, đòi hỏi ban giám khảo có chuyên môn sâu hơn, đòi hỏi sự “cầm cân nẩy mực” phải chính xác, công bằng. Các cuộc thi trên thế giới thí sinh được phẫu thuật thẩm mỹ, tuy nhiên, họ vẫn có những “luật ngầm” của Ban giám khảo: Những thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều sẽ không được chấm vào Top cao và đương nhiên sẽ không đạt danh hiệu cao nhất…”.
Bà Thuý Nga - TGĐ Công ty Elite Việt Nam bật mí, có những luật “ngầm” trong các cuộc thi sắc đẹp mà chỉ BGK mới biết.
Trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017, Lê Âu Ngân Anh đã giành vương miện nhưng sau đó bị đề nghị tước danh hiệu vì bị phát hiện từng thẩm mỹ khuôn mặt. Vụ việc của Lê Âu Ngân Anh còn ồn ào một thời gian dài, thậm chí bộ VH,TT&DL có mời công ty Công ty TNHH Võ Việt Chung là đơn vị tổ chức cuộc thi HH Đại dương 2017 đến để giải quyết vụ việc nhưng đơn vị này không chấp hành.
Sau đó, Lê Âu Ngân Anh đã tự ý đi thi chui để giành vị trí Á hậu 4 cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2018 tại Philipine. Nhưng bộ VH,TT&DL không chấp nhận danh hiệu này. Sự việc “xấu xí” này đã làm cho Ngân Anh bị chỉ trích một thời gian dài.
Lê Âu Ngân Anh từng bị phát hiện phẫu thuật thẩm mỹ sau khi đăng quang.
Có ý kiến cho rằng, quy định mới trong dự thảo đưa ra, các người đẹp đi thi Quốc tế không cần đạt Top 3 các cuộc thi trong nước tại ra là sự hội nhập quốc tế hay là việc “vẽ đường cho hươu chạy” khi các quy định cũ có chế tài nhưng cũng không làm đến nơi, đến chốn?
Thiết nghĩ đây là một nội dung cần được bàn thảo, mổ sẻ và phân tích kỹ càng dưới nhiều góc độ để có thể đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp với thực tiễn.
Bình luận về thông tin người đẹp thi Quốc tế không cần lọt vào Top 3 các cuộc thi sắc đẹp trong nước, Hoa hậu Ngọc Hân nói: “Hình ảnh thí sinh Việt Nam đi thi nước ngoài cũng giống như đại sứ hình ảnh con người Việt Nam. Nếu việc đó được kiểm soát bởi cục NTBD, hay bộ VH,TT&DL bản thân thí sinh đó có trách nhiệm với hình ảnh, hành động của mình hơn là việc họ tự đi thi. Bản thân thí sinh đi thi ở nước ngoài, ai nhìn vào danh sách thí sinh cũng biết họ đến từ quốc gia nào. Nếu họ ra Quốc tế mà không bị ràng buộc sẽ quản lý ra sao?”.
"Nới lỏng" các cuộc thi sắc đẹp liệu có phải là việc "thả gà ra đuổi"? ( Ảnh minh họa)
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về nội dung này, đạo diễn Bình Trọng cho biết: “Nên cấp phép cho các công ty chứ cá nhân, thương nhân không thể đứng ra tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được. Việc thi Quốc tế cần được các cơ quan chức năng, có đủ chuyên môn cấp phép mới có những ràng buộc giúp thí sinh nghiêm túc, đúng mực hơn khi đi thi. Đúng là nhiều cuộc thi Quốc tế chỉ chú trọng đến mặt giải trí, không cần nặng nề thí sinh là đại diện nước nào hay không, vì bản thân BTC không yêu cầu việc đó nhưng người đẹp cũng cần ý thức được là mình đang mang hình ảnh Việt Nam đi thi Quốc tế. Theo tôi bộ VH,TT&DL vẫn nên kiểm soát những cuộc thi đó, vẫn có những quy định cụ thể về giấy phép thi, về thi Quốc tế… mới có những cuộc thi chất lượng được”.
Khi được hỏi, vì sao dự thảo mới lại không quy định thí sinh lọt Top 3 mới được thi sắc đẹp Quốc tế? Ông Trần Hướng Dương – Cục phó cục NTBD, bộ VH, TT&DL cho hay: “Các cuộc thi Quốc tế mời những thí sinh đó tham gia và các cuộc thi đáp ứng được các tiêu chí của cuộc thi thì họ được quyền tham gia, không nhất thiết phải đạt các danh hiệu các cuộc thi. Nội dung này mới nằm trong dự thảo và cần có những ý kiến đóng góp, chưa đi vào thực tế của quy định thi sắc đẹp hiện nay ”.
Dự thảo mới về nghệ thuật biểu diễn, thi sắc đẹp của bộ VH,TT&DL được đưa ra trong bối cảnh hiện nay có nhiều cuộc thi sắc đẹp, Hoa hậu vướng các lùm xùm và cần căn chỉnh lại cho phù hợp.
Hy vọng rằng, căn cứ vào tình hình thực tế, bộ VH,TT&DL sẽ có những ý kiến đóng góp cho phù hợp để các quy định không bị chồng chéo, và các cuộc thi nhan sắc về đúng vị trí của nó: Chỉ là một hoạt động giải trí đơn thuần, trong sáng chứ không phải là những cuộc trao đổi, kêu gọi quảng cáo rầm rộ như hiện nay.
NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL) cho hay: “Thực tế là các cuộc thi sắc đẹp, trình diễn thời trang trên thế giới hiện có nhiều thay đổi. Các hoạt động thi sắc đẹp này không có cơ quan Nhà nước nào đứng ra tổ chức cả, nếu người dân có nhu cầu thì các doanh nghiệp tổ chức bằng nguồn xã hội hoá, không dùng ngân sách nhà nước. Chúng tôi tôn trọng quyền đó, tạo điều kiện cho họ. Miễn là họ làm đúng luật, không có vi phạm gì. Lĩnh vực nào cũng có những mặt trái, rủi ro và chúng ta phải chấp nhận nó, tôi nghĩ, ở cỡ Nghị định thì cũng chưa thể hoàn hảo được, các cơ quan chức năng kỳ vọng là bộ VH,TT&DL có thể xây dựng và có được Luật ở mảng Nghệ thuật biểu diễn chúng tôi hoạt động sẽ dễ dàng hơn”.
L.T