Đừng cách ly tình cảm yêu thương, đùm bọc, bao dung và chia sẻ

Chúng ta cách ly để dập dịch nhưng đó không phải và không thể cái cớ để ta vin vào mà miệt thị những người đến hoặc trở về từ tâm dịch. Càng trong khó khăn, chúng ta càng cần sẻ san hơn vì một đạo lý rất quen thuộc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”…

img

Ảnh minh họa

Những ngày toàn dân chống dịch, ai cũng muốn góp một chút sức mình để đại dịch nhanh chóng đi qua, để cuộc sống được trở lại bình thường. Khoảng thời gian này chúng ta khó khăn một, thì những đồng bào sống trong tâm dịch khó khăn mười. Ấy vậy mà, không hiểu tại làm sao thay vì một cái nhìn thông cảm, bao dung hơn, người ta lại dành sự kì thị, thậm chí là miệt thị với những người đến từ vùng dịch.

Không khó để lí giải nguyên do dẫn đến điều này. Bởi con người thường có xu hướng SỢ… Ai cũng sợ sẽ bị lây bệnh, ai cũng sợ sẽ bị “bế” đi cách ly bất cứ lúc nào. Biết sợ là tốt, bởi biết sợ thì con người sẽ sống có trách nhiệm, có ý thức hơn với sức khỏe của mình và của cộng đồng. Nhưng cái sợ này cần phải được hiểu đúng và đặt vào đúng hoàn cảnh.

Chúng ta cách ly để dập dịch nhưng đó không phải cái cớ để ta vin vào mà miệt thị những người đến hoặc trở về từ tâm dịch. Càng trong khó khăn, chúng ta càng cần sẻ san bởi một đạo lý rất quen thuộc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Đối với những người đến từ vùng dịch, hay đi qua vùng dịch, nếu đã thực hiện khai báo y tế, cách ly đủ số ngày theo quy định và có xét nghiệm âm tính với Covid-19, họ cũng cần được tôn trọng, cần được chia sẻ. Thế nhưng, hễ cứ nhắc đến người Hải Dương, tỉnh Hải Dương là nhận về những ánh mắt kì thị, những câu nói có tính sát thương của chính đồng bào mình. Không chỉ thế mà các tỉnh/thành lân cận còn ra chỉ đạo cấm cửa, ngừng lưu thông các mặt hàng và tiếp nhận người từ Hải Dương.

Mới đây, vào ngày 16/2, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng có chỉ đạo trong thời gian tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội, Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng. Trường hợp công dân của tỉnh Hải Dương cố tình về Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly tập trung của thành phố và phải tự chi trả chi phí cách ly.

Trên group facebook “Thông tin y tế”, tài khoản có tên Nguyễn Phượng cũng đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Chị viết: “Có một sự kỳ thị rất là nặng nề. Bố em nằm viện nội tiết Trung ương nay vô tình đi xe máy biển Hưng Yên 89 vào viện mang đồ cho bố mà bị đuổi ra 1 cách thẳng thừng. Chỉ vì cái mác biển 89 chứ họ không cần giải thích “mày hộ khẩu Hà Nội hay mày không từng đi qua vùng dịch. Vào viện cũng mời mày ra về”’…".

Ghi nhận những đóng góp của người dân và các địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 đã làm rõ định nghĩa về “ổ dịch” và “vùng dịch”. Cần phải hiểu rõ, thì mới làm đúng được. Đại diện ban chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh không thể coi toàn bộ tỉnh Hải Dương là “ổ dịch”, từ đó giúp người dân có cái nhìn đúng đắn hơn, tránh sự kì thị, tránh hiện tượng “ngăn sông cấm chợ” với người dân các địa phương có dịch.

Thực hiện giãn cách xã hội, cách ly là điều cần thiết, nhưng đó hoàn toàn không phải lí do để “cách ly” tình cảm, “cách ly” sự yêu thương, đùm bọc và bao dung lẫn nhau trong thời điểm khó khăn chung của cả nước. Hướng về tâm dịch bằng tấm lòng và sự sẻ chia, đó mới là giá trị cốt lõi để dân tộc ta cùng nhau bước qua đại dịch này.

Thanh Hà-Học viện Báo chí &Tuyên truyền *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

img