Tại sao nhiều người mơ ước mua một chiếc Ferrari trong khi những chiếc ô tô giá rẻ khác vẫn tuyệt vời? Trả lời câu hỏi này, chúng ta cũng sẽ giải quyết được thắc mắc khó hiểu về việc tại sao nhiều người vẫn đổ xô đi mua iPhone mỗi khi sản phẩm mới ra mắt.
Trong sự kiện ra mắt 3 mẫu iPhone mới: iPhone 11, iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max, sẽ có hai kiểu người phản ứng khác nhau. Kiểu người đầu tiên sẽ thốt lên những âm thanh tán tưởng đầy phấn khích. Và kiểu người thứ hai sẽ tự hỏi: Mình có thực sự cần đến một chiếc điện thoại đắt tiền như vậy không?
Ai đó vẫn thường nói rằng iPhone là một chiếc điện thoại xa xỉ. Nó không xứng để bạn có thể bỏ ra đến hơn 1.000 USD cho một thứ đồ công nghệ với những tính năng mà một chiếc điện thoại 200 USD không hề thiếu.
Và theo logic đó, hình ảnh những dòng người ăn dầm nằm dề nơi các cửa hàng iPhone trong ngày mở bán hiện lên trong mắt “kiểu người kỳ thị iPhone” trông thật dở hơi, phí tiền, khùng điên.
Nhưng ở hướng ngược lại, quan điểm phổ biến là của những “tín đồ Apple” vẫn là: iPhone là một thứ biểu tượng gì đó bóng bẩy, thời thượng và là tâm điểm chú ý ở mọi lúc mọi nơi.
Nếu bạn có nó, thì cả thế giới sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt trầm trồ. Còn không có nó, bạn sẽ chỉ là một con người bình thường, ẩn mình trong một cuộc sống nhạt nhòa.
Những tranh cãi về cách người ta mê đắm iPhone vẫn không đi đến hồi kết sau 12 năm chiếc điện thoại này ra đời.
Dù người dùng hay truyền thông chê bai như thế nào về chiếc điện thoại “chẳng có gì mới, chỉ phóng to màn hình, lắp thêm camera và tính thêm tiền” – thì cứ sau tháng 9, doanh số iPhone vẫn cứ thẳng tiến, lợi nhuận vẫn đổ về tập đoàn ở Cupertino.
Trên những trang tin công nghệ, người ta cũng đã chỉ ra hàng trăm lý do vì sao iPhone vẫn có sức hút như thế, dù cho các phiên bản sau này không còn được đánh giá cao như bước đột phá từ iPhone 3 lên iPhone 4.
Theo đó, một trong những điểm nổi bật quen thuộc chính là hệ sinh thái mà Apple tạo dựng, dàn trải từ iPhone, iPad, Apple Watch, iOS, Apple Music, Apple TV, Mac… tạo nên một không gian trải nghiệm khép kín cho người dùng quá tốt, đủ mà không thừa, thậm chí có thể nói là hoàn hảo. Điều mà không một đối thủ nào – bao gồm cả Google - có thể sánh bằng.
Thiết kế và công nghệ của Apple trên iPhone luôn đi tiên phong trong thị trường điện thoại. Từ màn hình cảm ứng điện dung trên chiếc iPhone đầu tiên, cho đến cảm biến vân tay hay “tai thỏ” và nhận diện khuôn mặt sau này. Tất cả đều khiến các đối thủ khác phải học hỏi theo.
Mỗi mùa iPhone ra mắt, không chỉ người dùng mà cả các hãng công nghệ khác cũng căng mắt để theo dõi xem điều kỳ diệu mới mà Apple mang đến trên thiết bị mới của họ là gì.
Dù nói gì thì nói, các chuyên gia công nghệ vẫn công nhận, dù không còn mang đến những bất ngờ như những phiên bản đầu tiên, iPhone vẫn là một thiết bị trên cơ vài phần - cả về những khía cạnh thuần kỹ thuật nhất như chip xử lý, camera, sự tối ưu của hệ điều hành - so với các mẫu flagship hàng đầu hiện nay của các đối thủ như Samsung, Huawei…
Nhìn một cách thực dụng hơn, chính cái giá “luôn đắt hơn” bất kỳ chiếc điện thoại nào cũng khiến cho iPhone trở thành biểu tượng khiến người dùng tự hào hơn.
Tuy nhiên, tất cả các lý do nói trên đều có vẻ như đã quá cũ. Có lẽ, lý do khiến người ta phát cuồng iPhone đến vậy lại đến từ một điều gì đó hết sức giản đơn.
Trong một bài viết trên ZDNet, cây bút Chris Matyszczyk đã liên tưởng cách mà người dùng mua iPhone với cách mà họ sắm sửa các mặt hàng thời trang thường ngày như giày dép hay quần áo.
Dù nghe có vẻ không liên quan nhưng thực sự Apple đã rất khéo léo xây dựng sản phẩm của mình khiến người dùng cảm thấy họ được sống trong thế giới thời trang nhiều như trong thế giới công nghệ.
Với thiết kế đậm nét thẩm mỹ của iPhone – cùng với các video quảng cáo đầy mê hoặc của Jony Ive –Apple cho thấy iPhone là thiết bị mà bạn có thể mang theo bên mình không khác gì bạn mặc trang phục thường ngày.
iPhone là một thứ đồ công nghệ nói lên con người, phong cách của bạn. Giống như trang phục mà bạn lựa chọn.
Trong một nghiên cứu về cách mua sắm quần áo trên tạp chí Harvard Business Review, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một xu hướng khá căn bản. Đó là động lực mua sắm của người tiêu dùng luôn xuất phát từ việc họ muốn một thứ gì đó mới.
Nhưng điều đặc biệt là những trang phục mới mà họ muốn mua mới gần như đều giống với những gì họ đã có trong tủ quần áo của mình. Có thể chỉ khác một chút về kiểu cách nhưng về cơ bản nó vẫn là phong cách thời trang quen thuộc của riêng họ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, 83% thói quen mua sắm là "mua lặp lại". Đối với hầu hết mọi người, nhu cầu của họ là muốn thay thế cái cũ bằng thứ y hệt chứ không phải muốn mua thêm những thứ khác biệt.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên cho các công ty: "Thành công của các công ty là tìm kiếm được những người tiêu dùng yêu thích sản phẩm của mình và có thể bán lại sản phẩm đó liên tục cho họ, chứ không phải lúc nào cũng cố gắng phát minh ra cái mới. Khách hàng chứ không phải sản phẩm - mới là thứ các công ty cần ưu tiên".
Nhìn qua lăng kính này, có bao nhiêu “tín đồ quả táo” theo dõi màn ra mắt những chiếc iPhone đẹp đẽ của Apple mà kìm chế nổi việc muốn sắm một chiếc điện thoại mới cho riêng mình?
Chỉ đơn giản là khi nhìn vào chiếc điện thoại hiện tại, họ thấy màn hình bị nứt một chút, thấy lớp sơn bong tróc khó coi và thở dài với chính họ: "Có lẽ mình nên mua một cái mới".
Sau khi sự kiện ra mắt iPhone mới kết thúc, nhiều người có thể kết luận rằng các sản phẩm đó thực sự không thú vị. Nhưng rồi khi chiếc iPhone của họ trở nên cũ mèm, họ hiểu rằng đã đến lúc mình cần phải thay thế một thứ tương đương. Và nhìn đi nhìn lại, thứ tương đương đó thì vẫn cứ là iPhone.
Cũng giống như việc bạn mua một chiếc áo khoác hay đôi giày thể thao mới cho mùa Đông sắp đến. Có rất nhiều sự lựa chọn từ đủ các nhãn hiệu thời trang, nhưng cuối cùng bạn vẫn thích chiếc áo da màu đen cũ của mình từ Zara, đôi Ultraboost đi êm chân của Adidas và cuối cùng đến các cửa hàng đó để sắm cho mình những thứ đồ y hệt.
Nhiều người nói rằng cái giá 1.000 USD là đắt so với một chiếc điện thoại. Nhưng nó chỉ đắt đối với người tiêu dùng ở Việt Nam, nơi vài tháng lương mới mua được một chiếc iPhone, còn ở những quốc gia phát triển khác, lương tháng của họ có thể mua vài chiếc iPhone một lúc.
Hãy nhìn lại vào sở thích của mình. Nếu bạn là một người đam mê một thứ gì đó, bạn có sẵn sàng để dành tiền để mua nó hay không?
iPhone chỉ đơn giản là một mặt hàng, một thứ đồ vật khơi dậy niềm yêu thích đối với cá nhân nào đó. Và việc mua nó hãy coi đơn giản như một sở thích cá nhân thay vì chỉ trích nó như một thú vui cuồng điên, dở hơi mà nhiều người đang lấy đó làm lý lẽ để chê bai.
Nhiều người nói rằng cái giá 1.000 USD là đắt so với một chiếc điện thoại. Nhưng nó chỉ đắt đối với người tiêu dùng ở Việt Nam, nơi vài tháng lương mới mua được một chiếc iPhone, còn ở những quốc gia phát triển khác, lương tháng của họ có thể mua vài chiếc iPhone một lúc.
Còn việc một người cố gắng chăm chỉ làm việc, kiếm tiền để thưởng cho mình một món đồ yêu thích, mang đến cho họ niềm vui và tạo thêm động lực mới trong cuộc sống thì có gì để chê trách?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.