Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng Năm, chúng tôi tìm về xã Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) để được nghe câu chuyện tình “có một không hai” của người cựu chiến binh mất một chân Tạ Đình Chất (SN 1947) và bà Tạ Thị Cậy (SN 1953).
Tiếp PV giữa một vườn hoa lan, ông Chất cho hay, ngoài việc chăm sóc bà thì ông chăm Lan vì yêu loài hoa này. Ông muốn cuộc sống của vợ chồng già đầy ắp những sắc màu và sự tươi mới.
Ông Chất kể, năm 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ được phân về Sư đoàn quân tiên phong 308. Sau trận mở màn tại Khe Sanh, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Lam Sơn 719. Mùa hè năm 1972, Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trong trận chiến ác liệt này, ông Chất bị thương và mất một chân. Sau thời gian điều trị, ông được trở về hoạt động tại quân khu Việt Bắc và là thương binh hạng 2/4 với thương tật 71%.
Ông cho biết, những ngày trong chiến trường ông cũng nhớ về gia đình nhưng nỗi nhớ ấy chỉ để trong lòng và tình yêu với một người con gái chưa hề xuất hiện. Đến năm 1974 khi trở về quê hương ông mới nghĩ đến việc lập gia đình.
“Lúc đó tôi đã mất một bên chân, sức khỏe yếu, sợ sẽ chẳng có cô gái nào cùng quê để ý, yêu thương. Thế nhưng, họ hàng, làng xóm cứ bảo phải mạnh dạn lên mới có vợ và tôi đã được mọi người giới thiệu cho bà Cậy, ai cũng giục tôi mạnh dạn đến tìm hiểu. Ngày xưa tình yêu đơn giản nhưng tôi mặc cảm nên rất khó ngỏ lời”, ông Chất tâm sự.
Dù có đôi chút lo lắng về bản thân nhưng ông Chất vẫn mạnh dạn tìm đến nhà bà Cậy. Mỗi lần ông đến chơi, bà Cậy đều tránh mặt, không tiếp, không đáp lời. Có lẽ, một phần bà Cậy nhìn thấy ông Chất còn một bên chân, phần nữa, con gái thời xưa e thẹn khi thấy con trai lạ đến nhà. Những tưởng ông nản lòng, nhưng không, ông vẫn “chai mặt” đến nhà bà. Không thể nói chuyện với bà, ông đã dùng kế “cưa đổ” bố vợ.
Kể đến đây ông Chất cười lớn: “Nói thực, lúc đầu tôi hơi run, nhưng thấy bố vợ dễ tính nên mình mới dám nói chuyện. Tôi kể cho bố vợ tương lai nghe chuyện trong chiến trường, chuyện tôi đã chiến đấu cùng đồng đội ra sao... Mỗi câu chuyện kể ra phải thật dí dỏm để bố vợ thích mình, từ đó ông mới tác động đến con gái ông được. “Mưa dầm thấm lâu”, bố vợ đã “kết” tôi, ông bảo: “Con không lấy nó thì còn lấy ai nữa” và chắc bà ấy cũng nhận thấy sự chân thành của tôi nên đã đồng ý kết duyên”.
Khi biết bố đã đồng ý, bà Cậy cũng mở lòng mình hơn, vì tin vào quyết định của bố mình. Bà chia sẻ: “Ngày ấy tôi cũng chưa hề yêu ai và cũng chẳng có ý định lấy chồng sớm như vậy. Thấy có người đến tìm hiểu là tôi trốn biệt tích. Nhưng, bố tôi gọi ra và nói “Anh ấy đã dũng cảm ra chiến trường để bảo vệ quê hương đất nước, giờ về mất đi một chân nhưng bố tin “tàn nhưng không phế”, con không lấy anh ấy thì lấy ai”. Những lời bố nói đã thuyết phục được tôi và sự chân thành của ông ấy tôi cũng cảm nhận được. Và, một đám cưới nho nhỏ được diễn ra”.
Nghe bà Cậy bộc bạch lại những điều thật lòng mà gần 50 năm qua chưa từng được nghe, ông Chất cười hạnh phúc. “Cưới nhau xong, tôi cũng kể lại cho bà ấy nghe đã tán đổ bố vợ như thế nào thì bà ấy nói “Chẳng làm thế nào tán được em thì anh tấn công bố em, ai trong nhà em cũng biết. Anh nói quá hay khiến bố em rồi đến em cũng xiêu lòng”, ông Chất bộc bạch.
Ngày mới cưới, cuộc sống của hai ông bà khá vất vả, phải đi ở nhờ. Nhưng, sau đó được xã, đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ giúp đỡ đắp cho cái nền nhà, làm giúp mấy gian nhà tranh để hai người có chỗ che mưa che nắng. Cuộc sống có khó khăn cũng không quật ngã được người cựu binh đã từng vào sinh ra tử. Từ khi lấy vợ, ông Chất được luân chuyển nhiều vị trí công tác, năm 1983, ông về nghỉ hưu nhưng vẫn không ngày nào nghỉ ngơi. Ông bà vay vốn làm kinh tế, lập trang trại nuôi cá, gà, vịt, lợn..
Bà Cậy nói về người chồng của mình một cách đầy tự hào: “Dù vất vả đến mấy vợ chồng tôi cũng đều vượt qua và đã nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành. Tôi phải cảm ơn vì ngày ấy ông ấy đã “chai mặt” đến nhà tôi. Gần 50 năm qua, vợ chồng tôi chưa hề to tiếng và ngược lại, chúng tôi vẫn ân cần bên nhau. Nhìn ông ấy chỉ còn một bên chân nhưng vẫn chăm sóc vợ con, hàng ngày ra ao làm việc tôi thấy thương và nể phục chồng”.
Nghe những lời ngọt ngào ấy, ông Chất cũng nắm lấy đôi tay chai sần của người vợ như biết ơn cô gái năm nào đã đồng ý lấy anh thương binh.
M.T