Đừng đem tiền đo độ sáng huy chương!

Những năm gần đây, thành tích của thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế ngày càng đáng khích lệ. Đính kèm với sự nỗ lực của những chàng trai, cô gái Vàng, là những phần thưởng “hậu hĩnh” bằng tiền mặt. Tuy nhiên, liệu tiền có thể đo độ sáng huy chương?

img

Bấy lâu nay, thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic, ghi dấu trên đấu trường quốc tế đều được nhận những phần thưởng, những món quà khích lệ. Đó là những đáp trả xứng đáng dành cho những “chiến binh” đã nỗ lực trên hành trình chinh phục thử thách của mình.

Những năm qua, thành tích mà đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế ngày càng khẳng định được vị thế, đặc biệt là đội tuyển Olympic Toán học.

Tuy nhiên, nhiều địa phương lại đang tỏ ra quá ưu ái đối với những chiến tích này một cách sai hướng, bằng cách trao tặng cho các chàng trai, cô gái Vàng những tấm biển với giá trị tiền thưởng lên đến hàng trăm triệu, thậm chí, hàng tỷ đồng.

Những món quà để khích lệ tinh thần là cần thiết, nhưng thước đo lại không nằm ở “con số”.

Cách “nuông chiều” thí sinh như vậy, vô tình khiến mục tiêu học tập của nhiều thí sinh bị “biến chất”. Chưa kể, nhiều phụ huynh có suy nghĩ lệch lạc, ép con mình thành “gà chiến” để có chút thành tích, và đặc biệt là coi việc “gặt hái” một con số nào đó là cách thể hiện tài năng.

Trong một buổi tọa đàm về Toán học tại Việt Nam mới đây, các giáo sư đầu ngành bày tỏ trăn trở khi phong trào học toán của học sinh trong các nhà trường hiện nay đã không còn “mặn mà” như khoảng vài chục năm trước. Các giáo sư nhấn mạnh, học toán phải là đam mê, người học say mê với toán thì học mới hiệu quả.

Ấy vậy, khi quá nhiều những “con số khổng lồ” so với lứa tuổi của những thí sinh này được “treo lên” và trao tặng tận tay, vô tình khiến những học sinh này “đánh mất” đam mê thực sự, khiến mỗi thí sinh khi tham dự kỳ thi chỉ nhằm mục đích giành giật huy chương, hay thậm chí là mang về những “con số”…

Cứ như vậy, thí sinh tham dự các kỳ thi chỉ trở thành những con robot được lập trình để chinh phục các “đấu trường”, không hơn không kém!

Còn nhớ, trước đây, từng có một thí sinh giành huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế được UBND thành phố thưởng “nóng” 500 triệu đồng. Ở thời điểm đó, thí sinh này tiết lộ “ước mơ” trở thành thầy giáo và gắn bó với nghề sư phạm, hàng vạn người trầm trồ, ngưỡng mộ lý tưởng ấy.

Tuy nhiên, chỉ sau một học kỳ nơi giảng đường đại học, mặc dù được các thầy cô đặc biệt quan tâm, thí sinh này vẫn bỏ dở con đường học vấn. Vị Trưởng khoa cho biết, ngay từ những ngày đầu, sinh viên này đã nghỉ học nhiều buổi, không theo kịp nhiều môn và cuối cùng là xin nghỉ hẳn.

Với một người không có đủ đam mê thì làm việc gì cũng dễ nản và bỏ dở hành trình. Và cũng bởi huy chương đã và đang ngày càng mang lại những “con số khổng lồ”, nên vô tình tác động đến mục tiêu học tập của nhiều học sinh. Tinh thần học tập, định hướng học tập cũng vì thế mà bị “chệch hướng”.

Người ta thường nói: “Đam mê học hỏi là niềm đam mê không bao giờ phản bội con người”. Và chỉ có thực sự đam mê học hỏi, nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó, chúng ta mới có thể theo đuổi đến cùng. Những sức hấp dẫn khác chỉ là động lực nhất thời và khát vọng nửa vời, khiến chúng ta dễ dàng dang dở những hành trình.

Dẫu biết rằng, thí sinh tham dự mỗi kỳ thi, khi giành giải đều xứng đáng được tôn vinh, nhưng chỉ nên dừng lại ở những “con số” chừng mực, không nên “chạy đua” giá trị giữa các địa phương. Bởi lẽ, “con số” lớn hay nhỏ không phải sức hút nên có đối với các thí sinh tham dự đội tuyển, cũng không phải là thước đo độ sáng của huy chương, và lại càng không phải tiêu chí để so sánh sự đầu tư, quan tâm đến ngành giáo dục tại địa phương.

Nên chăng, chúng ta có thể cân nhắc để tôn vinh và trao thưởng ở mức độ phù hợp và dành những “con số” còn lại vào những nhiệm vụ khác trong giáo dục?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img