Hãy học tập và làm theo một đồng nghiệp luôn có mục tiêu kiếm tiền, khát khao khẳng định bản thân, đừng theo người đi làm chỉ vì “đam mê”.
Hồi còn ngồi ghế nhà trường, ta bắt gặp những người bạn khóc như mưa, thậm chí bỏ ăn chỉ vì thấy điểm thi thấp. Chứng kiến cảnh đó, bạn lười học sẽ cười, sẽ bĩu môi. Nhưng nếu muốn trở thành một học sinh giỏi hãy kết bạn và học tập theo những người bạn biết khóc như vậy.
Bởi, người bạn đó có hổ thẹn vì thấy bài thi của mình điểm thấp và họ sẽ nỗ lực để học tốt hơn, lấy điểm cao hơn ở bài thi sau. Còn những bạn khi thấy điểm thấp trên giấy lại tỏ ra thái độ vô cảm, thì họ sẽ không bao giờ nỗ lực để thay đổi điểm số và sẽ mãi là học sinh yếu.Đến khi đi làm tại một cơ quan, chúng ta thường được đồng nghiệp nói: Anh ấy, chị ấy đi làm vì “đam mê”. Hai từ “đam mê” (trong nháy) nói ở đây lại để chỉ những người đi làm không vì mục tiêu kiếm tiền hay khẳng định bản thân mà đơn giản coi công việc họ làm là để…giết thời gian.
Người đi làm vì “đam mê” chúng ta thường nói là mẫu người an phận, nỗi lo về kinh tế của họ đã có bố mẹ, vợ hoặc chồng gánh vác nên số tiền họ nhận được có là bao nhiêu cũng không quan trọng.
Bản thân một người khi đã không có mục tiêu kiếm tiền, không khát khao khẳng định bản thân, không tham vọng thăng tiến trong công việc sẽ không còn cố gắng, bản thân sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo, làm việc hời hợt cho xong. Họ cũng không còn chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Bao trùm tâm lý và hành động của người đó sẽ là: Hoàn thành việc được giao, hoặc tệ hơn là làm cho xong, cho qua…Do đó, khi cơ quan có nhiều người đi làm chỉ vì “đam mê” sẽ rất nguy hại.
Từ thực tiễn đó, ngày 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã chính thức không còn hình thức biên chế suốt đời với viên chức.
Đây được xem là giải pháp xoá bỏ tình trạng chây ì, làm việc kém hiệu quả của những cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” với suy nghĩ đã vào là không có ra. Mục tiêu tạo ra áp lực để mỗi viên chức phải cạnh tranh giữ chỗ, từ đó tạo ra sản phẩm tốt hơn phục vụ xã hội và xứng đáng với đồng lương họ nhận.
Nhiều tỷ phú trên thế giới, họ sở hữu rất nhiều tiền nhưng họ vẫn tranh cử làm tổng thống và sẵn sàng không nhận lương. Đúng, họ đi làm không vì tiền nhưng họ làm vì khẳng định giá trị, danh dự bản thân, mưu cầu hạnh phúc cho nhiều người, cao hơn là “lưu danh bảng vàng” để lại tên tuổi cho đời sau. Họ đi làm để khẳng định giá trị tối cao của con người, chứ tuyệt đối không ai đi làm chỉ vì “đam mê”. Và những người tự cho mình đi làm vì “đam mê” xin đừng hạ thấp đi ý nghĩa vốn có, rất đáng trân trọng của hai từ ĐAM MÊ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!