Ngày 12/2, Chính phủ quyết định chính thức cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc) với 10.600 nhân khẩu, do số ca nhiễm Covid-19 lên đến 11 người. Từ đó nhiều người Sơn Lôi đã phải khóc ròng, không vì nỗi sợ hãi dịch bệnh mà vì tủi thân, hoảng loạn khi bản thân và gia đình bị kỳ thị ở khắp nơi.
Tối 16/2, chuyến xe khách từ Hà Giang xuống Hà Nội của chúng tôi dừng ít phút tại một trạm dừng nghỉ trên quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên đi Việt Trì. Mặc dù cách khá xa địa bàn xã Sơn Lôi nhưng tôi cảm nhận thấy nơi đây vắng vẻ lạ thường, trái ngược với cảnh đông đúc thường thấy của một trạm dừng nghỉ nơi quốc lộ huyết mạch.
Ai nấy nhanh chóng xuống xe nhưng khi phát hiện đây là địa bàn Vĩnh Phúc liền lập tức quay lại. Tất cả im lặng đằng sau lớp khẩu trang xám xịt.
Sau khi xe tiếp tục chuyển bánh, cô gái ngồi cạnh tôi tâm sự, cô cũng là người Sơn Lôi, đang làm việc trong TP. Hồ Chí Minh, tết rồi bận việc không về thăm quê nên 2 tuần trước mới về. Chẳng dè gặp đúng đợt dịch bệnh, rồi xã nhà bị cách ly, cô không thể trở về, cứ lang thang đi du lịch khắp nơi để chờ đến ngày quay lại TP. HCM làm việc tiếp.
Nói rằng đời mình chưa từng trải qua cảm xúc tiêu cực như thế này khi mà có nhà không dám về, cha mẹ cô nhớ con cũng khóc lóc, nhưng họ đều khuyên cô không nên về. Bởi vì chính người Sơn Lôi nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung cũng đang phải trải qua những ngày tháng rất khó khăn.
Mới đây, một khách sạn trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dù cách Vĩnh Phúc đến 40km đã trưng ra tấm bảng không nhận khách Vĩnh Phúc. Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, rất nhiều người Vĩnh Phúc cảm thấy bị tổn thương.
Rồi lại nghe xôn xao việc một bệnh viện tư (thường quảng cáo là “bệnh viện quốc tế”) nổi tiếng ở Hà Nội từ chối nhận 2 sản phụ người Vĩnh Phúc mặc dù đã làm thủ tục xong xuôi, một người trong số đó có hợp đồng sinh con trọn gói tại đây. Vụ việc này sau đó được vài tờ báo thông tin là do hiểu lầm song bệnh viện nọ vẫn bị mất điểm ghê gớm.
Đâu đó ở một vài khu phố có hiện tượng tổ trưởng dân phố đi gõ cửa từng nhà để điều tra gốc gác của người dân, hễ cứ dính tới chữ “Vĩnh Phúc” thì dù đã lâu không qua lại Vĩnh Phúc vẫn cứ bị thông báo rộng rãi để những người không phải người Vĩnh Phúc được "phòng bị kĩ lưỡng" bằng cách tránh giao du (!)
Thậm chí, hôm 13/2, cộng đồng mạng được dịp hoang mang khi báo cáo của Trạm y tế xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn - Quảng Nam) dùng từ "4 đối tượng" để chỉ 4 người đến từ huyện Lập Thạch và Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang tạm trú ở Quảng Nam.
Trước khi Sơn Lôi bị cách ly, tôi đọc báo thấy nhiều người Trung Quốc, đặc biệt ở thành phố Vũ Hán – nơi khởi phát căn bệnh viêm phổi cấp do virus Corona - đã bị đối xử bất công tại chính Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng dè giờ đây lại chứng kiến ngay trên đất nước mình.
Phòng dịch cho bản thân cũng chính là góp phần giữ gìn cho cộng đồng. Song, kỳ thị người ở vùng có dịch thì không phải là một thái độ đúng đắn đối với vấn đề kiểm soát dịch bệnh nói riêng và vấn đề ứng xử văn minh nói chung.
Vì sao một tổ công tác gồm những bác sĩ, điều dưỡng, phi công… sẵn sàng lao vào tâm dịch Vũ Hán hôm 10/2 để đón 30 người Việt trở về? Họ cũng sợ chết, sợ mất tự do vì cách ly, nhưng vẫn có những thứ mạnh hơn nỗi sợ hãi, đó là lòng dũng cảm, sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái…
Trong đó, sự hiểu biết về dịch bệnh nên được đặt lên hàng đầu.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế) cho hay, nguyên nhân lây lan của bệnh là do tiếp xúc gần... và hoàn toàn có thể đề phòng bằng nhiều biện pháp như rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ... Như vậy chỉ cần phòng vệ khi có tiếp xúc gần, chứ không phải là xa lánh, kỳ thị mọi người đến từ vùng dịch.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 16 ca mắc Covid-19. Tuy nhiên kể từ ngày 13/2 đến giờ chưa phát hiện thêm ca mắc Covid-19 mới.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn ra sáng 19/2, Bộ Y tế cho biết hiện đã có 14/16 bệnh nhân được chữa khỏi. Chỉ còn 2 trường hợp vẫn đang theo dõi (Đó là em bé 3 tháng tuổi người Vĩnh Phúc đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và một Việt kiều Mỹ 73 tuổi đang điều trị tại TP HCM) nhưng các lần xét nghiệm gần nhất đều cho kết quả âm tính, dự kiến cũng sẽ sớm được ra viện.
Tỉnh Khánh Hoà có một ca khởi bệnh từ 17/1, đến bây giờ đã quá 30 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới và đang xúc tiến cho việc công bố tỉnh hết dịch.
Tỉnh Thanh Hoá có một ca mắc bệnh từ ngày 24/1, chỉ vài ngày nữa nếu không xuất hiện thêm bệnh nhân mới thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo tỉnh này hoàn thiện hồ sơ công bố hết dịch.
Tại ổ dịch Vĩnh Phúc, nhiều ngày nay cũng không xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới.
Trong lĩnh vực kinh tế, du lịch bắt đầu tăng trở lại. Từ 20/2 cửa khẩu Tân Thanh cũng được thông quan hàng hoá. Đây là những tin rất vui.
Và, từ ngày 13/2, trên facebook của mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định: Việt Nam xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt.
“Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v. - theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (2005). Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp..” – bản tin của WHO viết.
“Vì vậy, đừng ai khóc ở Sơn Lôi. Cũng đừng ai để người Sơn Lôi phải khóc. * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.