Đừng nghi ngờ ba chữ A

Nếu mất lòng tin vào cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội làm những việc tử tế.

img

Lâu nay cứ nhắc đến cụm từ "làm truyền thông", "làm PR"..., là nhiều người mặc nhiên gắn cho chúng ý nghĩa tiêu cực kiểu như lợi dụng, tranh thủ công chúng để quảng bá, đánh bóng cho một thương hiệu nào đó.

Vì cái định kiến đó mà đôi khi người ta thiếu đi những suy xét cẩn thận trước một vấn đề nghiêm túc. Câu chuyện đằng sau trào lưu đóng góp 3 chữ A trên mạng xã hội mấy ngày qua là một minh chứng cho điều này.

Mấy hôm trước, cũng như nhiều người sử dụng mạng xã hội khác, tôi đọc được những dòng trạng thái của bạn bè chia sẻ trên FB về một chiến dịch góp 3 chữ A để ủng hộ những đứa trẻ tự kỷ.

3 chữ A và thông điệp của chúng như sau:

- Autism: chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến bộ.

- Awareness: nhận thức là điều quan trọng. Phát hiện sớm và can thiệp đúng sẽ làm thay đổi cuộc đời người tự kỷ.

- A365: chương trình hướng dẫn cha mẹ hoàn toàn miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và tại cộng đồng.

Xét thấy chiến dịch có ý nghĩa nhân văn, thể thức tham gia đơn giản (chỉ cần post ảnh lên FB cá nhân và gắn hashtag là 3 chữ A trên) mà hiệu quả lại cao ( đủ 100.000 chữ A thì nhà tài trợ là một tổ chức ở Canada sẽ trao 200 triệu đồng cho A365 để tổ chức các hoạt động của cha mẹ trẻ tự kỷ) nên tôi đã tham gia mà không đắn đo gì.

Tôi nghĩ đơn giản, nếu mình chưa có điều kiện để từ thiện những thứ vật chất to tát mà ngay cả việc làm nhỏ bé thế này cũng bỏ qua thì dường như hơi vô cảm.

Và có lẽ cũng nhiều người nghĩ như tôi nên dù chưa hết hạn (ngày 15/4) nhưng số lượng chữ A đã vượt quá con số 100.000 rồi. Thật mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm đến vấn đề trẻ tự kỷ.

Thế nhưng thật bất ngờ khi cùng với luồng quan điểm ủng hộ chiến dịch, mấy ngày nay mạng xã hội đồng thời xuất hiện luồng quan điểm phản đối vì cho rằng chiến dịch đã lợi dụng sự cả tin, lòng trắc ẩn của cộng đồng để quảng bá thương hiệu, mỉa mai nhà tài trợ vì "từ thiện có điều kiện", gom chữ A đổi tiền tài trợ không khác nào quay số trúng thưởng, v.v...

Hôm qua (16/4), đại diện Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (Vietnam Autism Network -VAN) đã lên tiếng đính chính rằng gói tài trợ 200 triệu đồng của tổ chức Grand Challenger Canada (GCC) là đã được dự trù từ trước. Việc gom những chữ A thực chất không phải là điều kiện của gói tài trợ mà chỉ xuất phát từ mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng, lan toả sự sẻ chia đối với những gia đình có trẻ tự kỷ.

Đại diện VAN nhận trách nhiệm về việc khiến cộng đồng hiểu sai điều kiện của gói tài trợ. Một số thành viên của VAN cho rằng đây là... lỗi truyền thông (!).

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ khó có chuyện một tổ chức uy tín, lâu năm như VAN (đã trải qua 7 năm với nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ) lại mắc lỗi truyền thông sơ đẳng như vậy. Có chăng họ muốn đẩy chiến dịch đến cao trào để tăng tương tác trong cộng đồng mà thôi.

Tuy nhiên, hành động đó cũng không có gì đáng ầm ĩ. Bởi cả VAN lẫn A365, GCC đều là những thương hiệu, tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Nếu quảng bá cho họ mà giúp thêm nhiều đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì tại sao không?

Chúng ta nghi ngờ nhà tài trợ làm từ thiện có điều kiện, song chính những người phản đối 3 chữ A lại là những người làm "từ thiện 0 đồng" cũng đòi điều kiện. Họ không mất gì, nhưng vẫn sợ lòng tốt của mình bị lợi dụng. Đó là một thái độ yếm thế, thể hiện sự mất lòng tin trong xã hội.

Người mắc chứng tự kỷ không chữa được nhưng có thể đạt cân bằng và hạnh phúc nhờ bố mẹ và cộng đồng thấu hiểu. Bởi vậy, chúng ta tiếc gì một nghĩa cử đơn giản nhưng lại giúp người khác có cơ hội sống hạnh phúc hơn?

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img