Những ca mắc covid – 19 trước thềm năm mới khiến cả nước lo lắng. Liền sau đó, xuất hiện F0, F1 và những ổ dịch mới, thông tin những khu cách ly tập trung liên tục được báo đài cập nhật…
Trong cuộc chiến chống Covid-19 đất nước ta được ghi nhận là điểm sáng của thế giới. Báo chí quốc tế không ngần ngại dùng một loạt mỹ từ ca ngợi tinh thần chống dịch của Việt Nam như: “Covid-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?”; Tạp chí Lữ hành nổi tiếng Travel Daily thì ca ngợi “Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020; Hồi tháng 7/2020, Courthouse New Service của Mỹ đánh giá Việt Nam là “vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”…
Bất chấp quy định về phòng chống dịch, quán bia ở số 1 Nguyễn Khánh Toàn vẫn đông như đi hội.
Những tưởng cơn đại dịch dần lắng xuống, người dân Việt Nam sẽ được đón một năm mới an lành thì thông tin dịch bùng phát khiến nhiều người bất an. Dù vậy, với sự chung sức chung lòng, kinh nghiệm cũng như nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, chúng ta tin tưởng sẽ tiếp tục vượt qua cơn đại dịch như chúng ta đã từng làm.
Nhưng trước những nỗ lực của cả xã hội, vẫn có những cá nhân vô ý thức, châm thêm dầu phá hỏng thành trì phòng chống dịch của cả nước. Họ là những người tiếp xúc với nguồn lây nhưng lại không khai báo, hoặc khai báo quanh co, gian dối. Thật khó hiểu, không biết họ nghĩ gì? Ích kỷ chăng? Hay lo ngại bị mọi người kỳ thị, lo lắng sẽ không được trở về quê đón Tết cùng gia đình, hay bị phát hiện ra bí mật ghê gớm nào đó….
Cái giá của việc khai báo trung thực thì sao? “Nhẹ nhàng” họ có thể bị nêu tên trên mạng xã hội, nhận về vài lời bình phẩm khó nghe khi mang virus về cho cộng đồng; hoặc cùng lắm thì bị đưa đi cách ly…
Nhưng cái giá của lời nói dối trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch thì những cá nhân đó sẽ trở thành “kẻ thù của công chúng”. Vì họ mà nhiều người khác bị cách ly tập trung, nhiều người lao động xa xứ chẳng thể trở về đoàn viên cùng gia đình; Nhiều doanh nghiệp trước mới “thoi thóp” giờ thì chính thức phá sản. Chúng ta đã từng ứa nước mắt trước hình ảnh những cháu học sinh lớp 3 của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội phải cách ly tại trường do có 1 cháu học sinh lớp 3 dương tính với Covid-19.
Nghiêm trọng hơn, người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Trơ trẽn hơn cả lời nói dối, có những người bất chấp quy định của chính quyền địa phương về phòng chống dịch chỉ để thỏa mãn cái nhu cầu ăn uống tầm thường của cá nhân. Hãy nhìn xem, khi Hà Nội yêu cầu hàng quán không mở hàng để chống dịch, hoặc hàng ăn phải có vách ngăn hoặc thực khách phải ngồi giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Nhưng chiều tối 19/2, quán bia ở số 1 Nguyễn Khánh Toàn vẫn đông như đi hội. Người người ngồi chen vai, thích cánh cùng “hứng khởi” chạm cốc như ngoài kia chưa từng có dịch bệnh. Ý thức, danh dự, nhân phẩm của họ bị men bia phủ mờ đi chăng?
Những quán vẫn mở cho người uống cà phê một cách lén lút khi bị nhắc nhở thì nói dối… “vào chúc Tết”!
Vi-rút gây dịch bệnh Covid-19 đang được các nhân viên y tế, các ngành chức năng nỗ lực khống chế để đảm bảo cuộc sống bình an cho người dân. Nhưng vi-rút nói dối, vi-rút vô ý thức còn đáng sợ hơn nó có nguy cơ phá hỏng những nỗ lực của toàn xã hội.
Lời nói gió bay nhưng lời nói dối dù có bão cũng không thể cuốn đi được, hậu quả không chỉ ai làm, người nấy chịu và có thể gây ra nguy cơ cho toàn xã hội.
Bởi vậy, xin đừng nói dối để chờ… gió bay, hãy sống có trách nhiệm với bản thân và có trách nhiệm với cộng đồng.
• Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
T.V