Tôi – một bà mẹ có con là học sinh tiểu học – đã theo sát quá trình học online của con từ ngày đầu đến bây giờ và cũng đã chứng kiến nhiều tình huống chỉ có thể nói là… cười ra nước mắt (!!).
Mấy hôm nay, vợ chồng anh T – một đồng nghiệp của tôi – thường tất tả chạy đi chạy lại từ nhà đến công sở để vừa đi làm vừa quán xuyến việc học online của 2 đứa con. Vợ chồng anh phải chia ca, mỗi người phụ trách một đứa vì không thể liên tục vắng mặt trong giờ làm việc.
Nguyên nhân là từ khi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly toàn xã hội” được thay thế bằng Chỉ thị 19/CT-TTg cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều công sở kết thúc thời gian nghỉ chống dịch, các bậc phụ huynh đi làm trở lại trong khi con cái vẫn tiếp tục học online ở nhà.
Nếu để con tự học thì sợ chúng lơ là, và nếu chẳng may đường truyền internet trục trặc thì không ai giúp. Đó là chưa kể nhà chỉ có một chiếc máy tính, khi hai con cùng học online thì anh T hoặc vợ phải ở nhà để cho chúng mượn điện thoại di động.
“Hiện tại chúng tôi đang cố khắc phục nhưng cũng vẫn có buổi đành để con phải nghỉ học vì công việc bận không về được” – anh T chia sẻ.
Còn chị A, hàng xóm nhà tôi thì kể, do công việc của vợ chồng chị thường xuyên phải làm trên máy tính nên khi cả hai con học online, chị phải ra cửa hàng sửa chữa máy tính thuê một cái laptop dài hạn về cho con học trong mùa dịch. Những gia đình khác không thuê được thì hoặc là “cắn răng” mua máy tính, điện thoại mới hoặc cũng đành để con học kiểu buổi đực buổi cái vì thiếu thiết bị.
Đó chỉ là hai trong số 1001 lý do khiến những đứa trẻ bị gián đoạn quá trình học trực tuyến trong mùa dịch bệnh Covid-19 mà tôi gọi vui là bị “đuổi học” online.
Ngoài ra là các lý do: bố mẹ hoặc giáo viên thiếu kiến thức về máy tính và mạng internet, trẻ về quê với ông bà không học được, chất lượng đường truyền không ổn định, trẻ chưa quen với phương pháp học mới…
Tôi – một bà mẹ có con là học sinh tiểu học – đã theo sát quá trình học online của con từ ngày đầu đến bây giờ và cũng đã chứng kiến nhiều tình huống chỉ có thể nói là… cười ra nước mắt (!!).
Nhớ mấy hôm đầu, khi nhận được thông báo trên nhóm chat giữa cô giáo và các phụ huynh về việc bắt đầu cho các con học online qua ứng dụng “Zoom Cloud Meetings”, nhiều phụ huynh đã nháo nhào hỏi nhau cài đặt ra sao, sao tôi không cài được, có ai cài thành công trên máy Mac chưa?...
Có phụ huynh dù đã được hướng dẫn tận tình từng bước nhưng mãi vẫn không cài được ứng dụng khiến học sinh đó bị “thất học” mất mấy buổi đầu.
Rồi lại có người xin phép cô giáo cho con nghỉ học online với lý do con đang ở quê với ông bà, đang thời gian giãn cách xã hội nên không lên Hà Nội được, ở quê ông bà vừa không có thiết bị vừa mắt kém nên không thể kèm cháu học.
Lại có gia đình hai vợ chồng là lao động phổ thông, không sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh, khiến giáo viên cũng không biết làm sao để hỗ trợ.
Cuối cùng, sau khi loại trừ các lý do về hoàn cảnh sống, điều kiện sống, cô giáo của con tôi cũng gom được khoảng 2/3 lớp theo học online và theo chỉ đạo của ngành giáo dục thì vẫn phải tổ chức lớp mặc dủ sĩ số không đủ.
Nhưng chưa dừng ở đó, trong quá trình dạy và học của lớp học này, tôi lại chứng kiến thêm nhiều lý do hi hữu khiến học sinh tiếp tục bị “đuổi” ra khỏi lớp.
Ví dụ như chất lượng đường truyền. Thỉnh thoảng đang giảng dạy, cô giáo lại phải ngừng để nghe điện thoại của phụ huynh phản ánh là tôi bị out ra khỏi phòng học, tôi không nghe thấy gì, hình ảnh sao mờ nhòe thế?, vân vân…
Sau đó là kỹ năng học online của cả học sinh và phụ huynh chưa có, lớp học trở nên rất lộn xộn.
Mặc dù đã được nhắc học sinh phải tắt mic khi học, chỉ bật khi được mời phát biểu nhưng nhiều gia đình vẫn quên nhắc con, khiến cho các tạp âm kiểu như bố mẹ mắng con, bà mắng cháu, tiếng ti vi, tiếng trẻ em quấy khóc trong gia đình lọt cả vào âm thanh phòng học.
Học sinh tiểu học lại đa phần là những đứa trẻ non nớt, chúng lạ lẫm và hiếu kỳ với phương pháp học mới nên vẫn nói tự do trong giờ học, gọi “cô ơi”, ‘con thưa cô” ầm ĩ, mách lẻo nhau, ngó nghiêng, hét vào mic, thậm chí dùng tay vẽ ngoằn ngoèo vào bài giảng trực tuyến của giáo viên…
Và trong nhiều trường hợp, để khỏi ảnh hưởng đến lớp, cô giáo buộc phải mời một số học sinh ra khỏi phòng học.
Đó là chưa kể, thời gian đầu cả cô và phụ huynh đều thiếu kinh nghiệm, chưa tính đến yếu tố bảo mật, không cài đặt mật khẩu nên đã dẫn đến tình huống lộ ID phòng học khiến người lạ lọt được vào phòng và gây nhiễu thông tin lớp học.
Trong trường hợp này, cô giáo buộc phải “đuổi học” online cả lớp, tạm dừng lớp học để cài đặt bổ sung lớp mật khẩu bảo mật.
…..
Dịch bệnh là điều bất khả kháng và học online là giải pháp tình thế để tránh làm gián đoạn việc học của học sinh, với tinh thần “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”.
Do đó hoàn toàn có thể thông cảm với thực trạng triển khai còn nhiều hạn chế của phương pháp học này.
Song thiết nghĩ, trong “nguy” có “cơ”, ngành giáo dục nên nhân biến cố dịch bệnh này để có chiến lược đầu tư bài bản cho phương pháp dạy học online, vừa giúp chủ động hoạt động giáo dục khi xảy ra sự việc bất khả kháng, vừa đón đầu xu hướng học tập suốt đời, học tập không giới hạn đang phổ biến trên thế giới.
Trước hết, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để các nhà trường triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện.
Bản thân các nhà giáo nên tự trau dồi phương pháp dạy học trực tuyến (bao gồm kỹ năng làm chủ thiết bị công nghệ), song song với phương pháp giảng dạy truyền thống, để khi các trường triển khai thì có thể đáp ứng được yêu cầu công việc luôn.
Yếu tố còn lại thuộc về học sinh. Mặc dù các em khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô nhưng trên thực tế lại phụ thuộc hoàn cảnh của gia đình và kỷ luật của giáo viên. Và đây là trách nhiệm liên kết của cả gia đình và nhà trường.
Dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế thành công bước đầu ở Việt Nam, song chừng nào chưa thể công bố hết dịch thì sự an toàn y tế của người dân còn chưa được đàm bảo, việc học của học sinh vẫn chưa thể quay về phương pháp truyền thống hoàn toàn.
Bởi vậy, một thái độ khẩn trương, nghiêm túc khi tiếp cận vấn đề để thay đổi và thích ứng sẽ là rất cần thiết trong lúc này.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả