Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Câu hỏi đầu tiên, tại sao anh lại chọn cách rong ruổi hàng ngàn km chỉ để chụp rác?

Cách đây vài năm, sau khi biết mẹ mình bị ung thư và nhựa là một trong những nguyên nhân tác động, tôi đã có ý định làm điều gì đó ý nghĩa. Đề tài về rác thải nhựa gợi cho tôi nhiều suy nghĩ và thử thách.

Khi tôi bắt đầu, nhiều người không hiểu tại sao tôi lại thực hiện hành trình mông lung như vậy. Thế nhưng, vấn đề rác thải nhựa không thuộc trách nhiệm của riêng ai. Tôi quyết định góp một phần sức lực nhỏ nhoi của mình, dùng sức mạnh của nhiếp ảnh để biết đâu đó thay đổi được nhận thức của cộng đồng.

Một khi đó là thôi thúc từ nội tâm, khi ta có niềm say mê, ý tưởng và thấy mình cần phải đi, ta sẽ thấy mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều.


Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Anh có thể kể sơ lược về hành săn rác qua 28 tỉnh, thành phố ven biển?

Tháng 8/2018 là thời điểm tôi bắt đầu cuộc hành trình. Do vị trí xuất phát từ Hà Nội tôi đã quyết định chia thành 2 chặng cho thuận đường.

Từ tháng đầu tháng 8 sang tháng 9 tôi đi từ Thủ đô tới Ninh Bình và từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Sau đó, tôi lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay lại TP.HCM và gửi xe đi máy bay trở ra Hà Nội.

Trong tháng 12/2018, tôi đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng (qua đảo Cát Bà) và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.


Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Những nơi mà tôi đi qua thì mọi người quăng xuống biển rất nhiều thứ và việc xử lý ở các địa phương chủ yếu là chôn lấp và đốt.

Tôi nghĩ rằng, trước thực trạng này thì chúng ta cũng cần phải có những hành động rất mạnh mẽ, từ việc làm sao hạn chế, giảm thiểu chất thải đại dương, thu gom xử lý chứ không phải chôn, đó là một biện pháp rất là cổ xưa.

Trong hành trình chụp rác thải nhựa gần 2 tháng, điều gì khiến anh ám ảnh cho đến tận bây giờ?

Thực sự là có rất nhiều câu chuyện mà tôi đã gặp nhưng ấn tượng hơn cả là bãi biển Tuy Phong - Bình Thuận, nơi mà những cái kênh không nhìn thấy nước đâu, chỉ nhìn thấy toàn rác thải nhựa nổi lềnh phềnh trên đó, trẻ con chơi đùa ở đó.

Những nơi có bãi biển kéo dài cả km toàn rác thải không nhìn thấy cát đâu cả và mọi người còn đi vệ sinh ở trên đó.

Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng
Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Tôi cũng vô cùng sốc và bàng hoàng khi đến Bình Châu có cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Người ta quăng rác cứ như thể tập thể dục buổi sáng và họ thường xuyên quăng xuống biển như thế. Và ở đó tôi cũng nghe được câu nói của người dân và sau đó rất nhiều người dân nói với tôi là: “Ở đây không có thùng rác!”.

Tôi thấy xót xa khi đến nơi danh lam thắng cảnh là Hòn Phụ Tử rất đẹp ở Kiên Giang- một bãi tắm hiếm hoi ở đó, vậy mà mọi người lại đổ rác ngay tại bãi cát rồi đốt.

Rồi tôi nhìn thấy cây thốt nốt hay là cây dừa rất lâu năm bị đốt cháy chết. Thậm chí gốc vẫn còn đen ở ngay khu soát vé của di tích lịch sử thì thật sự, đấy là những cái mà tôi cảm thấy xót xa.

Tôi tự hỏi ở những nơi trung tâm như vậy mà còn thế thì những nơi vùng sâu vùng xa thì không biết thế nào?


Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Trong suốt hành trình, cung đường nào đáng sợ nhất với anh?

Một thân một mình trên hành trình, tôi cũng gặp những nỗi sợ hãi.

Có lần hai bên “gầm ghè” chờ đợi nhau ở bờ biển hoang vắng khi bên kia là một người lái xe tải định đổ rác ra biển, còn mình lăm lăm đồ nghề để quay, chụp.

Cũng có lần tôi không dám đi tiếp buổi chiều tối vì đường ven biển hoang vắng. Rồi cũng có lần chập tối phải quay lại vì mưa rất to và tầm nhìn chỉ được 2-3m.

Trong suốt hành trình một tháng rưỡi đó, tôi chưa hề nhìn thấy một vụ tai nạn nào trên các đường ven biển, liên xã, liên huyện... nhưng đã gặp 3 vụ ở quốc lộ, thậm chí có cả người chết ngay trước mặt.

Đoạn đường mà tôi cảm giác sợ hãi nhất là từ Phan Rang đi Cà Ná. Đổ xăng lúc 18h tối, anh nhân viên dặn tôi cần khẩn trương đi sớm bởi nơi này hỏng xe, thủng lốp là rất mệt.


Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Không ngờ trời tối nhanh, cơn dông chuẩn bị ập đến, bầu trời đen vần vũ như xà xuống mặt đường. Gió thổi xe nghiêng ngả, không theo một chiều nào cả. Vách núi sững sừng bên này, bờ biển đen âm u bên kia, ở dưới là vực sâu.

Cách Cà Ná khoảng hơn chục km thì thấy ánh sáng lập lòe xa xa, thoắt ẩn, thoắt hiện, tiếng gió rít rùng rợn, bầu trời âm u. Tới nơi, tôi mới thấy có một người đàn ông đi xe đạp xiêu vẹo trong gió, cầm cái đèn pin rọi xuống đường. Phóng qua anh này thì tôi suýt đâm vào một con bò. Rồi trời bắt đầu lác đác mưa nhẹ, tôi cũng không dừng lại mặc áo mưa nữa bởi đường vắng, không may có kẻ xấu nào đi đằng sau đuổi kịp thì khó có thể ứng phó. Bầu trời, khung cảnh như trong phim kinh dị.

Chỉ đến khi nhìn thấy ánh đèn đô thị phía xa, tôi mừng hơn cả địa chủ được mùa. Tôi hoảng đến mức chả có tâm trí đâu mà chụp ảnh với quay video.

Theo anh, lý do vì sao lại có thực trạng rác thải nhựa đáng báo động ở nước ta?

Có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên tôi nghĩ xuất phát từ nhận thức, ý thức của người dân địa phương vì bản thân đó là môi trường sống của chúng ta. Nhưng ở đây nguy hiểm hơn là rác thải nhựa mọi người quăng xuống biển là mọi người nghĩ nó trôi đi đâu đó nhưng thực chất là nó lại vào thức ăn của chính họ.

Để một địa phương mà nhiều rác như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có phần trách nhiệm của chính quyền. Một phần nữa sâu xa hơn tôi nghĩ chúng ta cũng phải để ý tới trách nhiệm của đơn vị kinh doanh sản xuất liên quan đến đồ nhựa tại địa phương, đó là trách nhiệm của họ ở trong đó.


Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Khi bắt đầu, anh có kỳ vọng gì về sức lan tỏa của hành trình chụp ảnh rác?

Thú thật là không. Tôi chỉ mong muốn chứ không đặt nhiều kỳ vọng và tôi thực sự rất vui vì thông điệp của bản thân đã được hiện thực hóa và đón nhận nhiệt tình. Sự hưởng ứng tích cực của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, những trào lưu sống xanh hay dọn rác bãi biển chính là tinh thần hành động mà tôi mong muốn truyền tải.

Hành trình chụp ảnh rác thải nhựa của anh còn tiếp tục?

Hơn 100 bức ảnh “săn” rác của tôi vừa được giới thiệu trong triển lãm “Save of Seas - Hãy cứu lấy biển” được tổ chức ngày 4/6 tại Hà Nội hưởng ứng ngày Môi trường thế giới.

Ngoài thời gian đi “săn” rác, tôi còn dạy nhiếp ảnh cho trẻ em tại học viện Nhiếp ảnh Ánh Sáng hay nhóm “cho trẻ”. Tôi cũng tổ chức nhiều chuyến đi về với thiên nhiên cho các bạn nhỏ đối diện với thực tế. Các bạn nhỏ đều được hướng dẫn nhặt rác, hay mang các bình nước cá nhân. Cách dạy các bạn nhỏ hữu ích nhất chính là hành động bảo vệ môi trường cụ thể của người lớn, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.


Người ta quăng rác cứ như tập thể dục buổi sáng

Hành trình “săn” rác cho tôi rút ra được rất nhiều điều trên xã hội, là sự mở đầu cho dự án chụp ảnh rác thải nhựa của tôi. Tôi sẽ còn đi nữa. Chuyến đi cũng làm tôi nhận ra chính bạn chứ không ai khác sẽ là người đưa bạn tới nơi bạn muốn.

Khi bạn thấy khó khăn, thực ra đó chỉ là do nỗi sợ hãi đã lớn hơn mong ước của bạn mà thôi. Mỗi việc bạn làm để làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la nhưng đại dương sẽ ít đi khi thiếu những giọt nước ấy.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện ý nghĩa này.