Tôi tạm gọi đây là trận chiến của những chiến binh gìn giữ hòa bình đặc biệt trên vùng biên giới. Đối thủ của họ là “một kẻ lạ mặt” mang tên Covid–19 – hay trước đây chúng ta vẫn quen gọi là dịch bệnh do virus Corona (nCoV).
Giữa tháng 12, “kẻ lạ mặt” Covid-19 đến Vũ Hán (Trung Quốc) một cách âm thầm. Chúng mang bộ mặt lạnh tanh ép những người vô tội ký tên vào tấm sổ sinh tử.
Số ca tử vong vì virus Covid–19 chủng mới chỉ tính tại Trung Quốc đại lục đã lên đến hơn 1.100 trường hợp, vượt qua tổng số ca tử vong trên toàn cầu trong dịch SARS 2003. Và đáng lo ngại là con số đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đọc được sự sợ hãi trong ánh mắt của nhiều người, số liệu người tử vong mỗi lúc một tăng, tôi ước có một phép màu!
Đến biên giới trong những ngày “báo động đỏ”, nhiệt độ khắc nghiệt như thử thách lòng kiên nhẫn của những chiến sĩ bộ đội cùng những công dân từ Trung Quốc về Việt Nam.
Sương muối, mưa bụi càng khiến không gian thêm ảm đạm. Gió miền xa rít lên từng hồi, luồn vào kẽ tay áo làm tôi bất giác rùng mình.
Đi thẳng vào nơi ở của Trung đoàn 123, nhìn những công dân Việt Nam đầu tiên từ biên giới trở về, họ giống như tôi, lo lắng, sợ sệt, nhưng họ khác tôi rằng họ bị cách ly!
Nơi này thật đặc biệt, tại đây các bác sĩ đón nhận và tạo nơi ăn chốn ở cho bà con. Đồng thời, họ chuẩn bị các nhu yếu phẩm, vật dụng như bàn chải, khăn mặt, đồ ăn, thức uống,.... đảm bảo cuộc sống sinh hoạt.
Sau khi được đưa từ cửa khẩu biên giới, người dân tiếp tục được giám sát thân nhiệt.
Có chiến sĩ nói nhỏ với tôi rằng: “Lo cho bà con lắm, hễ ai 37 độ C là nhẹ nhõm thở phào, còn chỉ cần nhiệt kế nhích thêm một chút là cả đội nhìn nhau, không ai nói một lời, nhanh chóng đưa người đến ngay bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cách ly đặc biệt”.
Lặng hồi lâu, có lẽ đây là lần đầu tiên giá trị của con số được đo đạc bằng sinh mạng, giá trị của nụ cười hiện trên chiếc nhiệt kế lạnh tanh không cảm xúc.
Nhìn xung quanh vùng trời biên giới, mọi công dân tại trạm cách ly đều được khám sàng lọc. Các y bác sĩ thường xuyên thăm hỏi động viên người dân, túc trực bên người dân tránh để trường hợp phát bệnh lây nhiễm cho cộng đồng cũng như trong đơn vị.
Ai cũng như ai, khẩu trang kín mít, tay sặc mùi cồn, không khí tĩnh lặng không một tiếng cười đùa, chỉ có tiếng dụng cụ y tế va vào nhau tựa những mảnh thủy tinh va đập trên không trung.
Các bác sĩ nơi này, với tôi họ là chiến binh có đôi cánh thiên thần dũng cảm can trường, tận tâm nhiệt huyết.
Đối phó với kẻ thù mang tên Covid-19, vũ khí của họ không phải gươm đao súng trường mà là bệnh án, hồ sơ và cồn thuốc.
Thời điểm tôi đến, trạm đã tiếp nhận 346 công dân. Các công dân tại đây đều có sức khoẻ tốt và tâm lý ổn định. Trước đó, đã có 6 trường hợp cách ly đặc biệt tại bệnh viện đa khoa.
Khi đối mặt với 6 trường hợp nghi bị bệnh, mặc dù biết đây là 1 căn bệnh nguy hiểm nguy cơ lây lan cao, nhưng với tinh thần người lính quân y vì xã hội, vì cộng đồng, các “thiên thần” vẫn làm việc hết mình để giữ yên vùng biên giới khỏi kẻ thù nguy hiểm Covid-19.
Khi bạn được trải nghiệm một điều gì đó như ở nơi tôi đến, bạn sẽ không thể quên nó, tất cả những điều này, bằng cách này hay cách khác đều gây một ấn tượng nhất định.
Rảo bước nhanh trong hành lang đơn vị, tôi gặp dáng vẻ hiền hòa đôn hậu của Thiếu tá Nguyễn Công Hạnh, bác sĩ chủ nhiệm quân y Trung đoàn 123, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Đó là một người đặc biệt!
Gắn bó với hai chữ bộ đội khi còn là một cậu thanh niên, duyên phận đã đem anh gắn bó với đơn vị đặc biệt trên miền biên giới.
Anh nhìn tôi – cậu phóng viên trẻ còn nhiều thiếu sót, định vỗ vai tôi mà anh rụt tay lại, nhìn tôi qua 2 lớp khẩu trang tâm sự chân thành: “Thông cảm cho anh chút chú nhé, nghề mà, công việc bác sĩ ở đây vất vả nhưng với bọn anh là niềm vui, là cuộc sống. Anh và các chiến sĩ khác là những người thường xuyên tiếp xúc thăm khám, khó tránh khỏi khả năng nhiễm bệnh. Sau khi người dân cách ly, bản thân anh cũng phải ở lại tiếp tục cách ly 14 ngày mới được về bên gia đình, mặc dù gia đình đang ở rất gần”.
Trong mạch chuyện dang dở, giọng anh bỗng nghẹn lại: “Bà xã và con hay gọi điện lắm, mỗi lần nghe giọng bà xã là nghẹn đắng trong họng này chú ạ. Chú biết mà, vùng dịch, ai biết được ngày mai ra sao. Bà xã lần nào gọi cũng dặn dò sức khỏe, nghe ngóng bệnh dịch. Gia đình vô cùng lo lắng cho bản thân anh khi thường xuyên tiếp xúc với người dân từ biên giới Trung Quốc về, không biết có bị nhiễm bệnh hay không. Bản thân anh và các chiến sĩ khác mặc dù hiểu rõ bệnh dịch nhưng quyết phải sát cánh cùng người dân đến hơi thở cuối cùng. Đó là tinh thần người chiến sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse”.
Lòng quyết tâm chợt hóa thành chút bối rối khi trái tim có cơ hội thổn thức.
“Khi đi làm lâu ngày như này, anh nhớ con chứ, chỉ cần rảnh tay là nhất định sẽ gọi điện về. Mỗi lần gọi về vợ con vừa nói chuyện vừa khóc, anh cũng không cầm được lòng”, anh Hạnh lấy tay quệt ngang khóe mắt.
Chẳng dám hỏi nhiều, nghe anh tâm sự mà lòng bộn bề suy nghĩ. Ra là vậy, sợ hãi chỉ có thể khiến con người ta thêm lo lắng và buồn bã.
Ấy vậy nên vùng đất đặc biệt này, tôi mới thấy nhiều nụ cười đến thế!
Sự yên bình như trước kia dường như không còn nữa, trong không gian rộng lớn là tiếng trái tim đập run rẩy, hơi thở bị nén chặt trong sự căng thẳng.
Báo động đỏ, các bác sĩ tại trại cách ly túc trực 24/24 để sẵn sàng đối phó với bất kì tình huống nào khẩn cấp, quanh tôi lúc này là sự hối hả trong hành lang hút gió.
May mắn gặp bác sĩ Triệu Văn Tú - một trong những bác sĩ cũng được điều động từ những ngày đầu tiên “kẻ địch” tới.
Tôi ấn tượng ngay bởi sự ân cần của anh, anh hỏi tôi: “Cực cho em rồi, đến Lạng Sơn trong những ngày này là can đảm lắm”.
Tôi chợt chột dạ, bởi tôi biết nếu chỉ chút sơ sẩy là tôi có thể nằm trong danh sách cách ly.
Hàng ngày theo sự phân công, anh Tú cùng đồng nghiệp túc trực 24/24 tại trại cách ly cũng như bệnh viện.
Anh Tú bỗng rưng rưng: “Vợ anh ngày nào cũng gọi em à! Anh biết bà xã ở nhà lo lắm, lo vậy nhưng cũng chỉ động viên từ xa chứ nào đến được với nhau. Anh không dám về nhà, nãy vừa nói chuyện với cháu, con anh nói chưa sõi, mỗi lần gọi điện lại nói “ba ơi, lát ba về nhá, lát ba về nhá...”. Nghe con bập bẹ “Ba ơi, ba ơi” mà anh không kìm nổi lòng mình. Nghề nào cũng có tính đặc thù em ạ, nay bình yên mà chẳng nổi câu chuyện của ngày mai”.
Nghe anh nói, tôi nhìn vào màn hình điện thoại có hình đứa bé nhỏ chắc trạc tuổi đứa bé con ở nhà một chút, tôi cũng nghẹn lòng bởi cảm giác nhớ nhà, nhớ con”.
Covid-19! Đừng ai nhắc đến cái tên ấy. Thế mới thấu hiểu công việc của các y bác sĩ vùng biên giới đặc biệt này – vùng biên giới vốn bình yên nay đã gợn sóng.
Tôi bần thần, buổi sáng hôm nay thời tiết lẳng lặng rét buốt mà không báo trước.
Qua một đêm mưa, cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta chùn chân muốn sự lười biếng kéo dài. Nhiệt độ mỗi lúc một khắc nghiệt, ngoài cửa sổ gió vẫn rít liên hồi, thông báo gió mùa tăng cường phát văng vẳng trên bản tin làm tôi bất giác cho đôi tay đang cầm máy ảnh vào trong túi áo.
Trời trở về chiều, mặc chiếc áo phao dày sụ mà tôi vẫn rùng mình mỗi khi có cơn gió tạt qua.
Trong ánh sáng mờ của chiếc đèn cá nhân, người đàn ông quân hàm thiếu tá mặc bộ quân phục lặng cầm chiếc điện thoại có bức ảnh gia đình, nén nhớ thương vào từng hơi thở, vội gạt đi giọt nước mắt vụng về, đeo khẩu trang bước chân quay trở vào vùng đất đặc biệt!