Cùng nhau đi đoạn đường hơn nửa thế kỷ, nếu không phải là yêu thì đó cũng là sự phi thường.
Nắng đã nhạt dần trên con đường dài bãi giữa sông Hồng ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội).
Không ồn ào ánh điện xa hoa, không rộn ràng phù hoa hội chợ, nơi đây chỉ có một căn nhà tách biệt với 28 hộ dân tại xóm phao.
Ở đó, có một tình yêu đẹp như trong truyện cổ tích giữa cụ ông Nguyễn Văn Thành (83 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Thuỷ (82 tuổi), mối tình nghèo đó của ông bà đã kéo dài đúng tròn 50 năm…
Ông Thành, bà Thủy hai nhân vật trong bộ ảnh “Tình già” nổi tiếng từng được nhiều người biết đến. Quá nửa đời người sống với nhau, bởi qúa nghèo nên ông bà chẳng có với nhau lấy bộ ảnh cưới. Trong một lần tình cờ, một nhiếp ảnh gia có tâm đã chụp tặng ông bà bộ ảnh cưới đặc biệt.
Tìm đến bãi giữa sông Hồng, hơn 50 năm trước ông và bà gặp nhau trong một lần đi nhặt rác, cứ thế họ thường xuyên nói chuyện và yêu lúc nào không hay. Một thời gian sau họ về chung một nhà tại chân cầu Long Biên, không con cái, cuộc sống nghèo khó nhưng họ vẫn vui vẻ, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm đến được ngôi nhà nhỏ của hai cụ lênh đênh trên mặt nước sông Hồng. Thấy có người lạ, ông Thành vui vẻ chào đón vì “lâu lắm mới có khách đến chơi nhà”.
Trong căn nhà không có chút điện, ông Thành phe phẩy chiếc quạt tay, nhấp ngụm trà đá rồi ông giãi bày tâm sự: “Từ hồi tháng 8 đến giờ, mắt bà ấy hỏng hẳn rồi nên không thấy gì nữa. Tội lắm. Bao nhiêu việc trong nhà, việc sinh hoạt tôi đều phải giúp bà ấy chứ không dám rời mắt lúc nào".
Trước đây, quê ông ở Thanh Hoá, ngày đặt chân đến Hà Nội ông mới 10 tuổi. Ra đây ông đi tha phương cầu thực ở khắp mọi nơi để mưu sinh. Ông Thành nhớ lại: "Khi đang đi lang thang ở ga Hà Nội thì tôi nhìn thấy bà đang ngồi nhặt những hạt gạo người ta làm rơi để cho vào ống bơ mang về nấu, nhìn bà tôi thương quá. Sau một hồi ngồi nói chuyện, tôi ngỏ lời muốn đón bà Thủy về làm vợ, chẳng có gì nhiều nhưng bà đồng ý ngay. Cứ thế, chúng tôi cùng nhau kiếm sống qua ngày. Để ghi nhớ ngày về góp gạo thổi cơm chung ấy, tôi khắc lên cánh tay dòng số 26/9/1969. Trên cánh tay vẫn còn đó vết xăm giống như "tình cảm của tôi dành cho bà ấy vậy".
Đáng tiếc, cuộc sống ấy không có tiếng con trẻ, hai người cứ cùng nhau ở vậy sống qua ngày. Cả trong những ngày khó khăn nhất, ông bà vẫn luôn đồng hành cùng nhau, mùa nào thức nấy.
Bi kịch ập đến khi bà Thủy đột nhiên mất đi đôi mắt từ tháng 8/2018. Cuộc sống dần khó khăn, mình ông Thành gánh vác mọi chuyện để qua ngày đoạn tháng.
Ấy vậy mà hai vợ chồng ông bà chưa khi nào nói hay hờn dỗi vì nghèo, bởi đời người sống với nhau cốt là ở tấm lòng.
Bà Thuỷ tuy không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng tâm trí vẫn còn minh mẫn lắm, bà trầm buồn: “Kể có đứa con thì ông ấy không vất vả chăm tôi như bây giờ và hai vợ chồng chắc cũng vui. Chúng tôi về sống với nhau ngót nghét 50 năm rồi. Năm ấy, cả hai nghèo lắm, thương nhau thì tặc lưỡi, gật đầu về chung nhà. Tôi nghe mọi người nói chuyện tình của chúng tôi là chuyện tình “vợ nhặt”, tôi và ông ấy chỉ biết cười”.
Nhớ lại những mùa đông giá rét, bà Thủy giản dị nói: “Có những đêm đông giá lạnh, tôi chờ mãi mà không thấy ông ấy về. Hóa ra ông ấy cố chờ đoàn phát cháo từ thiện cho người nghèo phía bên kia chân cầu để mang về cho tôi ăn. Nhiều lần tôi nói nhưng ông ấy nhất định không chịu nghe, chỉ sợ vợ đói, vợ khổ chứ không bao giờ biết nghĩ đến bản thân mình.
Ông Thành nay đã 83 tuổi lãng tai còn bà Thuỷ cũng đã 82 tuổi và đôi mắt đã không còn nhìn thấy gì nữa.
Tổ ấm của họ là căn phao lênh đênh trên sông rộng khoảng 15m2, trước đây, căn nhà ấy được chắp vá từ đủ thứ tre, gỗ, tôn, nhựa... mà cả hai ông bà góp nhặt được. Mãi sau này, nhiều người xung quanh thương hai vợ chồng nghèo đã cao tuổi nên giúp đỡ, dựng lên chiếc bè chắc chắn hơn như bây giờ.
Nhìn chúng tôi hồi lâu, ông Thành dè dặt: “Giờ mưa gió đỡ sợ hơn nhiều rồi chứ trước đây, gió to một chút là có khi thổi bay cả bè, cả người luôn ấy chứ. Ngày xưa đến với nhau nhặt nhạnh manh chiếu, mảnh tre về làm, rồi cũng có chỗ ở. Sau này các cháu thương nó giúp đỡ mới có cái bè chắc chắn thế này”.
Ông nói mặc cho nụ cười sang sảng trên môi nhưng chúng tôi biết, ẩn đằng sau đôi mắt kia là những nốt nhạc trầm buồn.
Ngày trước khi còn khỏe mạnh, ông Thành thường vớt xác chết trôi trên sông Hồng rồi báo lại cho chính quyền địa phương. Hơn 20 năm qua, ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác chết trôi trên sông, cứu vớt bao linh hồn bơ vơ vô danh, không gia đình trong giá lạnh.
2h sáng, khi thành phố chìm vào giấc mộng mị, ông Thành lại lần mò chai lọ vỉa hè, cũng chẳng được bao nhiêu, nhiều lắm được 30 nghìn đồng.
Bây giờ, mắt bà không còn nhìn thấy gì nữa mỗi lần đi đâu ông đều phải chốt hết cửa xuống vì sợ bà lọ mọ ngã xuống sông.
Khó khăn lớn nhất khi ông bị người ta hiểu lầm vì ông hay đi nhặt nhạnh ve chai, nhiều người tưởng ông không có nơi nương tựa liền đưa lên trại ở Ba Vì 4 tháng.
Kể từ ngày ông Thành không ở nhà, đêm nào bà cũng mất ngủ, lo lắng. Thậm chí, bà còn chẳng thiết tha gì đến chuyện ăn uống, kiếm tiền. Bởi, bao nhiêu năm nay, 2 phận già neo đơn này đã nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ thiếu thốn trăm bề.
Bà Thủy một mình buồn rầu, hằng ngày làm bạn với chiếc điếu cày, với tiếng rít thầm tan vào làn khói trắng mù mờ ký ức. Hàng xóm có ai hỏi ông Thành đi đâu, bà Thủy thường né tránh không nói. Nếu ai gặng hỏi, bà chỉ bảo “ông Thành đi làm xa rồi, vài hôm nữa ông ấy sẽ về”.
“Cả đời chúng tôi chưa bao giờ sung sướng, cứ nay đây mai đó kiếm ăn qua ngày, chẳng con cái cũng chẳng có họ hàng, quê hương... Từ khi tôi bị mù lòa thì cuộc sống càng chật vật vì bao việc đè lên vai ông ấy cả. Từ việc nhỏ nhất như quét nhà nấu nướng, ông Thành cũng là người làm hết, nhưng có vậy mới thấy ông ấy thương tôi thế nào..." - bà Thủy chấm nước mắt kể.
Trên chiếc bè dập dềnh ven sông, điện là thứ xa xỉ với 2 vợ chồng già, ông Thành bộc bạch: "Trước đây mọi người cũng mua tặng chúng tôi cái ắc quy mặt trời. Nhưng trộm nó lấy mất lâu rồi. Cả nhà chỉ còn ngọn đèn ắc quy nhỏ đủ để đêm hôm còn dùng tạm. Mùa hè này, nắng nóng như đổ lửa càng khổ. Hai ông bà cứ phe phẩy quạt cho nhau ngủ cả đêm thôi”.
Dựa tạm phía ngoài căn gác tình thương, chiếc xe đạp mini nằm gọn gàng được ông Thành chỉn chu chăm sóc. Ông nói “con chiến mã” này là phương tiện duy nhất để ông mưu sinh, kiếm đồng quà tấm bánh.
Với ông bà, nó không chỉ là người bạn mà còn là bảo bối lớn nhất mà mọi người dành cho mình.
Tan vào khói chiều bảng lảng giữa bình an giữa lòng thành phố, ông Thành kéo chúng tôi về với bữa cơm gia đình hiếm hoi giữa ngã 4 cuộc sống: “Bữa cơm của hai vợ chồng già chúng tôi chẳng có gì ngoài bát cơm trắng, đĩa rau luộc và bát mắm ớt. Có khi nhờ ăn đạm bạc thế này mà hai vợ chồng tôi mới khỏe như này đó. Giờ còn sống được với nhau lúc nào hay lúc đó, chết thì chẳng sợ đâu, chỉ lo người nào đi trước người đi sau sẽ cô đơn”.
Tạm biệt ông bà khi đồng hồ điểm 8h tối, ánh đèn leo lét trong căn nhà nổi ám ảnh vào tâm trí chúng tôi hồi lâu. Hạnh phúc là vậy, bình yên thân thương giản dị đến vô thường.