Cách đây vài năm, xe điện còn là một khái niệm xa lạ, thiếu sự an toàn với phần đông người dùng ôtô tại Việt Nam, nhưng giờ đây loại phương tiện thân thiện với môi trường này đang ngày càng trở nên quen thuộc và xuất hiện nhiều trên đường phố của Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và các địa phương khác trên cả nước. Bên cạnh việc trở thành phương tiện giao thông cá nhân, xe điện cũng là sự lựa chọn của các hãng taxi trong bối cảnh lời kêu gọi “xanh” hóa ngành giao thông đang trở nên cấp thiết.
Bước ngoặt của thị trường taxi được mở đầu vào tháng 4/2023, khi CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM (thuộc Tập đoàn Vingroup) chính thức đưa Xanh SM - hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, đi vào hoạt động. Với sự xuất hiện của Xanh SM, thị trường taxi tại Việt Nam đã được chia lại thị phần với có 3 loại hình gồm: taxi truyền thống, taxi công nghệ và taxi điện.
Bản thân GSM cũng chính là một điển hình cho việc người dùng ngày càng ưa chuộng taxi điện. Ra đời trong bối cảnh còn nhiều hoài nghi của người dùng về xe điện, hiện tại, thương hiệu Xanh SM đã gặt hái rất nhiều thành quả và đánh giá tốt từ khách hàng.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (trụ sở tại Ấn Độ), sự xuất hiện của xe điện Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực gọi xe công nghệ của Việt Nam khi làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tính đến tháng 12/2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường gọi xe, gấp đôi thị phần của đối thủ từng đứng thứ 2 trước đó là Be Group. Bên cạnh đó, so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh, dịch vụ taxi của Xanh SM cũng dẫn đầu về số lượng xe sở hữu và số chuyến xe mỗi ngày.
Hiện nay, Xanh SM đã vươn mình mở rộng phạm vi khai thác tại 36 tỉnh/thành trên cả nước và đã đặt bước chân đầu tiên ra quốc tế với thị trường Lào. Hãng xe này cũng đang đặt mục tiêu phủ xanh 60 tỉnh, thành phố trên cả nước và chính thức hiện diện tại 9 quốc gia trên toàn cầu.
Bên cạnh sự mở rộng thị trường của Xanh SM, một diễn biến đáng chú ý trên thị trường là trong xu hướng xe điện ngày càng được ưa chuộng hơn, hãng taxi truyền thống cũng chuyển từ sử dụng xe xăng sang xe điện để tạo lợi thế cạnh tranh, giữ thị phần.
Hàng loạt thương hiệu taxi truyền thống đã ký các hợp đồng mua và thuê hàng trăm xe điện của Vinfast để đưa vào vận hành như Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), Én Vàng (Hải Phòng), Xanh Sapa (Lào Cai), Airports (Hà Nội), Mai Love (Nghệ An), Hợp tác xã vận tải Thanh Hà (Đắk Lắk), Nam Thắng (Kiên Giang), Biển Xanh Golden Pig (Ninh Thuận), Lado (Lâm Đồng). Theo GSM, tính đến thời điểm này, công ty đã cung cấp ô tô điện cho khoảng 30 doanh nghiệp có dịch vụ taxi hoặc vận chuyển hành khách theo hợp đồng.
Không thể đứng ngoài xu hướng, các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh đã mua mới số lượng không nhỏ xe điện, xe hybrid. Về phía hãng xe công nghệ, Be "bắt tay" với GSM đưa xe điện vào hoạt động, còn Gojek và Grab cũng đang đầu tư để triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách và giao đồ bằng xe điện.
Hiện cũng có nhiều hãng taxi truyền thống đã lên kế hoạch điện hoá 100% phương tiện. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng sử dụng ô tô điện trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo báo cáo của GSM, đến tháng 5/2024, sau 13 tháng tung dịch vụ ra thị trường, số lượng xe taxi điện vận hành dịch vụ của Xanh SM khoảng 17.000 xe trên cả nước.
Số lượng xe này chưa bao gồm khoảng 2.000 xe được hãng GSM cho thuê hoặc thuê mua với loạt hãng taxi địa phương. Nếu tính gộp cả taxi điện của GSM và các hãng địa phương, số lượng taxi thuần điện trên cả nước hiện tại xấp xỉ 20.000 chiếc, chiếm khoảng 30% số xe taxi đang hoạt động tại Việt Nam.
Về phương thức hoạt động, taxi điện có nhiều điểm giống với taxi truyền thống, khi cùng là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải thuê hoặc mua xe, có tài xế phục vụ khách hàng thông qua hình thức vẫy xe trực tiếp trên đường, hoặc liên hệ qua tổng đài. Đồng thời, taxi điện cũng kế thừa cách thức đặt xe, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhiều voucher giảm giá, tương tự taxi công nghệ. Do đó, xe điện nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người trẻ và các đối tượng sử dụng thành thạo điện thoại thông minh. Điều này có thể khó khăn với những người lớn tuổi, nhưng có thể khắc phục bằng cách nhờ người thân, bạn bè đặt chuyến hộ.
Tuy nhiên, điểm làm nên sự thu hút của xe điện đối với các hãng taxi đó là sự tối ưu trong chi phí vận hành và trải nghiệm khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Én Vàng Quốc tế (thương hiệu taxi Én Vàng) - doanh nghiệp tiên phong đưa xe điện vào kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách thay thế xe xăng tại Hải Phòng, cho biết khi quyết định đưa xe điện vào kinh doanh vận tải và xác định thay thế dần, tiến tới loại bỏ xe xăng, hãng taxi này đã nhận được nhiều sự băn khoăn, thắc mắc đến từ lái xe, khách hàng và cổ đông về lý do chuyển đổi. Tuy nhiên, với lợi thế về chi phí vận hành của xe điện đã khiến doanh nghiệp quyết tâm chuyển đổi.
“Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng. Còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 đến 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh cũng được cải thiện rõ rệt từ việc giảm chi phí nhiên liệu, giảm hư hỏng và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Chi phí thấp như vậy là sẽ mang lại hiệu quả cho người đầu tư, lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi”, ông chủ hãng taxi Én Vàng chia sẻ, đồng thời cho biết sau hơn 1 năm, câu trả lời của sự chuyển đổi là doanh nghiệp nhận được sự tin yêu, ủng hộ của khách hàng.
Đồng quan điểm, anh Võ Tấn Trung – Quản lý đội xe taxi Xanh SM Quảng Ngãi cho biết chi phí vận hành của xe điện đang thấp hơn nhiều so với dòng xe xăng cùng loại. Với dòng xe VinFast VF5, VFe34, trung bình mỗi xe tiêu tốn hết khoảng 100.000 – 150.000 đồng/1 ngày để sạc đầy bình và chạy được quãng đường hơn 300km. Trong khi đó, cùng quãng đường trên, xe xăng sẽ phải tiêu tốn khoảng 600.000 - 700.000 đồng chi phí nhiên liệu, tức là cao gấp 4-5 lần. Với bài toán chi phí như vậy, trung bình khoảng 2 năm là đơn vị vận hành có thể thu hồi được chi phí đầu tư.
Về trải nghiệm khách hàng, anh Trung cho biết qua đánh giá của người dân sau khi trải nghiệm taxi điện, đa số ý kiến đều cho rằng, ngồi trên taxi điện có cảm giác rộng rãi hơn, nhiều tính năng hơn so với taxi truyền thống. Đặc biệt, vì là xe điện nên khi di chuyển trên đường rất êm ái và không có mùi xăng, dầu khó chịu. Bên cạnh đó, do là một loại hình vận tải mới nên đội ngũ tài xế đều được đào tạo khá bài bản về cung cách phục vụ khách hàng.
Cũng do đặc tính của xe, anh Trung cũng cho rằng, bản thân người tài xế cũng cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn khi lái xe. “Chúng tôi ngồi trên xe điện 12-13 tiếng nhưng cảm thấy ít mệt mỏi hơn. Anh em lái xe khi đã lái quen xe điện đều không còn muốn quay lại xe xăng nữa”, anh Võ Tấn Trung chia sẻ.
Không chỉ tối ưu về chi phí và chất lượng dịch vụ, taxi điện còn đang góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 ra môi trường. Theo nghiên cứu, lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước và vẫn đang trong xu thế gia tăng. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm khoảng 80% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn ngành, theo sau là vận tải đường thủy, hàng không và đường sắt.
Vì vậy, việc phát triển và thúc đẩy phương tiện giao thông điện là một trong những giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính cho ngành GTVT, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thực hiện cam kết phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, lộ trình chuyển đổi, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, việc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi tiên phong sử dụng xe điện đang góp công lớn trong thực hiện cam kết của Chính phủ trong cuộc chuyển đổi “xanh”.
Để thúc đẩy xu hướng trên, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã có chỉ đạo về việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh taxi chuyển đổi sang xe điện. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường bền vững.
Trên thực tế, sau thời gian khá dài nghiên cứu thị trường, tham vấn ý kiến đóng góp, đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô tô, Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, trong đó có nhiều quy định nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ mở “đường lớn”, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Đánh giá về sự triển vọng của xu hướng “xanh” hóa thị trường taxi, TS. Lê Anh Sơn - Giám đốc Công ty CP PhenikaaX, Trưởng nhóm nghiên cứu dòng xe tự hành cấp độ 4 đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng hiện tại thị trường xe điện tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, thậm chí nhanh hơn so với việc phát triển về cơ sở hạ tầng, văn bản luật. Quá trình chuyển đổi từ sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng điện đang là một trong những hướng đi quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của hiện tại và tương lai.
“Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để đẩy mạnh phát triển thị trường này nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ, sự đồng thuận của xã hội về việc chuyển đổi từ các phương tiện truyền thống sang phương tiện sử dụng điện. Các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang thấy nhiều ưu việt đến các tính năng mới, giá cả, khả năng tăng tốc, các chi phí bảo dưỡng, mức độ an toàn, mức độ ảnh hưởng đến môi trường... của xe điện và chủ động, tiên phong chuyển đổi. Đây là một xu hướng cần được khuyến khích và trợ lực để tiếp tục phát triển”, chuyên gia này chia sẻ.
Mời quý độc giả theo dõi tuyến bài Động lực cho cuộc chuyển đổi “xanh” của ngành taxi trên tạp chí điện tử Người Đưa Tin
- Bài 1: Xu hướng “xanh” hóa và bước ngoặt của thị trường
NGUOIDUATIN.VN |