img img

img img

Để cuộc chuyển đổi từ xăng sang điện của ngành vận tải taxi đạt được kỳ vọng, cần tới cả nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, những nỗ lực chuyển đổi xe điện hiện nay vẫn đang là bước đầu và cơ chế, chính sách vẫn đang là vấn đề thách thức lớn đối với phát triển xe điện ở Việt Nam. Do đó, cần phải thêm và hoàn thiện nhiều quy định, tiêu chuẩn và chính sách hỗ trợ để xây dựng một hệ thống trạm sạc đáp ứng nhu cầu.

“Làm gì cũng vậy, chúng ta cần thay đổi cơ chế, không gian chính sách thì mới có thể thu hút đầu tư và khuyến khích sự phát triển được. Trước hết, đó là hệ thống về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với phương tiện xe điện. Rồi tiêu chuẩn về trạm sạc, về thu hồi, xử lý và tái chế pin sau khi quá thời hạn sử dụng như thế nào? Đặc biệt cần tính toán các cơ chế về ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng ví dụ như về thuế, phí, vay vốn, quỹ đất, ưu đãi đầu tư…. Có thể chúng ta chưa làm được ngay để làm bước đột phá nhưng chúng ra phải làm từng bước để chủ động tạo không gian phát triển cho loại phương tiện này”, GS.TS. Lê Anh Tuấn nói.

img

Về lộ trình thực hiện "phủ xanh" phương tiện giao thông từ nay đến 2050, theo chuyên gia này, chúng ta cần rất nhiều chính sách trong từng giai đoạn cụ thể, cần đi từng bước, đừng quá lạc quan là có thể chuyển thẳng từ ô tô xăng dầu sang điện được. Trong đó, từ nay đến 2030 cần đạt được ít nhất 50% lượng xe ô tô của Việt Nam chuyển sang xe điện.

Về năng lượng đầu vào, GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, lựa chọn nguồn điện để sử dụng cho xe điện cũng cần tính toán bởi xe điện là xe sạch, thân thiện với môi trường thì bản thân nguồn điện cấp cũng phải sạch. Hiện nay, nguồn năng lượng điện tại Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhiệt điện, tạo ra nhiều khí carbon, nguồn điện này cần hạn chế. Còn nếu tăng cường thủy điện, chúng ta lại phải tạo hồ lớn, phá rừng, dẫn tới việc hấp thụ CO2 giảm, khó có thể thực hiện được mục tiêu "net zero" như cam kết. Do đó, trong thời gian tới, cần khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện năng như điện gió, điện mặt trời.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng việc doanh nghiệp tiên phong sử dụng xe điện chính là đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam, do đó cần được hưởng các chính sách ưu đãi. Khi doanh nghiệp thấy được chính sách hỗ trợ để kinh doanh có lãi sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Theo đó, lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội mong muốn trước hết Nhà nước sớm có giải pháp để đồng bộ hóa hạ tầng trạm sạc, hướng tới thuận lợi như các trạm xăng dầu.

img

Bên cạnh đó, có cơ chế cho phép các doanh nghiệp được chủ động liên kết mua xe sản xuất tại nước ngoài và được áp dụng các cơ chế giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, chỉ định các ngân hàng tài trợ một cách thật cụ thể.

Đặc biệt, để tạo cú hích cho các doanh nghiệp chuyển đổi, ông Nguyễn Công Hùng đề nghị Chính phủ tạo cơ chế cho phép các doanh nghiệp thực hiện chuyển từ sử dụng xe xăng sang xe điện trong giai đoạn 2025-2030 được miễn thuế trong 5 năm kể từ khi đầu tư để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, giá điện cũng là yếu tố các doanh nghiệp vận tải quan tâm. Các hãng taxi đều mong muốn giá điện được đảm bảo ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe điện.

Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn về vốn, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn có các chính sách ưu đãi về hạn mức, lãi suất, kỳ hạn khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để chuyển đổi sang xe điện.

img

img img

Cũng đồng tình với những đề xuất trên, ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh, hạ tầng là yếu tố đi trước mở đường. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi điện, nhu cầu sạc pin sẽ ngày càng lớn. Khả năng ùn tắc tại các trạm sạc sẽ tăng lên, không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hãng taxi mà còn khiến người dùng ô tô điện cá nhân bức xúc. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp cần đẩy nhanh phát triển mạng lưới trạm sạc trong nước, đặc biệt ưu tiên các trụ sạc nhanh để hoạt động taxi được thông suốt.

“Cần có chính sách phát triển trạm sạc với sự tham gia của nhiều bên, một mình VinFast làm sẽ rất khó để phủ rộng mạng lưới trạm sạc đáp ứng nhu cầu của người dùng. Do đó, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc, hướng đến cùng chia sẻ sử dụng cho tất cả các loại xe điện", ông Bằng nói.

img

Theo ông Bằng, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển đổi sang taxi điện, cần chú ý đến vấn đề đàm phán giữa doanh nghiệp bán, cho thuê taxi đi với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi. Để kêu gọi các hãng taxi lớn tham gia, cần có mức lợi nhuận đủ hấp dẫn.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng cần tạo điều kiện để đa dạng thị trường xe điện, để không chỉ xe điện của Vinfast mà của các hãng khác cũng đều có thị phần, tạo sự cạnh tranh cần thiết và đem lại lợi ích cho người dùng và doanh nghiệp.

“Chính phủ cũng có thể tính toán để miễn, giảm thuế, phí cho các dòng xe taxi điện, xe bus điện để tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi”, ông Đỗ Văn Bằng chia sẻ.

img

Trên xe điện thực sự phát triển đúng định hướng, phải thực sự tạo ra một thị trường xe điện đúng nghĩa, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp tham gia sản xuất xe điện cũng đều mong muốn có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn với dòng xe thân thiện với môi trường.

Đại diện Yamaha Việt Nam cho rằng Nhà nước có thể hỗ trợ để thị trường xe điện ngày càng rộng mở bằng những hành động cụ thể như: áp dụng các chính sách khuyến khích để giảm giá thành xe điện, đầu tư hạ tầng, mở rộng mạng lưới điểm sạc công cộng xe điện, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan đến xe điện, hỗ trợ việc đào tạo và giáo dục nguồn nhân lực chuyên về công nghệ và kỹ thuật xe điện,…

“Chúng tôi mong Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho xe điện. Về dài hạn, với những loại xe thân thiện với môi trường khác, các doanh nghiệp có thể sẽ cần hỗ trợ về chính sách cũng như định hướng của Chính phủ trong việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”, đại diện Toyota Việt Nam chia sẻ.

img

img img

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam, chuyển đổi xe kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện là vấn đề không chỉ của ngành giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Về nỗ lực riêng của ngành giao thông, ngay sau khi Chính phủ có Quyết định 876, Bộ GTVT có Quyết định 1679 ngày 2/12/2023 yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện.

Cục Đường bộ Việt Nam sau đó cũng ban hành Quyết định 1006 ngày 6/2/2024 về việc triển khai Quyết định 1679 của Bộ GTVT, trong đó đưa ra các lộ trình và giải pháp để thực hiện.

Cụ thể, rà soát sửa đổi toàn bộ Luật chuyên ngành, văn bản dưới luật để xây dựng các quy định cơ sở hạ tầng sạc điện trên hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.

Cùng đó, cập nhật lại tất cả các quy định quản lý về phương tiện, thiết bị phù hợp với kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch

img

Đồng thời, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đề xuất bổ sung mạng lưới hạ tầng cung cấp nguồn năng lượng xanh vào quy hoạch chi tiết kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, theo đó, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm. Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam còn đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt – phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn, nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện.

Song song với đó, sẽ xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.

img

NGUOIDUATIN.VN |