Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, ngành thống kê đã nghiên cứu để đo lường quy mô nền kinh tế số một cách đầy đủ nhất, từ việc xác định khái niệm và phạm vi để đo lường. TS. Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về nội dung này.
NĐT: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số phải chiếm 20% GDP. Vậy xin bà chia sẻ về tỉ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam so với các nước trên thế giới hiện nay?
TS. Nguyễn Thị Hương: Để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, một số quốc gia trên thế giới có nghiên cứu, tính toán chỉ tiêu tỉ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP, trong đó có Việt Nam.
Song, rất khó để so sánh chỉ tiêu này giữa các quốc gia vì khái niệm, phạm vi và phương pháp tiếp cận để tính toán kinh tế số của các quốc gia là khác nhau do Cơ quan thống kê Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về kinh tế số để áp dụng thống nhất trong công tác thống kê của các quốc gia.
Ví dụ, Anh đưa ra công bố kinh tế số lõi bình quân giai đoạn 2016-2019 chiếm khoảng 4,6% tổng giá trị tăng thêm và kinh tế số mở rộng là 26,6%; Canada năm 2018 là 5,4% và năm 2019 là 5,5% của GDP; Mỹ năm 2020-2022 lần lượt là 10,4%, 10,3% và 10,1% của GDP; Úc năm 2020-2022 lần lượt là 6,3%, 6,4% và 6,3%; tỉ trọng kinh tế số của Thái Lan trong GDP năm 2021 là 12,7% và năm 2022 là 12,1%; Malaysia năm 2021 là 23,1%; Singapore năm 2022 là 17,3%; Trung Quốc 2020-2022 lần lượt là 38,6%, 39,8% và 41,5% của GDP.
Đối với Việt Nam, theo kết quả ước tính của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm 2020-2023 lần lượt là 12,7%, 12,9%, 12,8% và 12,6%.
Nhìn chung, tỉ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP giữa các năm của các quốc gia thường không có biến động lớn.
Với kết quả tính toán hiện nay của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ở Việt Nam tương ứng với tỉ trọng kinh tế số trong GDP của Thái Lan năm 2021-2022 (hơn 12%) và cũng có xu hướng giảm, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Singapore và Trung Quốc nhưng vẫn cao hơn so với một số quốc gia lớn Mỹ, Canada, Úc.
Tuy nhiên việc so sánh này cũng chỉ mang tính chất tương đối để tham khảo vì các nước xác định phạm vi để đo lường nền kinh tế số là khác nhau.
NĐT: Việc thực hiện đo lường kinh tế số là công việc khó khăn, phức tạp cần được tiến hành thận trọng, khoa học và cần sử dụng nhiều nguồn lực. Là cơ quan được giao chủ trì thực hiện đo lường kinh tế số, Tổng cục Thống kê đã có những định hướng triển khai đo lường kinh tế số như thế nào?
TS. Nguyễn Thị Hương: Việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với chỉ tiêu tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP. Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.
Kinh tế số cũng được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nghiên cứu từ rất lâu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cách tiếp cận đầy đủ, thống nhất để đo lường toàn bộ quy mô nền kinh tế số.
Từ đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã triển khai tính toán thử nghiệm chỉ tiêu này và tiếp tục tổ chức các hội thảo tham vấn các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế (ADB, IMF, WB,…) về quy trình biên soạn, nguồn thông tin và kết quả tính toán thử nghiệm.
Đến cuối năm 2023, Tổng cục Thống kê đã rà soát, hoàn thiện kết quả biên soạn và công bố chỉ tiêu này cho các năm từ năm 2020-2021 và ước tính cho năm 2022- 2023.
Hiện nay, Tổng cục Thống kê vẫn tiếp tục rà soát hoàn thiện biên soạn kết quả chính thức cho năm 2022 dựa trên thông tin của các cuộc điều tra thống kê, sơ bộ lại cho năm 2023 và sẽ ước tính kết quả năm 2024 vào cuối năm nay.
NĐT: Trước khi chính thức đo lường và công bố kể từ năm 2024, Tổng cục Thống kê đã tiến hành nghiên cứu, tính toán kinh tế số giai đoạn 2020-2023. Bà có thể chia sẻ về kết quả này?
TS. Nguyễn Thị Hương: Theo kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Việt Nam các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,7%, 12,9% 12,8% và 12,6%.
Bình quân giai đoạn 2020-2023 đạt khoảng 12,7%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,9% (chiếm 61%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,8% (chiếm 39%). Tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có xu hướng giảm do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm.
Ngược lại, các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên, một số ngành có tỉ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số cao nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số như: Thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm khoảng 4%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; Hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%.
Bên cạnh đó, cũng có một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung; sản xuất sản phẩm thuốc lá; Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác... (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).
Kết quả tính toán cũng cho thấy xu hướng số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỉ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,5% năm 2020 lên 6,9% năm 2023.
NĐT: Tính chính xác về các số liệu khi tính toán kinh tế số tại các địa phương được thể hiện như thế nào, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Hương: Đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu và thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Chỉ tiêu này được tính toán trên phạm vi rộng, chia làm 2 phần: các hoạt động kinh tế số lõi và các hoạt động kinh tế được số hóa.
Các hoạt động kinh tế số lõi bao gồm các hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; Bản phần mềm; Viễn thông: Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; Cổng thông tin; sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; và sửa chữa máy tính và thiết bị liên lạc.
Quy mô và đóng góp của hoạt động kinh tế số lõi được tính toán theo phương pháp sản xuất từ kết quả hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tham gia các hoạt động trên. Còn quy mô và đóng góp của hoạt động kinh tế được số hóa tính toán dựa trên tỉ lệ số hóa của các ngành không phải ngành thuộc hoạt động kinh tế số lõi thông qua chi phí ứng dụng công nghệ thông tin.
Tỉ lệ số hóa được hiểu là tỉ trọng của chi phí ứng dụng công nghệ tin, truyền thông so với giá trị sản xuất và được tính trực tiếp từ kết quả điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian của Tổng cục Thống kê năm 2021 và các cuộc điều tra thường xuyên khác do Tổng cục Thống kê thực hiện.
Nhìn chung, việc tính toán chỉ tiêu tỉ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của các địa phương là phù hợp với phương pháp biên soạn Tài khoản quốc gia, đã có sự tham gia góp ý của các chuyên gia quốc tế và đảm bảo tính hợp lý của các số liệu đã công bố giữa trung ương và địa phương.
NĐT: Trong quá trình đo lường đóng góp của kinh tế số đối với nền kinh tế sẽ gặp phải không ít khó khăn và thách thức, bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
TS. Nguyễn Thị Hương: Như đã đề cập ở các câu trả lời trước, để đo lường được đầy đủ quy mô nền kinh tế số là rất khó vì kinh tế số không chỉ có một ngành mà nó liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực và mọi mặt của đời sống của chúng ta.
Trên thế giới hiện nay chưa có hướng dẫn thống nhất về cách tiếp tiếp cận và đo lường đầy đủ, toàn diện các hoạt động và đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng. Vì vậy, đo lường nền kinh tế số ở Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, khái niệm, phạm vi và nội hàm của kinh tế số chưa rõ ràng và thống nhất để áp dụng chung cho các quốc gia. Hiện nay, kinh tế số có nhiều khái niệm, quan điểm và cách tiếp cận khác nhau dẫn tới sự khác biệt lớn trong kết quả tính toán quy mô kinh tế số và đóng góp của kinh tế số trong GDP. Điều này cản trở việc so sánh giữa các quốc gia về hiện trạng phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó là thách thức liên quan đến nguồn số liệu biên soạn quy mô kinh tế số, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới. Để biên soạn đầy đủ quy mô của các hoạt động kinh tế số, các nguồn dữ liệu từ điều tra, báo cáo, hồ sơ hành chính theo phương pháp truyền thống không thể bao quát toàn bộ các hoạt động kinh tế số.
Trong tương lai, chúng ta cũng cần nghiên cứu, sử dụng thêm các nguồn dữ liệu phi truyền thống như: dữ liệu lớn (big data), dữ liệu trực tuyến…
Chưa kể còn hách thức trong tính toán, phân tách các hoạt động được số hóa trong từng ngành kinh tế. Xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội ngày càng tăng dẫn tới khó khăn trong việc xác định và bóc tách hoạt động số và phi số theo ngành kinh tế, lĩnh vực.
NĐT: Cảm ơn bà đã chia sẻ!