img img

Kinh tế Anh thời hậu Covid-19 đang phục hồi chậm hơn Mỹ, Italy và Pháp, và thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài vào cuối năm nay do lạm phát leo thang và lãi suất tăng, khiến hàng triệu người dân “xứ sở sương mù” có nguy cơ gặp khó khăn chưa từng có.

Thêm vào đó, sự chuyển đổi trong vai trò lãnh đạo ở cấp cao nhất của chính phủ Anh đã khiến những thách thức mà nước này đối mặt trở nên gay gắt hơn. Công chúng có cảm giác bị rơi vào trạng thái lấp lửng chính trị ngay khi nhiều cuộc khủng hoảng cùng ập đến.

Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đang trong giai đoạn nước rút của cuộc đấu tay đôi để giành ghế Thủ tướng Anh, kế nhiệm ông Boris Johnson.

img

Ông Rishi Sunak (trái) và bà Liz Truss trong cuộc đọ sức tay đôi để bước vào Số 10 Phố Downing. Ảnh: NYT

“Về cơ bản, nó giống như chờ đợi một cơn bão đổ bộ”, ông Steven Fielding, giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham, cho biết. “Tất cả chúng ta đều biết rằng những điều tồi tệ chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng hiện tại, chưa có ai chịu trách nhiệm”.

img

Dù ai là người chiến thắng trong cuộc đấu tay đôi giành chức Thủ tướng thì cũng đều phải vật lộn để đưa nước Anh vượt qua vô vàn thách thức, từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, tới những vấn đề hậu Brexit, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là mối lo lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm.

Lạm phát ở Anh đã đạt tốc độ hàng năm là 10,1% trong tháng 7. Áp lực giá cả sẽ tiếp tục gia tăng khi các công ty bắt đầu chuyển phần chi phí tăng cho khách hàng, trong khi người lao động yêu cầu mức lương cao hơn để bù đắp mức tăng trong chi phí sinh hoạt hàng ngày.

img

Khách mua sắm tại một siêu thị ở London, tháng 6/2022. Người dân Anh đã chứng kiến giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Ảnh: Shutterstock

Đầu tháng 8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), khi tiến hành đợt nâng lãi suất mạnh nhất trong 27 năm qua, đã cảnh báo rằng lạm phát ở nước này có thể vượt ngưỡng 13% vào cuối năm nay và nền kinh tế Anh sẽ đối mặt với cuộc suy thoái kéo dài 15 tháng, từ quý IV năm nay đến hết năm 2023.

Các hộ gia đình ở Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ do tăng trưởng tiền lương không theo kịp với lạm phát. Thu nhập hộ gia đình, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, dự kiến sẽ giảm hơn 2% trong năm nay. Đó là viễn cảnh tồi tệ nhất kể từ năm 1945, theo hãng dự báo và phân tích kinh tế lượng hàng đầu toàn cầu Oxford Economics.

img

Nhiều người Anh bị sốc khi biết thông tin về những ước tính mới rằng lạm phát ở đất nước họ sẽ đạt 13%. Ảnh: EPA

Ở Đông Nam nước Anh, một người dân địa phương 59 tuổi tên Dawn White, vốn bị suy thận mãn, chia sẻ rằng bản thân rất lo ngại khi chi phí năng lượng ngày càng tăng cao. Hiện bà đang phải sử dụng máy lọc máu 5 lần mỗi tuần, tương đương 20 giờ.

Bà lo rằng sẽ đến một ngày hóa đơn điện cao đến mức bà không còn đủ khả năng chi trả cho việc điều trị cứu sống chính mình. Bà nói với hãng tin Reuters: “Nếu không có máy lọc máu, tôi sẽ chết”.

img

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak (ở giữa) được cho là người đã kích hoạt làn sóng tẩy chay ông Boris Johnson (phải), điều một số đảng viên Đảng Bảo thủ coi là sự phản bội. Ảnh: NYT

Tại thị trấn Grimsby, miền Đông nước Anh, một người dân địa phương tên Philip Keetley cho biết, anh đã không dám bật quạt làm mát ở nhà trong thời tiết oi bức do tác động của đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè năm nay.

Thất nghiệp từ tháng 4, Keetley đang sống bằng 600 bảng trợ cấp mỗi tháng từ chương trình an sinh xã hội. Một nửa trong số đó anh phải dùng để trả tiền thuê nhà, phần còn lại hầu như không đủ trang trải cho những thứ thiết yếu.

Keetley cho biết, nguồn thu eo hẹp không cho phép anh được thỏa mãn nhu cầu tối thiểu như vậy. Anh nói: “Chi phí sinh hoạt đã tăng lên nhưng bạn thấy đấy, tôi vẫn phải sống dựa vào nguồn thu tương tự như khi không có khủng hoảng… Tôi chỉ có thể chọn giữa hưởng quạt mát hay ăn no bụng”.

img

Các xe tải xếp hàng nối đuôi nhau tại nhà ga Channel Tunnel, tháng 12/2020. Ảnh: NYT

Tình hình có thể sẽ còn tệ hơn nữa khi mùa đông gõ cửa. Hôm 26/8, Văn phòng Thị trường Điện và Khí đốt Anh (Ofgem) thông báo, mức giá trung bình hóa đơn năng lượng hàng năm ở Anh sẽ tăng lên 3.549 bảng (4.167,8 USD) vào tháng 10 tới, tương đương mức tăng 178% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 80% so với hiện tại.

Như vậy, mùa đông năm nay, người Anh sẽ phải chi trung bình 10% thu nhập hộ gia đình của họ cho khí đốt, điện và các nhiên liệu sưởi ấm khác cũng như nhiên liệu chạy xe, chủ yếu là xăng và dầu diesel, gấp đôi con số năm 2021, theo tính toán của trang Carbon Brief trên cơ sở dữ liệu chính thức.

Tổ chức từ thiện Hành động Năng lượng Quốc gia (NEA) của Anh ước tính, 8,9 triệu hộ gia đình “đảo quốc sương mù” có thể rơi vào cảnh đói nghèo sau tháng 10 tới khi giới hạn giá năng lượng tăng lên. Con số này là 4,5 triệu hộ vào tháng 10 năm ngoái.

img

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng các gia đình ở "xứ sở sương mù" đang phải đối mặt với một "quả bom hẹn giờ tài chính" vào tháng 10 tới. Ảnh: Getty Images

Theo NEA và các tổ chức từ thiện khác ở Anh, một hộ gia đình được định nghĩa là sống trong cảnh nghèo đói nếu có thu nhập thấp và cần phải chi từ 10% thu nhập trở lên cho năng lượng.

Ông Peter Smith, giám đốc chính sách và vận động tại NEA cho biết: “Mức tăng hóa đơn năng lượng mà chúng ta đang thấy là hoàn toàn chưa từng có tiền lệ”.

Trong bối cảnh lạm phát leo thang và khủng hoảng sinh hoạt phí trầm trọng, Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo, nước Anh đang đối mặt với một “quả bom hẹn giờ tài chính” nếu chính phủ không vạch ra kế hoạch cho mùa đông khó khăn phía trước.

“Có một thực tế nghiệt ngã và không thể phủ nhận: Quả bom hẹn giờ tài chính sẽ phát nổ vào tháng 10 tới khi giá nhiên liệu tăng lần thứ hai trong vòng 6 tháng, gửi sóng xung kích tới từng hộ gia đình và đẩy hàng triệu người tới bờ vực đói nghèo thảm khốc”, ông Brown viết trên tờ The Observer.

img

Với hóa đơn năng lượng trung bình của hộ gia đình ước tính sẽ đạt 300 bảng/tháng, Thủ tướng Anh tiếp theo sẽ bị đặt dưới áp lực phải tìm cách giúp người dân đối phó với cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí này.

img

Bà Liz Truss, ứng cử viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh. Ảnh: Sky News

Cả 2 ứng cử viên trong cuộc đua kế nhiệm ông Johnson đều cho rằng các kế hoạch kinh tế của họ sẽ giúp ích.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss từ chối đưa ra chi tiết về sự hỗ trợ của bà cho các gia đình và doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng vọt, nhưng theo Bloomberg, văn phòng của bà hôm 28/8 khẳng định rằng việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng VAT xuống còn 15% là một trong những tùy chọn đang được xem xét.

Việc cắt giảm thuế VAT xuống 15% sẽ là mức cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong thuế bán hàng và sẽ tiết kiệm cho một hộ gia đình trung bình hơn 1.300 bảng mỗi năm, theo The Telegraph.

Bà Truss cho rằng viễn cảnh suy thoái nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện “kế hoạch kinh tế táo bạo” của bà để cắt giảm thuế ngay lập tức.

img

Ngoại trưởng Liz Truss (áo đỏ) chụp ảnh cùng những người ủng hộ bà. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, bà Truss cũng được cho là đang xem xét cắt giảm thuế thu nhập cá nhân thông qua việc tăng ngưỡng chịu thuế.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng kế hoạch của bà Truss sẽ làm được rất ít cho những người cần hỗ trợ nhất, thậm chí dẫn đến gia tăng vay nợ đến mức cao lịch sử, đặt nền tài chính công vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng và đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy lạm phát.

Về phần mình, ông Sunak tuyên bố sẽ mở rộng gói hỗ trợ trực tiếp mà ông đã tiết lộ lần đầu tiên vào tháng 5 để giảm bớt gánh nặng cho người dân, bao gồm khoản trợ cấp 400 bảng để giúp “mọi hộ gia đình ở Anh” thanh toán hóa đơn năng lượng.

img

Thực khách tại London, đầu tháng 8/2022. Ảnh: Shutterstock

Ông Sunak cho rằng nên hỗ trợ nhiều hơn cho người hưu trí và những người dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng không đưa ra chi tiết.

Tuy nhiên, các cử tri Đảng Bảo thủ (Tory) không “mặn mà” với kế hoạch của cả bà Truss và ông Sunak về giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trước những đợt tăng giá lớn vào cuối thu. Thông tin trên được tiết lộ qua một cuộc thăm dò độc quyền cho tờ The Independent, công bố hôm 28/8.

Chỉ 48% các cử tri Tory ủng hộ kế hoạch của bà Truss, trong khi con số này dành cho ông Sunak là 44%, theo kết quả cuộc thăm dò.

Cuộc thăm dò độc lập cũng cho thấy sự thất vọng của công chúng về trọng tâm của cuộc đua lãnh đạo kéo dài 2 tháng trong khi cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí không ngừng tăng nhiệt mỗi ngày.

Ông Johnson - Thủ tướng sắp mãn nhiệm cho biết, bất kỳ ai tiếp quản Số 10 Phố Downing đều sẽ công bố “một gói hỗ trợ tài chính khổng lồ khác”, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng nước Anh sẽ vượt qua khó khăn và trở nên thịnh vượng hơn.

img

Biểu đồ cho thấy thay đổi hàng năm trong Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Anh. Nguồn: Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS). Đồ họa: NYT

Tuy nhiên, Oxford Economics dự đoán, nền kinh tế Anh sẽ trì trệ trong năm tới. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) dự báo, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng rất ít trong năm nay và năm tới.

Một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của ông Johnson là “hoàn tất Brexit”. Nhưng tờ New York Times dẫn lời ông Jagjit S. Chadha, Giám đốc NIESR, cho rằng Brexit là một “đòn giáng chậm” vào nền kinh tế nước Anh, kéo lùi tăng trưởng trong bối cảnh các rào cản thương mại xuất hiện, nhiều công dân EU rời khỏi thị trường lao động Anh, và những bất định về mặt chính sách thời hậu Brexit làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.

Đối với nhiều ngành ở Anh, bao gồm công việc nông trại, xây dựng và khách sạn, di sản của Brexit là lực lượng lao động bị thu hẹp, khiến doanh nghiệp trong các ngành này phát triển chậm lại.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Brexit đã mang lại thêm chi phí và thủ tục giấy tờ mà không mang lại lợi ích rõ ràng. Các rào cản thương mại cũng khiến lạm phát lương thực trở nên tồi tệ hơn, theo các nhà kinh tế.

img

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak phát biểu trước giới truyền thông tại một sự kiện khởi động chiến dịch tranh cử của mình ở London, ngày 12/7/2022. Ảnh: Channel News Asia

“Đây không phải là bức tranh sáng sủa”, ông Chadha cho biết. “Nhưng đây là những gì Thủ tướng và Nội các tiếp theo của Anh phải đối mặt”.

Bên cạnh đó, người kế nhiệm ông Johnson cũng sẽ phải giải quyết câu hỏi về khả năng cầm quyền của Đảng Bảo thủ.

Lãnh đạo đảng Bảo thủ đã điều hành nước Anh trong 12 năm qua. Nhưng theo một cuộc thăm dò do hãng YouGov thực hiện vừa qua, sự ủng hộ của các cử tri dành cho đảng Bảo thủ đã giảm mạnh khi đảng này đang phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng ngay trong nội bộ.

“Vấn đề đặt ra là ai sẽ có thể khôi phục các giá trị của Đảng Bảo thủ”, ông Will Tanner, giám đốc tổ chức nghiên cứu Onward của Anh, cho biết trên Twitter.

Lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ, đồng thời là tân Thủ tướng Anh, sẽ được công bố vào ngày 5/9.

img img

Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine gây ra thêm nhiều bất định cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu thời hậu Covid. Ảnh: The Japan Times

NGUOIDUATIN.VN |